02/07/2024 13:41
Dưới sự hướng dẫn, truyền dạy của nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân Phạm Chí Khánh và nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, bên mái nhà rông Kon Klor, các nghệ nhân Ba Na say sưa ghi chép tỉ mỉ, miệt mài thực hành theo từng bài học, chỉnh sửa những bộ cồng chiêng lạc nhịp của thôn làng mình để tiếng chiêng trở về đúng điệu như vốn có.
Nói đến sự nhiệt huyết và “say nghề” trong lúc học, ai cũng nhắc đến nghệ nhân A Kuưng (40 tuổi) ở thôn Kon Mơ Nay Kơ Tu 1, xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum).
Dưới sự hỗ trợ của các nghệ nhân ngồi xung quanh, A Kuưng miệt mài thực hành những kiến thức được chỉ dạy, xoay chiêng, dùng dùi gõ gõ rồi ghé sát tai cảm nhận, dùng búa gõ đều lên mặt chiêng để chỉnh âm thanh về đúng tông.
|
Nghệ nhân A Kuưng chia sẻ: Đến với lớp học, chúng tôi được các thầy dạy về lý thuyết trong 2 ngày, sau đó là những buổi thay phiên nhau tập luyện. Dù đánh chiêng đã lâu và cũng hiểu về nguyên lý chỉnh chiêng, nhưng tôi chưa bao giờ thực hành chỉnh chiêng tại thôn, vì chưa cảm thấy tự tin. Sau khi được học, tôi đã vỡ lẽ nhiều thứ, biết đo chính xác cao độ các nốt của chiêng bằng các đơn vị tính, biểu đồ và con số để bắt tiếng cho chuẩn. Việc chỉnh chiêng trở nên đơn giản, chiêng nào bị "lạc" âm nhẹ thì chỉ chỉnh một chút là xong, chiếc nào bị nặng thì làm khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Với thế hệ trẻ như anh A Paoh (34 tuổi) ở thôn 8, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy), trước khi đến với lớp học, kỹ thuật chỉnh chiêng đối với anh là một thứ gì đó rất khó tiếp cận, thì nay đã trở nên đơn giản và sáng rõ hoàn toàn.
Anh A Paoh bộc bạch: Tôi biết đánh chiêng và thường xuyên đi biểu diễn ở các lễ hội, các cuộc thi tại địa phương, nhưng chiêng sai âm thì tôi hoàn toàn không biết chỉnh sửa. Tham gia lớp học, tôi có thể phân biệt tiếng chiêng bị lạc âm theo từng âm vực rất nhỏ. Với cách dạy khoa học, tôi không chỉ am hiểu thang âm cồng chiêng của dân tộc mình, mà còn biết thêm về đặc điểm cồng chiêng của những cộng đồng khác (như Gia Rai, Xơ Đăng).
Lớp học lần này có sự trợ giảng của học viên A Đruông (học viên của lớp chỉnh chiêng lần thứ I, năm 2023), là người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở làng Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông). A Đruông là học viên xuất sắc của lớp học lần trước, nên lần này anh được chọn làm trợ giảng tại lớp học, trực tiếp thực hành, gỡ khó các bài tập cho các học viên.
|
Anh A Đruông cho biết, tôi rất đam mê việc chỉnh chiêng. Dưới sự chỉ dạy của các thầy, tôi hiểu rằng các thang âm cổ cồng chiêng của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh có sự giao thoa, tương đồng nhiều mặt. Nếu hiểu lý thuyết, nguyên lý thì có thể chỉnh được cồng chiêng của tất cả các dân tộc. Tôi mong muốn có thể được làm trợ giảng và tham gia nhiều lớp học hơn nữa để biết đến thang âm cổ cồng chiêng của nhiều dân tộc khác, qua đó không chỉ giúp người Mơ Nâm ở làng mình chỉnh chiêng mà còn giúp được nhiều thôn, làng khác.
Theo bà Đậu Ngọc Hoài Thu- Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lớp học lần này được tổ chức trong 10 ngày (từ 19-28/6), là sự tiếp nối thành công sau lớp tập huấn, truyền dạy kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng trong cộng đồng các DTTS tỉnh Kon Tum năm 2023. Sau khi kết thúc lớp học, dự kiến trong tháng 7 sẽ tổ chức thêm 2 lớp nữa tại huyện Ngọc Hồi (cho dân tộc Gié- Triêng và dân tộc Brâu), huyện Sa Thầy (dân tộc Gia Rai và dân tộc Rơ Măm). Qua các lớp học, các học viên được trao phương pháp để tự chỉnh sửa, bảo tồn, truyền dạy lại cho cộng đồng một cách có hệ thống; giúp các nghệ nhân đam mê chỉnh chiêng có thêm động lực để phát huy kỹ năng, tìm lại thang âm cổ cồng chiêng của dân tộc mình.
Hoàng Thanh