Hoài niệm một nghề thủ công

10/01/2018 06:59

​Từng có thời, nghề đan lồng thủ công trở thành cái nghiệp hái ra tiền của không ít người ở thôn Đăk Xuân, xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà). Giờ đây, khi cái ăn cái mặc không còn là nỗi lo, cũng không còn nhiều người sử dụng đến chiếc lồng thủ công, bên chái bếp, góc sân, vẫn còn những phụ nữ hàng ngày tỉ mẩn lưu luyến chuốt lạt đan lồng…

Năm nay, dù đã bước qua cái tuổi ngũ tuần nhưng đôi mắt bà Hoàng Thị Hồ (dân tộc Nùng) ở thôn Đăk Xuân vẫn sáng lắm, đôi tay vẫn nhanh nhẹn như cái thuở bà mang nghiệp đan lồng về với ngôi làng Đăk Xuân nằm êm đềm bên đập Mùa xuân.

Đến nhà bà, người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những chiếc lồng tròn tròn đủ kích cỡ nhỏ to, xếp từng chồng cao thấp bên những bó lạt lồ ô tươi rói, chiếm hết chỗ trong căn phòng khách nho nhỏ.

Bà Hoàng Thị Hồ ở làng Đăk Xuân đã gắn bó với nghề đan lồng đã hơn 20 năm nay. Ảnh: C.L

 

Tay thoăn thoát đan những đường cuối cùng của chiếc lồng to, bà cảm thán: Nghề này cũng vất vả lắm, hàng tuần bán cũng được dăm trăm ngàn đủ mua mắm muối thôi...

Bên ngoài gió rít từng hồi, giọng bà như chìm vào những tự sự. Cách đây gần hai chục năm, người dân Đăk Xuân (hầu hết là dân tộc Nùng quê ở Cao Bằng) còn lạ lẫm lắm với cây cà phê, cao su. Cuộc sống lay lắt trong đói ăn,  thiếu mặc. Hạt lúa, củ mì chẳng đủ để mấy đứa nhỏ trong làng có những bữa cơm tử tế với thịt, cá, tôm. Cây cà rem bán trên chiếc xe đạp cà tàng của ông lão ngoài huyện khi ấy vẫn là một thứ quà quý giá mà đứa nhỏ nào cũng thòm thèm.

Gia đình bà Hồ cũng chung cảnh ấy, nguồn thu nhập hiếm hoi đến từ bơ lúa, bao mì. Có bận mang mấy bó rau của nhà trồng ra chợ huyện bán, nhiều tiểu thương cứ xuýt xoa, hỏi mua chiếc lồng thủ công đựng rau đã cũ mèm của bà để về nhốt mấy con gà, con vịt choai choai. Sẵn có món nghề đan lồng truyền thống học từ người cha của mình, bà quyết định thử vận may, đan lồng ra chợ huyện kiếm dăm đồng bạc lẻ.

Nghĩ là làm, sáng hôm sau, bà cùng chồng băng qua ngọn đồi sau lưng làng, chặt về những cây lồ ô tầm tuổi, đều đốt và thẳng nhất, khi ấy lồ ô chẳng khan hiếm như bây giờ. Tranh thủ mỗi tối sau một ngày lao động vất vả, chồng chẻ lạt, vợ ngồi đan. Cứ một khúc lồ ô hai đốt dài tầm sải tay người lớn là chẻ đủ lạt đan một chiếc lồng to bằng cái ôm con nít. Đến gần phiên chợ Chủ nhật đó cũng đan được gần hai chục chiếc.

Sớm Chủ nhật, gà mới gáy canh ba, bà lục đục xếp mớ lồng cồng kềnh lên chiếc xe đạp chở ra chợ huyện bán. Gần hai chục chiếc lồng, mỗi chiếc cứ dăm ngàn lẻ, vì tiện dụng và khá rẻ, nên khi mặt trời còn chưa kịp gắt nắng, mớ lồng hết veo. Bữa cơm hôm ấy, mấy đứa nhỏ trong nhà có một bữa ăn thịnh soạn hơn mọi khi, đủ thịt, đủ cá và đặc biệt là có thêm bịch kẹo mẹ mua về từ chợ huyện. Cứ như vậy, tuần nào bà cũng kiếm được dăm chục ngàn mua mắm muối, bút vở cho ba đứa con.

Thế rồi, dần dà, những người phụ nữ, thêm cả mấy đứa con gái chỉ tầm mười mấy tuổi trong làng và mấy phụ nữ người Nùng, Tày ở làng khác cũng học theo món nghề của bà. Những năm tháng đói ăn thiếu mặc ấy, người trong làng quen dần với những tiếng ới nhau sớm thứ Bảy. Khi mọi người vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, đã có từng tốp xe đạp chở những xâu lồng khệ nệ đổ bóng trăng trên con đường cả chục cây số ra chợ huyện, bất kể trời mưa hay gió lạnh căm căm.

“Giờ trong làng chỉ còn tôi với bà già Minh là đan lồng bán. Ngoài thị trấn kia thì còn mỗi bà Thiện thôi. Bữa nay kiếm lồ ô khó lắm, phải đi sâu tít vào rừng, người ta cũng bận cà phê, rẫy ruộng, chẳng ai làm cái nghề này nữa”- bà Hồ nói.

Bà Minh, cùng làng với bà Hồ, rồi bà Thiện, nhà mãi tận ngoài thị trấn, đều đã bước sang tuổi xế chiều, đến tận giờ, tính ra các bà cũng gắn bó với món nghề đan lồng này lâu không kém bà Hồ là bao. Nay dù tuổi đã cao, nhưng cái nghề này vẫn cứ gắn chặt với các bà như thuở xuân xanh.

Bây giờ, dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, cái nghèo cũng không còn nữa, bà Hồ, bà Minh, bà Thiện không còn phải nhọc nhằn thức dậy từ lúc nửa khuya để kịp ra chợ huyện khi trời chưa tỏ mặt người, cũng không còn cọc cạch chất mớ lồng trên những chiếc xe đạp lúc lắc cồng kềnh. Vẫn đều đặn mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, các bà nhờ đứa con, đứa cháu chất cả mấy chục chiếc lồng đủ kích cỡ lên xe máy, vèo cái là ra đến chợ huyện. Mỗi chiếc từ một chục rồi vài chục ngàn tùy kích cỡ, vừa ngồi bán lẻ, vừa bỏ sỉ cho mấy tiểu thương đem về phố, mỗi người cũng kiếm cỡ mấy trăm lo mắm muối hàng ngày, thi thoảng lại dành dụm sắm bộ đồ mới cho đứa cháu nhỏ. Vậy mà vui!

Rồi mai này vào một ngày xa xôi, biết đâu sẽ chẳng còn thấy bóng dáng những chiếc lồng đan thủ công trên nẻo đường ra chợ huyện, xa dần và vắng hẳn trong mỗi phiên chợ ngoài kia. Nhưng trong ký ức của những người con làng Đăk Xuân từng dìu nhau đi qua những năm tháng đói khổ, nghề đan lồng ấy vẫn là một khoảng hoài niệm đẹp của những năm tháng đã cũ xưa.

Chung Loan

Chuyên mục khác