Hoàng Việt - Tiếng thơ vọng từ phía núi

27/02/2017 14:09

​“Từ phía núi” là tên tập thơ đầu tay của Hoàng Việt. Chàng thi sĩ trẻ đã đặt tên cho tập thơ như vậy vì trên một nửa trong tổng số 40 bài thơ của cả tập được viết ra từ những cảm hứng, những góc độ và tâm thế của người ở miền rừng núi.

Ngay bài thơ “Từ phía núi” dùng đặt tên chung cho cả tập, Hoàng Việt đã cho người đọc nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy (và thậm chí như còn… ngửi thấy!) một Tây Nguyên vừa hoang sơ heo hút, vừa khát vọng âm thầm: “Nơi ấy là văn hóa núi/ Những ngôi nhà dài như con thuyền vươn khơi xa/ Có tiếng chiêng mùa cũ lạc qua/ Khét cháy thịt rừng thâu đêm lễ hội…”.

Là một thầy giáo “cắm bản” rất nhiều năm, Hoàng Việt phản ánh việc học nơi miền núi rất sinh động: “Buổi học đầu tiên trên vùng cao/ Trẻ con khóc, lợn kêu, gà trưa gáy/ Các cô bác có người đã chống gậy/ Đến lớp học xóa mù/ … Một thời chạy trốn giặc thù/ Nhà cháy xác xơ đói cơm lạt muối/ Con nai lạc rừng, con trâu bỏ làng lên núi/ Cái chữ biết người nhưng người chưa biết chữ…” (Buổi học đầu tiên)…

Từ nơi gắn bó mật thiết với cảnh vật và con người bản địa, Hoàng Việt có những dòng thơ như rút từ tâm can mình viết ra, đau đáu một tinh thần nhân văn, một nỗi niềm nhân đạo: “Tôi lang thang trong chiều cao nguyên/ Với những đứa trẻ tóc hun hun màu nắng/ Những cô bé chăn bò gùi sau lưng rau rừng măng đắng/ Chiều về theo tiếng mõ bò/…Hạnh phúc thường nằm ở phía ước ao/ Các em quá nhỏ để nâng ước mơ của mình ra ngoài trời rộng/ Tôi đã có những chiều cao nguyên lằng lặng/ Cõng giúp ước mơ các em ra khỏi cổng làng!” (Khúc chiều cao nguyên).

Một thực trạng Tây Nguyên nói riêng và miền núi nói chung còn chậm đuổi kịp miền xuôi, còn nhiều điều bất cập trong đời sống và phát triển… đến nay vẫn còn là nỗi bận tâm của những người hằng quan tâm. Bằng cách nói của thi ca, Hoàng Việt đã cho người đọc thấy phần nào nguyên nhân và thực trạng: “Trẻ con ngơ ngác/ Đứng nhìn rừng lùi xa/ Người già ngồi tiếc/ Tiếng gà rừng gáy trưa/ Người lớn thừ mặt ra/ Nhìn mảnh nương mới đốt/ Rừng lùi xa, lùi xa…” (Nhớ rừng); -“Cao Nguyên bây giờ/ Không còn thiếu muối/ Chỉ buồn/ Làng bản thiếu nhà rông”! (Cao Nguyên bây giờ); -“Cơn mưa đầu mùa ở Tây Nguyên/ Già làng bảo là nước mắt tổ tiên/ Khóc lũ làng ham chơi/ Nhắc lũ làng mải mê lễ hội/ Rằng: -Mùa rồi!...” (Mưa đầu mùa)…

Đứng bên con đường thiên lý bắc – nam Hồ Chí Minh vắt ngang qua Tây Nguyên, mở ra một tiềm năng mới, Hoàng Việt mơ thay ước mơ bao đời của bà con tại chỗ: “Nơi đường Hồ Chí Minh đi qua/ Đã vỡ vạc ra hình hài phố xá/ Những người dân mơ làng mình thành thị xã…” (Ký ức Trường Sơn). Sau những rung động ấy, Hoàng Việt liên tưởng con đường làng ngày xưa trong mang mang hoài niệm: -“Anh chạm phải con đường ngày cũ/ Có dây bí mùa khô héo rũ/ Đêm nhớ em/ Con mắt buồn/ Con mắt không biết ngủ/ Anh chạm phải con đường lên rẫy cũ/ Rẫy cũ bỏ hoang/ Anh tìm về vắng chủ/ Ở chòi giữ lúa anh hát ting-ting…”.

