“Khoảng trống” trong phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch

22/09/2023 06:23

Thời gian gần đây, lĩnh vực du lịch của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là “du lịch cộng đồng” đã tạo cơ hội để người dân phát triển nghề truyền thống và sáng tạo các sản phẩm lưu niệm, quà tặng; tăng thêm thu nhập. Các loại sản phẩm này là một trong những yếu tố quan trọng, tạo dấu ấn cho điểm đến, tăng sức hút đối với du khách và tạo sự lan tỏa, góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến.

Thế nhưng, trên thực tế, việc khai thác và phát huy hiệu quả sản phẩm quà lưu niệm vẫn còn là “khoảng trống” của nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Chẳng hạn, tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), mấy năm trở lại đây, hoạt động du lịch trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên, sinh thái ngày càng thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Năm bắt cơ hội, người dân đã phát triển các sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống vốn trước đây chỉ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, cộng đồng làng trở thành sản phẩm quà lưu niệm bán cho khách du lịch.

Các sản phẩm đều được làm thủ công tỉ mỉ, đẹp và có giá bán tương đối cao. Chẳng hạn 1 chiếc túi thổ cẩm đeo chéo có giá bán từ 250.000- 300.000 đồng, dây thắt trên đầu có giá bán 100.000 đồng/cái, những chiếc gùi của đồng bào Ba Na có giá bán từ 100.000 đồng/cái trở lên (tùy kích cỡ), những tấm thổ cẩm thô có giá bán từ 1.000.000-2.000.000 đồng...

Theo người dân trong làng Kon K’tu, sản phẩm rất được khách du lịch ưa chuộng, mang lại thu nhập ổn định cho những gia đình làm nghề.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa bày tỏ trăn trở khi sản phẩm lưu niệm du lịch chưa có hình ảnh định vị điểm đến. Ảnh: TH

 

Vừa qua, trong chuyến khảo sát tình hình phát triển du lịch cộng đồng tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa  đánh giá cao sự năng động của người dân trong việc khai thác và phát huy sản phẩm nghề truyền thống để làm du lịch. Thế nhưng, theo ý kiến đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy có một điểm cần lưu ý là, trên các sản phẩm được coi là quà lưu niệm được bày bán tại đây lại không có bất kỳ thông tin, dấu hiệu nào để nhận biết về điểm du lịch hay mang nét đặc trưng riêng của vùng đất, cộng đồng dân tộc Ba Na ở Đăk Rơ Wa hay trên địa bàn thành phố Kon Tum. Vì thế, khi đưa các sản phẩm này ra thị trường có thể bị hòa lẫn với sản phẩm của địa phương khác- sản phẩm lưu niệm chưa làm được một nhiệm vụ hết sức quan trọng là trở thành “sứ giả” trong quảng bá du lịch của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hậu- Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: Chính quyền xã Đăk Rơ Wa và người dân rất quan tâm đến việc duy trì, gìn giữ nghề truyền thống để có các sản phẩm phục vụ du lịch, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa của địa phương. Và thừa nhận, “vấn đề xây dựng, định vị hình ảnh cho sản phẩm làng nghề để du khách nhận diện được thương hiệu du lịch địa phương thực sự chúng tôi chưa chú ý đến”.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu cũng thiếu điểm trưng bày, tiếp thị sản phẩm quy mô, bài bản để có thể giới thiệu đến du khách những câu chuyện liên quan đến sản phẩm, tính độc đáo, tài năng sáng tạo của người thợ nơi đây.

Các sản phẩm lưu niệm du lịch bước đầu đã được quan tâm phát triển nhưng vẫn thiếu hình ảnh, biểu tượng định vị thương hiệu. Ảnh: TH

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số điểm du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu, Kon Jơ Dri, Kon Klor ở xã Đăk Rơ Wa và làng Đăk Lek ở xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum); Làng văn hóa du lịch Kon Pring ở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông); Làng văn hóa Du lịch Đăk Răng, xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi).

Đối với mỗi điểm đến, ngoài yếu tố tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, giữ chân du khách, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương là sản phẩm quà tặng, lưu niệm du lịch. Đây cũng là cơ hội tăng thu nhập cho nhân dân. Thế nhưng, vấn đề này dường như vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức, tạo thành động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.

Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 18/5/2023) của Tỉnh ủy Kon Tum về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định phát triển ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao trong cả nước, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng và sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy Kon Tum và góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển thì việc phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa là cần thiết để tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch từng địa phương.

Thiên Hương

Chuyên mục khác