28/09/2019 06:30
Ông Nguyễn Quang Thọ - Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ia H’Drai (đơn vị được huyện Ia H’Drai giao phụ trách mảng văn hóa) cho biết, huyện Ia H’Drai có 18 dân tộc (Kinh, Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao, Thổ, Giẻ - Triêng, Sản Chay, Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm…) sinh sống tại 21 thôn của 3 xã (Ia Tơi, Ia Dom và Ia Đal). Chính điều này góp phần tạo ra những nét văn hóa rất độc đáo, phong phú và đan xen lẫn nhau mà ít có địa phương nào của tỉnh có được, như: các lễ hội theo mùa, các điệu múa xoang, cồng chiêng, múa xòe, hát then, đàn tính 2 dây, các làn điệu dân ca, các phong tục, tập quán, trang phục, ẩm thực…
Tuy các giá trị văn hóa luôn được các dân tộc gìn giữ nhưng theo khảo sát và đánh giá, văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Ia H’Drai đang đứng trước nguy cơ bị mai một do những tác động của quá trình giao lưu, hội nhập. Một bộ phận giới trẻ chưa có nhận thức về văn hóa dân tộc; các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian không còn được tổ chức thường xuyên hay các loại nhạc cụ dân tộc, dân ca, dân vũ, trang phục ngày càng ít xuất hiện.
Để khắc phục những tác động tiêu cực, giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn, UBND huyện Ia H’Drai đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian các dân tộc trên địa bàn huyện Ia H’Drai giai đoạn 2018 – 2020.
Theo đó, trong năm 2019, huyện triển khai việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian các dân tộc trên địa bàn với kinh phí thực hiện 133 triệu đồng. Mục đích đến năm 2020, trên địa bàn huyện phục hồi được một số bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc của các dân tộc. Trong đó, chú trọng xây dựng được một số đội văn nghệ quần chúng của một số dân tộc trên địa bàn; truyền dạy nghệ thuật biểu diễn văn nghệ dân gian; củng cố, xây dựng, phát huy nghề truyền thống như: cách làm các loại nhạc cụ, đàn truyền thống, văn hóa ẩm thực; giữ gìn, khôi phục trang phục, trang sức dân tộc…
Thực hiện Kế hoạch, trong tháng 5/2019, UBND các xã Ia Tơi, Ia Dom và Ia Đal đã lần lượt ban hành Quyết định thành lập các “Đội văn hóa – văn nghệ dân tộc” (Đội văn hóa – văn nghệ dân tộc Thái, thôn 9 xã Ia Tơi; Đội văn hóa – văn nghệ dân tộc Thái, thôn 1 xã Ia Dom và Đội văn hóa – văn nghệ dân tộc Tày, thôn 3 xã Ia Đal) với số lượng 10 thành viên/đội.
|
Đến nay, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ia H’Drai hoàn thành việc cấp trang phục dân tộc truyền thống; hệ thống âm thanh, đạo cụ, nhạc cụ; kinh phí tập luyện cho các đội; đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các đội vào cuối năm 2019.
Ông Lê Văn Hào - Thôn trưởng thôn 3, xã Ia Đal cho hay, thôn có hơn 210 hộ dân, trong đó gần 50 hộ dân tộc Tày. Trước đây, thôn đã có Đội văn nghệ của dân tộc Tày nhưng hoạt động chưa thực sự đi vào chiều sâu; khi có lễ hội truyền thống hay các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, Đội mới tập trung tập luyện và biểu diễn.
“Từ khi Đội văn hóa – văn nghệ dân tộc Tày của thôn được chính thức thành lập, bà con rất phấn khởi. Bên cạnh việc được thường xuyên tập luyện ca hát, mọi người còn được cấp 1 loa kéo di động công suất 450w, 2 micro không dây; 7 cây đàn tính; 4 chùm xóc nhạc; 10 bộ trang phục dân tộc truyền thống và kinh phí tập luyện 5 triệu đồng”, ông Lê Văn Hào chia sẻ.
Anh Nông Văn Bàn - Đội trưởng Đội văn hóa - văn nghệ dân tộc Tày thôn 3, xã Ia Đal cho biết, Đội tập luyện 3 buổi/tuần tại nhà văn hóa thôn. Nội dung tập luyện là cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc; xây dựng các tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam; ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh; ca ngợi truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Tày nói riêng; ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên và công cuộc xây dựng cuộc sống mới trên quê hương Ia Đal…
“Cứ đến lịch tập, các thành viên trong Đội lại mặc trang phục truyền thống tập trung đầy đủ để luyện tập. Ai nấy cũng đều háo hức, bà con xóm làng, già trẻ trai gái đều tụ tập lại xem, nhờ vậy việc chia sẻ, truyền dạy các giá trị văn hóa của dân tộc cho các thế hệ cũng gặp nhiều thuận lợi”, anh Nông Văn Bàn phấn khởi bộc bạch.
Có thể thấy, việc UBND huyện Ia H’Drai ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân gian các dân tộc là cần thiết nhằm huy động sức mạnh của các cấp, các ngành vào cuộc mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đây là việc làm góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Đức Thành