Núi rừng thì ngàn năm trầm mặc, con người ở đó có phải vì quá thân thuộc, hòa nhịp với thiên nhiên nên cũng thâm trầm lắng đọng hơn? Điều này vận vào Hoàng Việt một cách rõ ràng. Thơ Hoàng Việt thường ngắn gọn, thiên về cảm xúc, gợi tứ hơn là trình bày, miêu thuật. Ngay cả chủ đề tình yêu nam nữ vốn là món “sở trường” của các chàng thi sĩ trẻ, vậy mà người đọc cũng chỉ bắt gặp trong thơ Hoàng Việt một ít bài ngắn gọn với giọng điệu rụt rè, thủ thỉ: “Không thể lấy mùa này thay cho mùa khác/ Không thể lấy bình yên thay cho ghềnh thác/ Tôi về tá túc dưới mùa xuân/ …Không thể đem em ra mặc cả đổi chác/ Mùa xuân cần có hai người!...” (Thay mùa); -“Tôi về ghép lại những mảnh vỡ/ Những mảnh vỡ ngày xưa em đánh rơi từ chiếc bình cổ tích/ Cơn giông xẹt qua nhà những đêm mất ngủ/ Con cuốc gọi tình đều đặn bên sông…” (Mảnh vỡ); -“Mưa rơi từ phía hoàng hôn/ Em rơi từ phía nỗi buồn vào ta” (Bất chợt mưa); -“Chiều nay mưa vô tình chiều nay nhớ/ Những giọt buồn rơi ở phía chiều xưa” (Trong mưa chiều). Và còn thế này nữa chứ: -“Không còn hội để mà tan, mùa này Lim nắng gắt/ Đi dọc triền đê dọc miền ký ức/ …Ngút ngát sen chiều Thuận Thành gió cuộn/ Tôi lang thang nhặt câu quan họ rớt lại cầu Hồ/ …Câu quan họ dùng dằng mắc cạn/ Tôi không về ở đợi hội mùa sau” (Đi dọc Kinh Bắc)… Đấy, chỉ thế, thôi chỉ một giọng thầm thì đằm thắm!

Họa hoằn lắm trong thơ Hoàng Việt người đọc mới bắt gặp những câu mang hơi hướm suy ngẫm, chiêm nghiệm hoặc triết luận về thời cuộc và thế sự: “Một mình tôi giữa nhân gian/ Tìm người tôi gặp đa đoan tình người” (Tự ru); hoặc: -“Như từ cổ tích đi ra/ Đêm không ngủ được hóa ra đêm dài/ Ca dao xưa thuộc lâu rồi/ Mà sao vẫn thấy cuộc đời khó đo/ …Ca dao xưa thuộc lâu rồi/ Không còn mẹ mới thấu lời mẹ ru!” (Thức cùng ca dao).

Hoàng Việt từng tham dự khóa Bồi dưỡng những cây bút trẻ, tham dự Đại hội Những người viết văn trẻ toàn quốc, rồi lều chõng theo học lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam, từng tham gia nhiều trại sáng tác, được gặp gỡ trao đổi, cọ xác với nhiều bạn viết trong nước… Sau mỗi lần “đổi gió” như thế người đọc nhận thấy Hoàng Việt có thêm biểu hiện tự nâng mình lên trong sáng tác, và từ đó anh đã cho bạn đọc được lắng lòng nghe tiếng thơ được ủ ấp, được cất lên và vọng ra từ phía núi.

Tạ Văn Sỹ

Chuyên mục khác