06/04/2015 07:48
Đam mê và nhiệt huyết với âm nhạc dân gian, trong 2 đêm 3 và 4/4, 60 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh: Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai tham dự Liên hoan Dân ca Việt Nam 2015 khu vực Tây Nguyên đã cống hiến cho khán giả những tiết mục dân ca đặc sắc, mang đậm hơi thở cuộc sống, lắng đọng cảm xúc của dân tộc. Liên hoan đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người dân Kon Tum và du khách...
Dưới ánh trăng rằm cùng ánh lửa bập bùng bên cây nêu và những ghè rượu cần, nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) như khoác lên mình một chiếc áo thật đẹp. Trong không gian truyền thống ấy, cùng với các đoàn nghệ nhân, bà con và du khách từ khắp nơi cũng tề tựu, háo hức hòa mình vào “cuộc hội ngộ âm nhạc dân gian” của đồng bào các dân tộc Ba Na, K’Hor, Ê Đê, M’Nông...
Đến dự, thưởng thức những giai điệu dân ca trong đêm chung kết Liên hoan dân ca Việt Nam 2015 khu vực Tây Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Y Mửi- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Thị Kim Đơn- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên…
|
Trong không gian ngôi nhà rông truyền thống của người Ba Na, tiếng nhạc từ những thanh tre, thanh nứa hòa trong tiếng cồng chiêng dồn dập làm náo nức lòng người. Và không phụ sự mong đợi của khán giả, 10 giai điệu dân ca cổ mộc mạc, đong đầy tình cảm đã tạo nên dấu ấn thiêng liêng, giàu bản sắc, đầy ấn tượng.
Sau lời mời chào nồng hậu, thể hiện tình cảm quý khách, đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum nhanh chóng đưa khán giả hòa mình vào giai điệu nhộn nhịp nhưng đầy sâu lắng từ lời tình ca dễ thương trong bài dân ca giao duyên “Nâr pơ Kă” (Lời hẹn ước). Mộc mạc, hồn nhiên, lắng đọng nhưng không kém phần tinh tế, từng lời ca tái hiện nét vui tươi, xích lại gần nhau của những đôi trai gái, của bà con Ba Na sau một ngày lao động miệt mài trên những cánh đồng, nương rẫy.
Đặc biệt, sự kết hợp nghệ nhân lớn tuổi A Thuk và thế hệ trẻ Y King trong khúc hát “Bắt Wơch đêl xa” (Nhớ chuyện ngày xưa) đã thể hiện được sự kế thừa tiếp nối truyền thống đồng thời cho người nghe cảm nhận sự tươi mới, vui vẻ qua từng âm sắc trầm bổng toát ra từ những âm thanh của thác, của gió, của núi rừng trong từng nhạc cụ độc đáo.
|
Cảm xúc, nhiệt huyết, các nghệ nhân đã từ từ đưa khán giả đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Không còn sâu lắng trong những khúc hát giao duyên, cuộc đấu chiêng dồn dập, đặc sắc của các nghệ nhân dân tộc K’Hor đến từ vùng đất ngàn hoa Lâm Đồng đã tạo ra bầu không khí mới đầy phấn khởi, khỏe khoắn, khoan thai.
Hết rộn ràng, nhộn nhịp, khấp khởi, khán giả lại trở vào không gian trầm lắng, tỉ tê, cùng tâm sự, chia sẻ về cuộc sống tình cảm, nhớ thương những người đã khuất trong bài dân ca “Nao tâm yơk oh ur” (Nghĩa tình chị em) của các nghệ nhân đến từ đoàn Đăk Nông.
Không chỉ thế, các nghệ nhân đến từ đoàn Gia Lai còn gửi gắm những tâm tình, kỷ niệm của tình bạn qua ca từ trong trẻo, mộc mạc của dân ca Ba Na “Linh Blok Păk” (Nhớ mãi ngày ấy).
Với “đặc sản” dân ca cổ Ê Đê “Hát K’ưt, hát Arei”, đoàn nghệ nhân Đăk Lăk đã đưa khán giả đến với một gia đình người Ê Đê với những nghi lễ đón khách đầy trang trọng cùng những tình cảm vô cùng trân trọng, nồng hậu. Những giai điệu lúc trầm, lúc bổng, lúc lại tha thiết trong các làn điệu như lời mời gọi, thể hiện tinh thần hiếu khách.
Mỗi một dân tộc, một vùng đất đều mang đến Liên hoan những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương mình, qua đó tái hiện đời sống tinh thần phong phú, nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Những giai điệu, lời ca độc đáo dường như đã chạm vào trái tim của hàng trăm khán giả.
Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối chương trình, anh A Bao, làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum xúc động: Tôi là người Rơ Ngao (một nhánh của Ba Na). Đây là lần đầu tiên tôi được xem, được nghe trực tiếp những dân ca của các dân tộc ở các tỉnh khác. Dù không hiểu về lời nhưng tôi thật sự rất thích các giai điệu của từng bài. Âm nhạc hiện đại ngày càng nở rộ, những chương trình như thế này thật sự có ý nghĩa để góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống...
Không chỉ có khán giả địa phương, những khúc hát dân ca đã thực sự cuốn hút các du khách nước ngoài. Chia sẻ với chúng tôi, anh TaMas- du khách đến từ Hungary phấn khởi: Lần đầu tiên đến với Kon Tum, tôi thật sự may mắn và rất vui khi được xem chương trình này. Từ trang phục, nhạc cụ, giai điệu, lời ca… tất cả đều rất thú vị, độc đáo và cuốn hút.
Đó là khán giả, đối với những nghệ nhân, được đem lời ca, tiếng hát, giới thiệu văn hóa của mình đến với các dân tộc khác là một niềm vui, một niềm phấn khởi lớn. “Chúng tôi là những người làm nông, chỉ biểu diễn, hát múa tại các buôn làng thôi. Ngày hôm nay, được đứng trên sân khấu thể hiện đam mê, nhiệt huyết với âm nhạc dân gian chúng tôi rất vui và rất hạnh phúc, tự hào khi được giới thiệu những làn điệu dân ca cổ của dân tộc mình đến bạn bè các dân tộc trên cả nước”- cô H Hoa K Sơr, nghệ nhân đến từ đoàn Đăk Lăk chia sẻ.
Không chỉ đơn thuần là một cuộc thi, Liên hoan còn là nơi hội tụ, giao lưu, chia sẻ văn hóa, tình cảm của các dân tộc trong khu vực. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh – Tổng thư ký Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật đánh giá: Đây là sân chơi cho đồng bào DTTS đi thẳng từ buôn làng lên sân khấu, đem những gì mình thường múa, thường hát để biểu diễn nên những tiết mục tham gia giữ được vẻ mộc mạc, chân chất, hồn nhiên mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Liên hoan đã đạt được mục tiêu đề ra là tìm kiếm, tôn vinh, duy trì, bảo tồn và phát hiện những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ nguyên thể mang đặc trưng vùng đất Tây Nguyên.
Đêm liên hoan dân ca Việt Nam 2015 khu vực Tây Nguyên đã khép lại. Không chỉ phát huy, lưu giữ những làn điệu dân ca, đây còn là cơ hội thắt chặt tình đoàn kết, chia sẻ giữa các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Hoài Tiến