26/12/2018 13:05
Huyện với địa hình tương đối đặc biệt, hướng tây - bắc là các dãy núi cao hùng vĩ. Trong đó, có Vườn quốc gia Chư Mom Ray thuộc hàng di sản Đông Nam Á có nhiều loài động, thực vật quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới; có nhiều thác nước đẹp, độc đáo như thác Ya Ray, thác Bảy tầng và đặc biệt là thác Nàng Tiên...
|
Hướng đông - nam huyện là hệ thống các đập thủy điện như Plei Krông, Ya Ly, Sê San… nối tiếp nhau, hình thành mặt nước lòng hồ rộng lớn, kết nối liên thông đường thủy đến vùng ven thành phố Kon Tum, huyện Ia H’Drai và huyện Ia Grai (Gia Lai). Tuyến đường thủy này uốn lượn dưới chân các dãy đồi được phủ xanh bởi bạt ngàn cao su, cà phê ngút ngát. Thi thoảng gặp những vách núi cao trầm mặc, in bóng lung linh xuống mặt hồ, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình.
Sa Thầy còn là địa bàn có nhiều dân tộc anh em sinh sống, lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo và phong phú, rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Đặc biệt, với việc công bố kết quả khai quật Di chỉ khảo cổ học Lung Leng thuộc địa bàn xã Sa Bình (năm 1999 và 2001) đã khẳng định vùng đất này sớm có sự khai phá của con người, là một trong những cái nôi văn minh của người tiền sử. Theo kết quả điều tra, thống kê của ngành văn hóa, hiện nay, toàn huyện còn 447 bộ chiêng; 5-6 lễ hội còn duy trì thường xuyên, khẳng định tính đậm đặc của sắc thái văn hóa Tây Nguyên, ít nơi nào có được.
Bên cạnh đó, trong hai cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm đã qua, Sa Thầy là địa bàn chiến lược, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt. Gắn với những địa danh lịch sử như Điểm cao 995- Chư Tan Kra, Điểm cao 1015 (Charlie), 1049 (Delta),… Nơi đây, các đài tưởng niệm đã được xây dựng uy nghi giữa núi non trùng điệp, trở thành địa chỉ tâm linh của du khách thập phương.
Cảnh quan thiên nhiên, cùng với tài nguyên đa dạng, phong phú và những giá trị văn hóa độc đáo… trên địa bàn huyện rất phù hợp cho loại hình du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng.
Biến tiềm năng thành hiện thực sinh động, Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 06/9/2016 của Huyện ủy Sa Thầy về "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025" và Kế hoạch số 51-KH/HU ngày 28/8/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy "Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" như một cú hích tạo đà, khẳng định chủ trương mang tầm chiến lược. Cùng với đó là các nghị quyết của HĐND và đề án của UBND huyện đã tạo cơ sở pháp lý đầu tiên, nhằm từng bước hình thành và phát triển du lịch trên địa bàn cho những năm tiếp theo.
Để phát triển du lịch, cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ. Nhưng trước hết phải chủ động tạo ra những "sản phẩm" du lịch đủ sức cạnh tranh. Bao gồm các sản phẩm vật chất như: Xây dựng một số điểm, bến, làng văn hóa du lịch với sự đầu tư nghiêm túc. Kết hợp phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ dưỡng thân thiện gần gũi với thiên nhiên. Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc khuyến khích liên kết mô hình "công- tư" hoặc xã hội hóa trong đầu tư các công trình hạ tầng du lịch là phù hợp và cần thiết. Bên cạnh đó chú trọng phát triển các trang trại nuôi thú rừng (heo, nhím, kỳ đà,…); nhân giống các vườn lan quý hiếm; khôi phục nghề truyền thống; các sản phẩm đặc trưng từ mây, tre đan, dệt thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống, tượng gỗ, rượu cần, cơm lam, cá suối nấu măng chua, muối giã lá é, …của địa phương. Đặc biệt là phát triển những sản phẩm phi vật chất như: Duy trì, phục dựng một số lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc; xây dựng văn hóa ứng xử của cộng đồng,..
|
Bên cạnh đó, công tác quảng bá tiềm năng, giới thiệu "sản phẩm" du lịch cần được đẩy mạnh; vận dụng các hình thức, các kênh thông tin đại chúng, diễn đàn hợp tác, giao lưu văn hóa, hội chợ, tham gia ý kiến xây dựng các chương trình, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh... nhằm xúc tiến phát triển du lịch. Khi đã có các điều kiện cần và đủ, việc kết nối với các tour, tuyến du lịch trong tỉnh và khu vực sẽ nhanh chóng và thuận lợi.
Đặc biệt, mới đây, trong Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4, UBND huyện Sa Thầy phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức lễ giới thiệu tuyến du lịch mới mang tên “Khám phá tuyến du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray” tại xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy được đánh giá là cơ hội để huyện quảng bá, xúc tiến, thu hút khách và phát triển du lịch.
Hy vọng rằng, việc xây dựng huyện Sa Thầy trở thành một trung tâm du lịch sinh thái- cộng đồng- lịch sử- tâm linh,… kết nối với các tour du lịch của tỉnh và của cả nước sẽ góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện về kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Trần Văn Tiên