Kon Bring giữ gìn văn hóa cồng chiêng

16/01/2018 19:38

​Thôn Kon Bring (xã Đăk Long, huyện Kon Plông) có 61 hộ với 257 nhân khẩu, chủ yếu là người Mơ Nâm. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển làng văn hóa cộng đồng của UBND huyện, trong đó có bảo tồn văn hóa cồng chiêng, người dân trong thôn đã cùng nhau luyện tập, truyền dạy để giữ gìn tinh hoa văn hóa của dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách mỗi khi đến tham quan Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen…

Ông A Đreng - già làng thôn Kon Bring tâm sự: Tiếng cồng, tiếng chiêng là linh hồn của người Mơ Nâm, bởi âm thanh của nó luôn hòa quyện giữa tâm hồn con người với núi rừng bao la. Thế nên, dù có hiện đại đến mấy, người Mơ Nâm ở đây vẫn lưu giữ văn hóa cồng chiêng gắn với không gian nhà rông và sinh hoạt cộng đồng.  

Chị Y Lim - Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Kon Bring vui vẻ cho biết: Hiện nay, Đội cồng chiêng của thôn có trên 25 người tham gia. Tất cả đều mong muốn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có văn hóa cồng chiêng.

Ông Lê Hồng Công - Cán bộ Văn hóa xã Đăk Long giải thích: Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", UBND xã đã chọn thôn Kon Bring để xây dựng mô hình điểm về “Giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng”. Từ đó đến nay, nhân dân trong thôn đã tự nguyện tổ chức tập luyện đánh cồng chiêng, đồng thời tập huấn về kiến thức, kỹ năng giao tiếp, phương pháp ứng xử khi tham gia hoạt động văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch.

Đội cồng chiêng thôn Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông trong ngày hội. Ảnh: V.H

 

Với tinh thần trân trọng, yêu quý truyền thống văn hóa dân tộc, từ ngày thành lập đến nay, trải qua 3 năm hoạt động, Đội cồng chiêng thôn Kon Bring thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ do huyện và tỉnh tổ chức. Hàng năm, Đội cồng chiêng thôn đã mời một số nghệ nhân lớn tuổi trong thôn như: Già làng A Đreng, A Roi, A Dương, Y Lim… có kinh nghiệm về đánh cồng chiêng tổ chức truyền đạt cách đánh và cách chỉnh cồng chiêng cho mọi người trong thôn, nên đến nay ai cũng đánh được cồng chiêng.

Trên cơ sở mô hình này, chính quyền xã Đăk Long đã nhân rộng và thành lập được 2 đội cồng chiêng tại 2 thôn: Kon Ke I và Kon Ke II của xã.

Ông Võ Kim Thạch - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kon Plông đánh giá: Từ những hoạt động của mô hình này đã góp phần cải tạo không gian cư trú, đưa vị trí của con người hài hòa với các điều kiện tự nhiên, tạo điều kiện cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế gia đình bằng tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng. Đây là cơ hội cho một số nghề thủ công, các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của bà con tạo ra những sản phẩm, kể cả vật thể và phi vật thể trở thành hàng hóa, thực hiện chức năng trao đổi, thương mại thông qua các hoạt động dịch vụ trong văn hóa du lịch.

Đặc biệt, từ khi triển khai mô hình này đến nay, cảnh quan môi trường quanh làng được giữ gìn, góp phần giữ vững sự cân bằng môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển được các dược liệu truyền thống, hạn chế được các hoạt động kinh tế truyền thống lạc hậu, bảo vệ được nguồn tài nguyên rừng. Mặt khác, tình hình an ninh trật tự trong thôn được đảm bảo hơn. Bởi mỗi khi rảnh rỗi, nhân dân tập trung tại nhà rông luyện tập cồng chiêng, múa xoang, không tham gia phá rừng và săn bắt thú rừng trái pháp luật.

Chị Y Lim cho biết thêm: Trong thời gian tới, Đội tiếp tục duy trì và thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống do huyện tổ chức, đồng thời phối hợp với một số thôn trong vùng thuận lợi và kết hợp phong cảnh thiên nhiên để bảo tồn, phát huy gắn với hoạt động du lịch. Đồng thời, tiếp tục vận động cán bộ, nhân dân sáng tạo những giá trị mới về văn hóa trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc văn hóa truyền thống của dân tộc mình và văn hóa các dân tộc anh em trong vùng có nét tương đồng để làm giàu cho văn hóa cồng chiêng của từng dân tộc.

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác