30/09/2019 13:11
Ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Trên cơ sở Quyết định số 298/QĐ-TTg, ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông đến năm 2030, UBND huyện Kon Plông đã phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh tiến hành rà soát lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi xem xét quy hoạch tổng thể của đô thị Kon Plông, từ năm 2013-2016, UBND tỉnh đã lần lượt phê duyệt 6 đồ án quy hoạch chi tiết về xây dựng thị trấn huyện lỵ Kon Plông, các khu vực 4 phía của trung tâm thị trấn, khu trung tâm thương mại và du lịch hồ Đăk Ke.
Đồng thời, UBND huyện đã đẩy mạnh tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa-du lịch trên địa bàn như Tuần Văn hóa - Du lịch Măng Đen, Kon Plông thường niên, Liên hoan đàn - hát dân ca khu vực Tây Nguyên…; tham gia nhiều hoạt động văn hóa-du lịch trong tỉnh và một số địa phương khác để quảng bá các sản phẩm du lịch tiềm năng, thế mạnh và những nét văn hóa đặc trưng của huyện; tổ chức xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng du lịch sinh thái Măng Đen; xây dựng và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tổng thể đô thị Măng Đen...
|
Đặc biệt, UBND huyện đã thực hiện đồng bộ cơ chế các chính sách về thu hút đầu tư. Trong đó, ưu đãi 10% thuế suất áp dụng trong thời gian 15 năm đối với doanh nghiệp thành lập mới, ưu đãi 20% thuế suất áp dụng trong suốt thời gian hoạt động đối với hợp tác xã, giảm đến 70% và có thể miễn tiền sử dụng đất nếu nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, giảm đến 50% tiền sử dụng đất và có thể miễn nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất trong quy hoạch đã phê duyệt.
Nhờ đó, đến nay, Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen đã thu hút được 93 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích 5.757,5ha và tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 19.603 tỷ đồng. Trong đó, có 22 dự án du lịch sinh thái với tổng diện tích 2.011,9ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 6.519 tỷ đồng. Đến nay, UBND huyện đã xây dựng 4 công trình du lịch sinh thái tại hồ Đăk Ke, khu thương mại-du lịch Hoàng Vũ, thác Pa Sỹ, hồ Đăm Bri gắn với 2 công trình du lịch tâm linh là Chùa Khánh Lâm và Tượng Đức Mẹ Măng Đen; 2 công trình du lịch cộng đồng là Làng Văn hóa-Du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen) đưa vào hoạt động năm 2018 và đang tiến hành đầu tư xây dựng Làng Văn hóa-Du lịch cộng đồng Vi Ô Lăk (xã Pờ Ê).
UBND huyện cũng đã đẩy mạnh đầu tư đồng bộ các công trình cơ sở hạ tầng nên hiệu quả hoạt động của các công trình du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh trên địa bàn thị trấn Măng Đen đã thu hút hàng chục nghìn người đến tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm, góp phần tăng doanh thu từ các dịch vụ du lịch cho huyện. Cụ thể, số lượng khách du lịch biết và đến tham quan du lịch Măng Đen tăng dần qua các năm; năm 2013 đạt 65.230 lượt khách, đến năm 2019 ước đạt 195.000 lượt khách, gấp gần 3 lần.
|
Thực hiện “Đề án Bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2016-2020”, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, UBND các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thôn làng bảo quản, gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng, không đem buôn bán, trao đổi. Đồng thời, thành lập các đội cồng chiêng tại 100% số thôn, làng với phần lớn thanh niên tham gia. Trong đó, đã duy trì 3 đội cồng chiêng hoạt động thường xuyên phục vụ quảng bá phát triển du lịch gồm: Làng Kon Vơng Kia I, làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen) và làng Kon Chênh (xã Măng Cành). Nhờ đó, đến nay, tại các thôn, làng và hộ dân trong huyện còn lưu giữ được 495 bộ cồng chiêng.
Bên cạnh đó, việc truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng cũng được UBND huyện quan tâm tổ chức thông qua các hình thức như cha truyền con nối và mở các lớp truyền dạy. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch mở 3 lớp truyền dạy cồng chiêng tại xã Măng Cành và thị trấn Măng Đen, có 90 học viên tham gia; đồng thời nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí cho nhân dân để phục dựng lễ cưới, lễ làm chuồng trâu của người Mơ Nâm ở xã Măng Cành và lễ đâm trâu của người Mơ Nâm ở thị trấn Măng Đen.
Hàng năm, UBND huyện còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, Lễ hội Đường phố, trải nghiệm du Xuân trong dịp Tết Nguyên đán, Tuần Văn hóa- du lịch huyện, Hội diễn Văn hóa - Văn nghệ..., đã góp phần tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số học hỏi, giao lưu, tăng cường hiểu biết, phát huy truyền thống tốt đẹp và gắn kết cộng đồng. Qua đó, giúp quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm du lịch của địa phương.
|
Để thực hiện tốt vùng động lực của tỉnh về phát triển du lịch, Chủ tịch UBND huyện Đặng Thanh Nam cho biết thêm: Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tăng cường tuyên truyền hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các cấp, các ngành về vai trò phát triển du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch du lịch và chức năng quản lý nhà nước theo quy hoạch; quy hoạch các tuyến, điểm du lịch phục vụ du lịch, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và thông tin để hỗ trợ các nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư, khai thác du lịch gắn với xây dựng đô thị du lịch sinh thái xanh-sạch-đẹp-văn minh.
Đặc biệt, UBND huyện sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các hộ kinh doanh chấp hành tốt các quy định của Nhà nước trong kinh doanh, tổ chức sắp xếp các hoạt động dịch vụ, buôn bán theo hướng văn minh, lịch sự và có trật tự. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác truyền thông quảng bá về du lịch bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả. Trong đó, chú ý đến việc kết hợp giữa Nhà nước và doanh nhiệp trong hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư; phối hợp chặt chẽ việc quảng bá hình ảnh du lịch Măng Đen với các hoạt động, các sự kiện được tổ chức trong và ngoài tỉnh và việc quảng bá do chính khách du lịch thực hiện khi đến với Măng Đen…
Vĩnh Hà