01/05/2022 13:12
|
Buổi chiều ở Champasak, thời gian như trôi chậm hơn. Trong ráng vàng tĩnh lặng, đền Wat Phou cổ kính trầm mặc. Chúng tôi thả bộ trên con đường có hàng linga lạ lẫm dẫn lên đền thờ chính cho mọi người cảm giác thư thái, nhẹ nhàng. Anh bạn đồng nghiệp ở Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Champasak giới thiệu: Đền Wat Phou, hay còn gọi là “chùa Núi”, nằm dưới chân núi Phou Kao (núi Voi) thuộc thành phố Pakse, tỉnh Champasak. Đền có niên đại từ thời kỳ Angkor; ban đầu thờ thần Shiva, sau thờ Đức Phật. Lễ Phật đền Wat Phou là lễ Phật của cả vùng Nam Lào và là một trong những lễ hội lớn nhất ở đất nước Triệu Voi, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch hằng năm. Năm 2001, đền Wat Phou được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nơi đây để lại dấu ấn đậm nét trên con đường du lịch kết nối Champasak với Kon Tum và các tỉnh của Campuchia và Thái Lan có chung đường biên giới với Lào. Đây cũng là một trong số điểm đến hấp dẫn được các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh Kon Tum xác định trong các tour tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm dành cho du khách có nhu cầu khám phá xứ sở hoa Chăm Pa tươi đẹp.
Nằm ở khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam tỉnh Kon Tum và các tỉnh Nam Lào láng giềng vừa mang nét tương đồng vừa có sự khác biệt về văn hóa và điều kiện tự nhiên - xã hội. Dưới góc độ du lịch, nét tương đồng tạo ra sự gần gũi, còn những khác biệt làm nên tính hấp dẫn, cuốn hút.
Ở Nam Lào, đền Wat Phou là Di sản văn hóa thế giới, thì tại Kon Tum, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Với 7 DTTS sinh sống lâu đời, nét đẹp văn hóa cồng chiêng đa dạng, phong phú làm nên sự tổng hòa đặc sắc của vùng cực Bắc Tây Nguyên. Cồng chiêng là linh hồn, là sức sống của các lễ hội dân gian mà đến đây, du khách không thể bỏ qua.
Nét tương đồng dễ nhận thấy giữa Kon Tum và các tỉnh Nam Lào là điều kiện tự nhiên rừng núi, sông suối, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và mỗi nơi đều mang trong mình bản sắc dân tộc, nét văn hóa truyền thống sinh động. Ở Kon Tum, cơ sở để phát triển loại hình du lịch sinh thái giàu tiềm năng là hai Di sản Asean (Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray), Rừng đặc dụng Đăk Uy, đặc biệt là Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen để lại dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam… Tại Attapư là các khu rừng rậm, thác nước; nổi tiếng với thác Tad Phok và Tad Phaphong… Nét đặc trưng độc đáo và vô cùng thu hút ở các tỉnh bạn là những khu tràm chim. Trong đó, Khu Tràm chim Xe Xap thuộc địa phận hai tỉnh (Salavan và Sê kông) có diện tích trên 137.100 ha, nằm ở độ cao 400 - 2.100m so với mặt nước biển. Khu Tràm chim cao nguyên Dakchung hơn 5.000 ha. Kênh Mê Kông từ Phou Xiang Thong đến Khu tràm chim Siphandon có diện tích 34.200 ha, trong đó tràm chim 10.000 ha nằm giữa hai tỉnh (Champasak và Salavan) trong Khu bảo tồn quốc gia Phou Xieng Thong.
Nổi bật về tiềm năng và thế mạnh của cả tỉnh Kon Tum và tỉnh Attapư (Lào) là hình thành và phát triển cặp Cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa. Đặc biệt, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y là địa bàn trung chuyển quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, có vị trí rất thuận lợi đối với giao lưu, phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam và kết nối giao lưu quốc tế với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia. Tại khu vực này có Cột mốc Quốc giới ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia, biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa ba nước Đông Dương. Kon Tum cùng với các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước của Việt Nam và các tỉnh Attapư, Salavan và Sê kông (Lào) đều là nơi có đường mòn Hồ Chí Minh đi qua. Cùng với bề dày lịch sử và bản sắc dân tộc đáng tự hào, truyền thống cách mạng của các địa phương cùng làm thành nét đẹp được gìn giữ, giới thiệu rộng rãi.
Dấu ấn ở Kon Tum là Chùa Bác Ái, Nhà thờ gỗ, các công trình kiến trúc tôn giáo lâu đời, các di tích lịch sử (Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei, Di tích chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh) và các di tích lịch sử Cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đáng chú ý tại các tỉnh Nam Lào nổi bật với các đền, chùa thể hiện sinh động văn hóa truyền thống của nhân dân các bộ tộc Lào.
|
Trong khi Kon Tum được biết đến với hệ thống lễ hội dân gian đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, thì lễ hội cũng là nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng của nhân dân các bộ tộc Lào ở Nam Lào. Tỉnh Kon Tum có lễ hội đua thuyền độc mộc truyền thống trên sông Đăk Bla vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, thì ở tỉnh Sê kông cũng duy trì Boun Suang Heua (Hội đua thuyền truyền thống) diễn ra vào dịp Quốc khánh Lào (ngày 2/12) hằng năm. Bên cạnh đó, các làng đồng bào DTTS ở thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi, Đăk Hà… tỉnh Kon Tum và các làng ở tỉnh Sê kông, Attapư, Champak… vùng Nam Lào đều là những địa điểm thu hút trải nghiệm của du khách trong hành trình kết nối, bằng chính cuộc sống sinh hoạt dân dã và khả năng bảo tồn văn hóa dân gian, các nghề thủ công truyền thống (dệt, đan lát, chế tác đồ dùng sinh hoạt…) của mình.
Có thể nói, sự hòa trộn và bổ sung lẫn nhau giữa những nét tương đồng và sự khác biệt về văn hóa, điều kiện tự nhiên - xã hội giữa Kon Tum và các tỉnh Nam Lào là cơ sở để phát triển du lịch của mỗi tỉnh nói riêng và khả năng kết nối du lịch giữa các tỉnh nói chung, hình thành, phát triển trên tất cả các loại hình du lịch phổ biến: Du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh - lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và cả du lịch khám phá - mạo hiểm.
Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nỗ lực kết nối du lịch giữa các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam nói chung, giữa Kon Tum và các tỉnh Nam Lào nói riêng sẽ góp phần tạo sự khởi sắc trong lĩnh vực này, thúc đẩy đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Thanh Như