22/02/2024 13:15
Những ngày nông nhàn, bà Y Nhài (62 tuổi, ở thôn 1, xã Đăk Pne) lại ngồi bên khung cửi dệt vải thổ cẩm. Bà Y Nhài nhớ lại, khi còn rất nhỏ, nhìn thấy bà ngoại và mẹ hằng ngày ngồi bên khung cửi dệt vải. Bà coi hình ảnh đó là chuẩn mực của sự chăm chỉ, khéo léo và mong tương lai mình cũng được như vậy. Thế nên, hằng ngày bên cạnh việc phụ giúp gia đình làm việc nhà, bà đã gom lại sợi chỉ, len dệt thừa của mẹ để những lúc rảnh rỗi mày mò tìm hiểu về thổ cẩm. Lớn thêm tí nữa, bà được mẹ cho ngồi bên cạnh, dạy các bước cơ bản từ gỡ chỉ trong cuộn thành từng sợi chỉ, sắp xếp khung cửi, thêu họa tiết rồi bắt đầu dệt.
Ban đầu bà chỉ dệt vật dụng đơn giản như áo gối, túi. Đến năm 16 tuổi bà đã dệt được sản phẩm khó hơn như khăn trải bàn, chăn, váy, áo. Các loại váy, áo thổ cẩm của bà và mọi người trong gia đình đều tự tay bà dệt, thêu tên riêng vào từng bộ rất cầu kỳ và đẹp mắt. Nhờ vậy, bà được biết đến là người dệt thổ cẩm đẹp nhất vùng, nhiều chị em trong và ngoài thôn tìm đến học tập, đặt dệt. Tiếng lành đồn xa, thổ cẩm của bà không chỉ được người dân trong xã biết đến mà còn rất nhiều du khách đến tìm mua.
|
Theo bà Y Nhài, để hạn chế việc thổ cẩm bị sai, hỏng đường chỉ, bà chỉ dệt vào ngày trời nắng, khô ráo, còn ngày trời mưa, độ ẩm cao các sợi len thường dính lại vào nhau, khó gỡ, tốn rất nhiều thời gian và dễ bị sai sót nên bà sẽ không dệt.
Được biết, gia đình bà Y Nhài là hộ tiêu biểu trong việc lưu giữ nghề dệt bằng cách truyền dạy cho các con, từ con gái đến con dâu. Chị Y Nắp (42 tuổi) là người dệt thổ cẩm giỏi nhất trong những người con gái của bà Y Nhài. Với chị Y Nắp, hình ảnh mẹ ngồi bên khung cửi dệt vải đã rất quen thuộc, gần gũi. Chị Y Nắp tâm sự: “Năm tôi lên 10 tuổi, mẹ bảo, người phụ nữ Jơ Lâng có đôi bàn tay khéo léo và sự chăm chỉ, sáng tạo nên những tấm vải họ dệt ra cũng nhiều màu sắc và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Tôi và các chị tò mò theo mẹ làm quen với khung cửi với mong muốn trở thành người phụ nữ khéo léo và sáng tạo”.
Sau nhiều năm, chị em bà Y Nắp lần lượt lớn lên và trở thành những thợ dệt giỏi của thôn. Các chị cùng mẹ thường tranh thủ dệt vải vào cuối ngày hay lúc nông nhàn, vừa để giữ nghề, vừa kiếm thêm thu nhập.
|
Cũng như bà Y Nhài, bà Y Pơch (55 tuổi, ở thôn 2) được nhiều người trong và ngoài thôn biết đến nhờ tài dệt thổ cẩm. Hằng ngày, tuy bận rộn với công việc trên rẫy nhưng hễ có thời gian rảnh hay người đặt mua là bà Y Pơch lại ngồi vào khung cửi say sưa dệt vải.
“Tôi được mẹ truyền nghề dệt từ năm 12 tuổi. Ngày ấy, khi nào mẹ ngồi vào khung dệt là tôi ngồi bên cạnh và được mẹ chỉ cho từng li từng tí, từ lắp khung dệt đến xe chỉ và dệt. Đến chỗ dệt hoa văn khó nhất, mẹ hướng dẫn cách tạo hình, phối màu công phu. Khó nhưng mẹ chỉ dạy tỉ mỉ nên vài lần thử là biết dệt ngay”- bà Y Pơch chia sẻ.
Nói xong, bà Y Pơch chỉ vào tấm thổ cẩm do mình làm ra, bà cho biết chất liệu của nó hoàn toàn tự nhiên. Bông hái từ rẫy về, phơi, xe thành sợi rồi nhuộm bằng nước màu lá rừng. Nếu thích màu xanh thì ngâm với lá cây, màu nâu thì ngâm với củ nâu, màu chàm thì ngâm với vỏ ốc suối.
“Dệt được một tấm thổ cẩm mất rất nhiều công đoạn. Từ khi hái bông, xe sợi, nhuộm màu đến lúc dệt mất hàng tháng trời. Tấm thổ cẩm giá trị nhìn vào thấy màu sắc đẹp, sờ thì mịn màng, họa tiết hoa văn tinh tế. Cho nên những sản phẩm này của tôi có giá trị từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/tùy sản phẩm”- bà Y Pơch cho hay.
Không chỉ dệt hoa văn truyền thống mà bà còn sáng tạo thêm loại họa tiết mô phỏng nhiều loài động, thực vật để dệt cho tấm thổ cẩm thêm phong phú và đa dạng hơn. Theo bà Y Pơch, dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu chính vì vậy, chỉ những ai thật sự đam mê thì mới có thể gắn bó lâu dài.
Bà Y Oanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Pne cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt của người Jơ Lâng nơi đây. Tại các thôn, nghề dệt thổ cẩm được chị em phụ nữ lưu truyền và phát triển. Để gìn giữ và phát huy nghề tại địa phương, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhất các con cháu trong gia đình”.
Nay Săt