19/09/2022 06:04
Theo dân làng Kon Klor, nhà rông của làng được dựng từ rất lâu đời, trước năm 1975 bị sập, bỏ hoang; mãi đến năm 1999 dân làng dựng lại, song không may là năm 2010 một số thiếu niên vào chơi, tinh nghịch làm cháy nhà rông. Một năm sau đó, nhà rông được dựng lại với quy mô to hơn, có chiều dài 17,2m, rộng 6,4 m, cao 22m. Nhà rông Kon Klor là niềm kiêu hãnh của người dân Ba Na, là điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến thăm quan thành phố Kon Tum.
Theo quan niệm của bà con Ba Na ở đây nói riêng, bà con DTTS ở Kon Tum nói chung, nhà rông bị cháy và phục dựng lại trên nền đất cũ là phạm đến thần linh (Yang), đụng đến điều thiêng liêng nhất. Với dân làng, nhà rông là trái tim của làng, nhà rông bị cháy là trái tim bị cháy, là đụng đến Yang, làmcho Yang buồn, Yang quở trách. Làm lại nhà rông trên nền đất cũ là điều hết sức kiêng kỵ, dân làng sợ bị Yang phạt. Trước những do dự của dân làng, thành phố Kon Tum đã chỉ đạo phường Thắng Lợi tăng cường công tác vận động, tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến trong dân. Đồng thời nêu ra các yếu tố về thổ nhưỡng, vị trí địa lý nhà rông đẹp trong lòng phố thị, không tìm đâu ra vị trí thay thế. Tuyên truyền mưa dầm thấm lâu, sau khi cân nhắc, tính toán, hợp nhất ý kiến của già làng, người có uy tín ở khu dân cư, cuối cùng dân làng Kon Klor nhất trí làm lại nhà rông theo kết cấu truyền thống, mái lợp tranh, cột kèo, đòn tay hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa.
|
Trước khi dựng lại nhà rông, dân làng Kon Klor nhận được sự trợ giúp tích cực bằng sức lao động của anh em, bà con các làng lân cận. Họ cùng nhau chia ra từng tốp, mang cơm nắm vào rừng xa tìm nguyên liệu tranh, tre, nứa. Theo dân làng, đã phục dựng lại nhà rông thì phải đúng nguyên bản truyền thống mới mang lại điều tốt lành và ý nghĩa tâm linh; là nơi sinh hoạt của cộng đồng, tổ chức các lễ hội, họp bàn việc làng. Với truyền thống đoàn kết, quyết tâm cao của cộng đồng làng, sự hỗ trợ của chính quyền về kinh phí, nguyên liệu gỗ, trong 6 tháng thi công, nhà rông đã được dựng xong, khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2011 trong niềm vui hân hoan của bà con Ba Na trong vùng.
11 năm qua, nhà rông Kon Klor đã được các cấp, ngành chọn làm địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn, các lễ hội văn hóa truyền thống; du khách đến Kon Tum bao giờ cũng được ngành du lịch, người thân đưa đến nhà rông tham quan, lưu lại những bức hình, những thước phim ngắn. Tuy nhiên, du khách nói chung, các nhà báo, nhiếp ảnh gia nói riêng đến đây tác nghiệp đều không vui vì hình ảnh vào ống kính có né tránh cách nào cũng luôn vướng trụ cờ sân nhà rông và trụ điện hai bên nhà rông, làm mất mỹ quan, oai nghi của nhà rông và cây sung cổ thụ.
Trong lần tham dự Hội thi cồng chiêng, xoang của làng Kon Klor diễn ra vào giữa tháng 8/2022, tôi may mắn gặp gỡ lãnh đạo thành phố. Qua trao đổi, đề xuất việc di dời các trụ điện hai bên nhà rông và đưa cờ đỏ sao vàng lên trên nhà chồ của nhà rông, thay vào trụ cờ là cây nêu truyền thống. Khá bất ngờ, chỉ trong vòng chưa đầy 20 ngày, thành phố Kon Tum đã cho đơn vị hữu quan khảo sát, tiến hành di dời trụ điện, trụ cờ, trả lại không gian đúng nghĩa thoáng đãng cho nhà rông Kon Klor.
Gần đây, tôi trở lại thăm nhà rông, nhìn thấy chị Y Hanh ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi lân la cạnh cây sung cổ thụ, tôi bắt chuyện, chị phấn khởi: “Chỗ chị đang đứng trước đây là trụ điện, giờ thành phố di dời, dân làng vui lắm, mừng lắm vì từ nay không gian nhà rông đã đẹp hơn rồi. Cờ đỏ sao vàng được đưa lên trên nhà chồ phù hợp, trông đẹp mắt. Sắp tới đây, hội thi cồng chiêng, xoang toàn thành phố được tổ chức tại nhà rông Kon Klor nhất định vui lắm, nhộn nhịp lắm”.
Dạo quanh khu vực nhà rông, tôi thấy có nhiều du khách hồ hởi chụp hình mà không còn cảnh phải né qua phải hay né qua trái để tránh “dính” trụ điện, cột cờ. Anh Trần Đình Thịnh (phường Thắng Lợi thành phố Kon Tum) đưa người thân tham quan nhà rông, phấn chấn: “Tôi không ngờ hôm nay đến đây chụp hình thấy nhà rông khác quá, chụp hình thỏa thích vì không phải lo nghĩ phải chọn góc này hay góc kia. Trước đây chụp hình xong về nhà xem lại thấy không vui vì hết dính trụ điện, đến dính cột cờ, không được đẹp mắt”.
Việc tiếp nhận ý kiến đóng góp tích cực, nhanh chóng triển khai việc di dời trụ điện, cột cờ đã trả lại không gian thoáng đãng cho nhà rông Kon Klor là việc làm hết sức ý nghĩa của chính quyền thành phố Kon Tum.
Từ đây, các nhà báo, nhiếp ảnh gia, du khách đến nhà rông Kon Klor sẽ thấy lòng thanh thoát, nhẹ nhàng ngắm nhìn, quay phim, chụp lại những khoảnh khắc trước vẻ đẹp uy nghi của nhà rông - niềm kiêu hãnh, tự hào của dân làng Kon Klor bên cạnh vẻ đẹp thanh bình của cây sung cổ thụ đã có từ lâu đời nằm trong làng DTTS người Ba Na êm đềm, trù phú giữa lòng phố thị Kon Tum có dòng sông Đăk Bla chảy ngược về Tây nổi tiếng khu vực Tây Nguyên.
Thu Lộ