25/09/2018 13:08
Những “mạch nguồn” dân ca Kon Tum
Dân ca không chỉ quen thuộc, mà còn là món ăn tinh thần dân dã gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của các dân tộc thiểu số Kon Tum. Nó hằn sâu trong tâm thức, trong máu thịt của mỗi con người khi lớn lên, đặc biệt là khả năng ứng tác, mọi thứ đều vận vào làn điệu có sẵn.
So với truyện cổ, ca dao, dân ca của các dân tộc Kon Tum phong phú hơn. Dù chưa có công trình nghiên cứu về ca dao, dân ca các dân tộc Kon Tum, song rải rác trong các tuyển tập về ca dao, dân ca Tây Nguyên thì các dân tộc chủ yếu ở Kon Tum như Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm đã thực sự có nhiều bài dân ca và chúng đã trở thành tiếng nói riêng của họ.
|
Với người Ba Na ở Kon Tum, đa số họ sống quần tụ trong những thôn làng riêng nên vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc. Với tâm hồn phong phú, cuộc sống lao động gắn kết cộng đồng nên kho tàng dân ca, dân vũ dân tộc Ba Na khá đồ sộ về quy mô và phong phú về thể loại, làn điệu. Giai điệu cơ bản giống nhau, nhưng với mỗi làn điệu khác nhau lại được diễn xuất với giọng điệu, âm hưởng khác nhau mà trở nên mượt mà, mềm mại, êm ái tha thiết hay khỏe khoắn hùng tráng… Nội dung của lời hát rất phong phú và hấp dẫn, từ những hiện tượng tự nhiên: mây, mưa, trăng, gió, cỏ cây, núi đồi đến các hiện tượng lịch sử, xã hội, các câu đố, lời chào… để nói lên tâm trạng và nguyện vọng của con người, tình cảm giữa con người với nhau.
Nghệ nhân A Thút huyện Sa Thầy cho biết: Trong các dịp lễ hội của gia đình cũng như cộng đồng, người Ba Na còn tặng nhau những bài hát ca ngợi thành quả lao động, sự ăn ở đức độ và lời chúc an lành. Dân ca Ba Na ngoài giá trị văn học, âm nhạc còn có giá trị về lịch sử xã hội và dân tộc. Đi đâu họ cũng thấy núi, ở đâu họ cũng gặp rừng, như bài Chiều về: Ơ đồi ơi/ Nắng chiều đã xuống rồi/ Ơ đồi ơi! Chiều xuống dần núi đồi/ Ơ đồi ơi! Đàn chim về tổ rồi... Dân ca của người Ba Na đậm tình quê hương.
Với người Xơ Đăng, những làn điệu dân ca của họ cũng vô cùng phong phú. Tiếng hát được cất lên khi đi làm nương rẫy, trong lễ hội, cưới hỏi, ru con… Trong giờ khắc thiêng liêng của hữu linh vạn vật hay chút xúc cảm nghệ sĩ bất chợt được đánh thức bởi chút men say của rượu cần ngấm lẫn cái bung biêng của đất trời dân ca lại đến với họ.
Người dân Xơ Đăng có lối hát đối đáp giao duyên hay còn gọi là Acheo h'nụ đ’bo, tức là nam nữ hát đối với nhau khi đi làm, khi vui chơi hội hè. Đó là cách để nam nữ thanh niên bày tỏ tình cảm, tình yêu với nhau.
Bên cạnh đó, dân ca ru em của dân tộc Xơ Đăng cũng rất nổi tiếng như ca khúc Ru em: Em ơi em, em ngủ cho ngon/để mẹ đi kiếm măng non…
Theo nghệ nhân A Khao ở huyện Ngọc Hồi thì dân ca Xơ Đăng bắt nguồn từ cuộc sống và gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân. Những bài dân ca mang nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đi sâu vào nhiều lĩnh vực. Người Xơ Đăng hát dân ca bằng cảm xúc, âm nhạc bất kể thời nào cũng giàu nhạc điệu và cảm xúc. Lời ca lúc trầm lúc bổng, lúc dìu dặt, khoan thai bắt người nghe phải nhíu mày, tập trung cao độ hết mức để lắng nghe, lúc lại vút lên như tiếng gió, ca ngợi cái đẹp trong lao động sản xuất, trong tình yêu nam nữ, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, thiên nhiên hùng vĩ…
Qua bao đời nay, người Giẻ Triêng vẫn lưu giữ nhiều vốn văn hóa quý, trong đó có âm nhạc truyền thống và đặc biệt giá trị của loại sáo đinh tút, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần. Người Triêng lớn lên trong tiếng đinh tút và tiếng sáo độc đáo này cũng góp phần làm nền cho bài dân ca lan tỏa, bay bổng vào ngõ ngách núi rừng, tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo…
Với người Giẻ Triêng, khúc dân ca Dệt vải là giai điệu tiêu biểu, được người dân yêu thích và cũng được biết đến nhiều nhất. Bài dân ca gắn liền với nghề dệt thổ cẩm phụ nữ Giẻ Triêng từ thuở xa xưa. Theo đó, trong lúc dệt vải, họ thường ngân nga đôi làn điệu dân ca để quên đi mệt mỏi, cổ vũ tinh thần lao động.
