26/05/2022 06:06
Theo nghệ nhân A Jưk (dân tộc Gia Rai) ở làng Klâu Ngol Zố, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), giữ nghề truyền thống không hề dễ, với nghề tạc tượng gỗ càng khó hơn, bởi đây là một trong số nghề đòi hỏi năng khiếu và sự yêu thích đặc biệt. Chính niềm say mê tượng gỗ và kinh nghiệm thực tế của một nghệ nhân tự tạo nên “thương hiệu” của chính mình bằng cách chịu khó tìm tòi học hỏi đã giúp ông tận tình “truyền nghề” cho bà con trong làng. Tuy vậy, do yêu cầu của loại hình nghệ thuật đặc thù này, nên cuối cùng thì chỉ có cậu con rể A Thoan chịu khó, kiên trì theo cha “học việc”.
Kon Tum phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục “khôi phục, bảo tồn, lưu giữ bí quyết nghề nghiệp, phát huy giá trị văn hóa” đối với 9 nghề truyền thống, gồm: dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ. Trong đó, chú trọng “đẩy mạnh thương mại hóa” đối với 4 nghề: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ truyền thống.
“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực phát triển sản phẩm nghề truyền thống” là một trong số 5 giải pháp chính cần quán triệt, triển khai nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ. Đây cũng chính là mấu chốt để có thể “vực lại” một số nghề thủ công lâu đời đang đứng trước khó khăn để duy trì, thậm chí có nguy cơ mai một.
|
Theo số liệu tổng hợp từ Ban Dân tộc tỉnh, qua 4 năm thực hiện đề án Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, số người “biết làm nghề truyền thống” trên địa bàn tỉnh đã tăng hơn 5 lần, từ 2.220 người lên 12.170 người. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm tăng từ 312 người lên 1.046 người; nghề đan lát từ 570 người lên 1.747 người; nghề rèn từ 116 người tăng lên 408 người; nghề làm rượu cần từ 984 người lên 8.464 người; chế tác nhạc cụ từ 124 người lên 164 người; tạc tượng từ 39 người lên 44 người; chế tác nỏ từ 53 người lên 266 người; nghề đẽo thuyền độc mộc từ 19 người tăng lên 29 người.
Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực kế cận đã, đang và tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của những nghệ nhân đi trước và các địa phương còn giữ được nghề truyền thống. Không chỉ cần “đãi cát tìm vàng” khi đề cập tới tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, chế tác nhạc cụ dân tộc… để có thể tìm được người “kế nghiệp”, mà ngay với một số nghề gần gũi, mang tính phổ biến hơn như dệt thổ cẩm, đan lát… thì việc “truyền nghề” cũng không hề dễ dàng. Thực tế ngày càng “già hóa” nguồn nhân lực chính là điều đáng băn khoăn.
Nhờ nỗ lực giữ gìn bản sắc dân tộc, đến nay, nghề dệt thổ cẩm đã được khôi phục và từng bước duy trì tại hầu hết các thôn làng của đồng bào Triêng ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi. Tuy vậy, đáng chú ý, hầu hết các nữ nghệ nhân dệt vải đều đã lớn tuổi. Nhiều người được xem là “trẻ” phổ biến cũng tầm 45-50 tuổi. Chị Y Biêm, ngoài 60 tuổi, ở thôn Dục Nhầy 3 thừa nhận: “Mình có hai đứa con gái, muốn dạy cho chúng nó dệt, mà không đứa nào chịu học. Nó kêu khó”.
Bà Y Viên, gần 80 tuổi, thì ngậm ngùi vì hiện ở thôn Đăk Hú của mình chưa có thêm thanh nữ, thiếu nữ nào chịu khó học dệt, không biết sau này có còn người “nối nghề” mà cả cuộc đời bà đã gắn bó hay không.
Để hiện thực hóa yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, Tỉnh ủy xác định: Hằng năm tổ chức 15-20 lớp dạy nghề cộng đồng tại thôn (làng) với khoảng 200 người học, đảm bảo 7 DTTS tại chỗ đều có lực lượng thành thạo tay nghề và duy trì sản xuất nghề truyền thống, nhất là thanh niên, lao động trẻ trên địa bàn.
Không chỉ trông cậy vào lòng yêu nghề, sự nhiệt tình, tâm huyết của các nghệ nhân và người dân trong cộng đồng, điều này đòi hỏi sự “vào cuộc”, vận hành của hệ thống chính trị. Trong đó, việc dạy nghề và học nghề truyền thống thực sự rất cần được xác định thành chương trình, kế hoạch cụ thể của tỉnh. Gắn với bài toán nhân lực, ổn định đầu ra cho sản phẩm từ nghề truyền thống cũng chính là chìa khóa “mở cửa” cho lĩnh vực này.
Thanh Như