Khéo tay đan lát

12/08/2016 17:11

Không chỉ giỏi săn bắn, cuốc cày, dựng nhà sàn, nhà rông và làm những công việc nặng nhọc, người đàn ông trong gia đình đồng bào các DTTS vùng Bắc Tây Nguyên còn khéo tay đan lát.

Sản phẩm làm bằng tre nứa của họ, từ chiếc rổ, rá đơn giản đến những chiếc gùi, chiếc teo tinh xảo không chỉ là những vật dụng thủ công truyền thống bình thường, mà còn mang dấu ấn riêng, thể hiện sự tài hoa của mỗi người và làm nên bản sắc cộng đồng.

Trong khuôn khổ Hành trình trải nghiệm được tổ chức tại Bảo tàng Tỉnh Kon Tum nhân sự kiện Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016, gian trưng bày hoạt động về nghề đan lát của đồng bào DTTS thu hút nhiều người đến xem, cổ vũ.

Đôi bạn Võ Thị Lan Yên và Đặng Minh Hiệp - Sinh viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum ngồi lại rất lâu bên nghệ nhân A H’Nip và A Pư ở làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, để tìm hiểu về nghề đan lát thủ công của người Gia Rai vùng lòng hồ thủy điện IaLy.

Lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến người thợ vót, chuốt từng sợi nan và đan thành cái giỏ, chiếc gùi, thật là thú vị. Ngắm những chiếc gùi có hoa văn độc đáo, càng khâm phục những nghệ nhân đan lát lão luyện.

Nghệ nhân A H’Nip (76 tuổi) ở làng Rắc cho hay, từ xa xưa, phụ nữ Gia Rai chuyên dệt thổ cẩm, còn việc đan lát do người đàn ông đảm nhận. 14 - 15 tuổi, ông đã biết đan. Bây giờ thì thông thạo đan nhiều thứ, nhưng ở làng, những lúc rảnh rỗi, ông mới đem ra đan. Không ngờ đến đây, công việc bình thường lại được nhiều người quan tâm hỏi han, khen ngợi. Vừa giải thích, hướng dẫn, vừa thực hành trên tre, mây để mọi người biết thêm về nghề này, ông A H’Nip vui cái bụng lắm.

Cũng như dân tộc Gia Rai, đàn ông người Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng ở tỉnh Kon Tum đều thạo nghề đan lát. Nhiều lần, hỏi các già làng, nghệ nhân cao niên, người đan lát giỏi… vì sao công việc đan lát đòi hỏi sự tỷ mẩn, khéo léo lại do người đàn ông, chứ không phải phụ nữ đảm nhận, nhưng đáp lại, chỉ là những cái lắc đầu.

Già làng A Bích thạo nghề đan lát. Ảnh: Thanh Như

 

Ấy vậy mà, có lần, già làng A Bích, người Ba Na ở Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) bảo, có lẽ, đàn ông đan lát xuất phát từ chính ý thức “mẫu hệ” của người DTTS, phụ nữ làm chủ gia đình, từ thuở xa xưa. Như có một sự phân công “ngầm”, khi phụ nữ đã dệt thổ cẩm, thì đan lát thuộc về nam giới là lẽ thường. Đặc biệt, đan lát liên quan đến việc đi lấy nguyên liệu; phải chặt tre, nứa, lồ ô, lấy mây… phải đi rừng. Đan lát cũng phải dùng dao, rựa, dễ gây trầy xước, chảy máu… Có lẽ vì vậy, mà những người đàn ông đã tự nhận về mình công việc này, để đỡ đần phụ nữ.

Phải chăng, đó cũng là một cách lý giải có tình.

Thực tế, không phải người đàn ông người DTTS nào cũng biết đan lát mây tre. Nhưng thường trong mỗi làng, ít nhất cũng có dăm ba người đàn ông giỏi công việc này. Họ không chỉ làm vật dụng phục vụ sinh hoạt cho gia đình mình, mà còn làm hộ, hay làm để trao đổi với những người bà con, hàng xóm, láng giềng.

Ông A Bem ở làng Đăk Tăng, xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô cho hay, làm gì cũng cần siêng năng, khéo léo. Đan lát càng cần hơn những đức tính này. Siêng năng lặn lội vào rừng lấy những cây tre, cây lồ ô tốt nhất, những sợi mây dài  nhất. Siêng năng chặt, chẻ, rồi vót, chuốt từng đường nan dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Siêng năng ngồi tỷ mỷ từng đường đan, mối lạt… Rồi cũng từ những sợi mây, đường nan, phải tỉ mỉ, khéo léo thế nào mới tạo nên những hoa văn trang trí đẹp, và mang bản sắc dân tộc trên những chiếc gùi, những chiếc teo.

Tre nứa nào cũng có thể dùng để đan, nhưng để làm ra những vật dụng bền đẹp, phải được chọn lựa cẩn thận, kỹ càng. Đó là những cây tre, nứa, lồ ô “vừa tuổi”, chiều cao và độ to vừa phải. Cây già thì thân cứng, dễ gãy, khó uốn; còn non thì vừa thiếu độ bóng, đẹp, lại không bền.

Ông A Bin giỏi đan lát ở làng Kon Săm Luh- xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy cho biết, người biết đan, đan được nhiều vật dụng, đồ dùng khác nhau, nhưng giỏi đan thì mới đan được nhiều chiếc gùi. Đan gùi khó nhất vì phải kỹ càng từ khâu nguyên liệu, đến sự khéo léo trong từng đường nan, mối lạt, và đặc biệt là tinh tế trong từng đường nét, hoa văn. Mỗi chiếc gùi thể hiện độ điêu luyện, sự tài hoa của người đan lát. 

Trong sinh hoạt, đời sống hàng ngày, những người mẹ, người chị trong gia đình không phải không biết đan, nhưng phổ biến và để lại dấu ấn về sự khéo léo, tinh tế trong từng đường nét mây tre, le nứa vẫn là những người đàn ông “sức dài vai rộng”. Từ đời này sang đời khác, chính họ đã làm nên một nét đẹp rất riêng và độc đáo trong cộng đồng, gắn kết mọi người trong mối giao hòa của cuộc sống tràn đầy thương yêu và sẻ chia.

Thanh Như

Chuyên mục khác