Hay bài Nênh dẹt – dân ca cổ hát về lễ cưới của người Giẻ Triêng. Trong lễ cưới, mẹ cô dâu và bố chú rể, hai người đại diện cho nhà gái và nhà trai hát chúc cho người già sống lâu; chúc cô dâu chú rể có lúa, có thóc, thương yêu nhau suốt đời. Lối hát này thường đem lại tiếng cười vui vẻ cho mọi người, bởi xen lẫn những lời hay lời đẹp còn có những câu vui nhộn, trêu đùa, mang lại niềm vui cho đám cưới…
Bà Y Ga ở huyện Kon Rẫy giải thích: Những làn điệu dân ca của mỗi dân tộc thiểu số Kon Tum hầu như những ai biết hát cũng có khả năng ứng tác. Người hát có thể vận vào các làn điệu sẵn có để trở thành những bài hát dân ca hay hơn. Những lời hát thể hiện một cách sinh động, gần gũi, chân thực về công việc của đồng bào dân tộc thiểu số. Những bài dân ca luôn ngắn gọn, mộc mạc dễ nhớ, dễ thuộc, từng lời hát vừa như nhắc nhở người Kon Tum biết về cội nguồn, phải sống đoàn kết cùng cộng đồng, để dân làng thương, dân làng quý…
“Giữ nhịp” cho làn điệu dân ca
Trong những năm qua, cùng với quá trình giao lưu hội nhập, đời sống kinh tế và văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
|
Tuy nhiên, chính sự giao lưu, tiếp biến văn hóa đã tạo nên những “đứt gãy” về văn hóa truyền thống - “văn hóa làng” hầu như bị “lép vế”; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một, trong đó có sự mai một của các làn điệu dân ca của các dân tộc tại chỗ.
Triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 33), trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh ra sức giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Trong công tác bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa địa phương, cùng với sự chung tay của các ngành, các đoàn thể, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã và đang có những động thái để “giữ nhịp” cho làn điệu dân ca Kon Tum ngân vang.
Nghệ sĩ ưu tú A Đũh – nguyên Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh trăn trở: Khó có thể đưa ra một con số thống kê chính xác về số lượng các bài dân ca, bởi hầu hết chúng được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng. Kho tàng lưu giữ chính là ở những người lớn tuổi, nhưng họ đều ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe và trí nhớ hạn chế. Điều này gây sức ép trực tiếp tới công tác sưu tầm, bảo tồn và phát triển các bài hát dân ca, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi giới trẻ đang thờ ơ với âm nhạc và nghệ thuật truyền thống. Trước nguy cơ mai một này, đòi hỏi cần có sự chung tay góp sức từ nhiều phía để cùng ngành Văn hóa bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật văn hóa độc đáo và mang đậm tính nhân văn này.
Bà Nguyễn Thị Lan - Chánh văn phòng Tỉnh đoàn Kon Tum cho biết: Để góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Kon Tum cho thế hệ trẻ, Tỉnh đoàn Kon Tum định kỳ hai năm một lần tổ chức Ngày hội văn hóa cho tuổi trẻ Kon Tum; Hội trại Tháng 3 hằng năm, trong đó có tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, biễu diễn cồng chiêng, thi hát dân ca, dân vũ… nhằm bảo tồn, gìn giữ trao truyền kho tàng các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Kon Tum cho thế hệ trẻ.
Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Hát ru, hát dân ca cổ truyền là vốn quý của các dân tộc Kon Tum. Trong thời gian qua, ngành đã phối hợp với các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản về văn hóa dân tộc; triển khai nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số loại hình văn hóa phi vật thể; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động người dân trong bảo tồn văn hóa. Cứ hai năm một lần, Sở tổ chức Liên hoan đàn, hát dân ca. Tại mỗi đợt, tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội, Sở đã cử từng Đoàn nghệ thuật đại diện cho từng dân tộc ở Kon Tum tham gia biểu diễn và tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa. Qua giao lưu, trải nghiệm, các đoàn trở về sẽ xây dựng một số loại hình dân ca phục vụ cộng đồng, phục vụ hoạt động du lịch. Đồng thời, Sở cũng phối hợp với ngành Thông tin - Truyền thông và ngành Giáo dục, Tỉnh đoàn Kon Tum tăng cường công tác quảng bá, nâng cao nhận thức về dân ca, dân vũ trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ dưới nhiều hình thức như trao đổi, truyền dạy trực tiếp, sử dụng băng, đĩa, sách, báo và phổ biến bằng nhiều phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức giao lưu, liên hoan, biểu diễn giữa các cộng đồng ở trong tỉnh, đưa dân ca vào nội dung sinh hoạt liên hoan, ngày hội văn hóa hàng năm và các chương trình văn hóa, văn nghệ trong những dịp lễ lớn của tỉnh…
Dương Lê