22/09/2023 13:07
Đồng bào dân tộc Mường ở xã Sa Loong sống tập trung ở thôn Hào Lý với hơn 143 hộ, chủ yếu từ tỉnh Hòa Bình di cư từ những năm 90 của thế kỷ trước. Dù xa quê, nhưng người Mường ở thôn Hào Lý luôn ý thức việc giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc, như việc xây dựng nhà cộng đồng để làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, đan lát…
Bà Đinh Thị Qúy - Đội trưởng đội chiêng thôn Hào Lý (xã Sa Loong) cho biết: Khi mới vào đây, người Mường không có chiêng để đánh mà phải đi mượn trong các thôn, làng đồng bào dân tộc tại chỗ. Chiêng Mường có núm nên mỗi lần mượn cũng mất nhiều thời gian và phải có nghệ nhân thẩm âm, tiếng chiêng phù hợp với chiêng Mường thì mới dùng được. Năm 1998, sau khi cuộc sống ổn định và có nhiều người biết đánh chiêng thì thôn bắt đầu thành lập đội, các hộ dân trong thôn tự quyên góp tiền để đầu tư mua 6 chiếc chiêng từ tỉnh Hòa Bình. Đến năm 2021, huyện Ngọc Hồi phối hợp với huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) để mua thêm 12 chiếc chiêng cho thôn, tổng cộng thôn có 18 chiếc chiêng.
|
Theo bà Quý, bộ chiêng của người Mường không quy định số lượng, nhưng bắt buộc phải có 4 chiếc chiêng sầm, 1 chiêng giàn to nhất thường có âm thanh khác hẳn; còn chiêng đôi, chiêng bè và chiêng hỏi-đáp âm phát ra giống nhau. Những bài chiêng thường được biểu diễn như sắc bùa (đón khách), múa xòe, khai hạ, ăn cơm mới, khách đến nhà.
Nếu như chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chủ yếu là nam giới đánh, thì chiêng Mường lại chủ yếu là nữ. Bởi vậy, chị em dân tộc Mường ở thôn Hào Lý luôn ý thức phải gìn giữ, để tiếng chiêng Mường ngân vang trên quê hương mới. Theo đó, mỗi dịp lễ hội, ngày nghỉ cuối tuần chị em lại cùng nhau sinh hoạt văn nghệ, truyền cho nhau các bài chiêng, bài múa để phục vụ khách ghé thăm.
Trước đây, chỉ có vài nghệ nhân biết đánh chiêng, nay nhiều chị em đã học thành thạo nhiều bài chiêng truyền thống. Hiện nay, thôn Hào Lý có 1 đội chiêng Mường hơn 17 phụ nữ tham gia và hơn 30 phụ nữ tham gia học đánh chiêng.
“Tuy nhiều thế hệ, nhiều hoàn cảnh, công việc nhưng các thành viên đều có cùng chung một sở thích, say mê diễn tấu cồng chiêng và ca múa các làn điệu dân ca của dân tộc Mường. Các thành viên tập luyện rất hăng say, mỗi khi có dịp diễn tấu là chị em í ới gọi nhau cùng nhau tập luyện”- bà Quý vui vẻ nói.
Tương tự, các chị em phụ nữ Mường ở thôn Hòa Bình (xã Đăk Kan) cũng miệt mài giữ nhịp chiêng dân tộc vang mãi ở vùng đất mới. Theo bà Xa Thanh Chúc - Đội trưởng đội chiêng thôn Hòa Bình, những năm gần đây, đời sống kinh tế của cộng đồng người Mường ở đây ổn định. Bà con có thời gian chăm lo hơn về hoạt động văn hóa, tinh thần nên dù bận rộn với công việc gia đình, nhưng hầu như phụ nữ Mường ít khi bỏ sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
“Vì âm nhạc cồng chiêng giúp chị em xua tan mệt mỏi. Chị em thích đi biểu diễn vì được mặc trang phục truyền thống và rất vui khi được khen ngợi. Cũng như đàn ông, phụ nữ thôn Hòa Bình chúng tôi cũng muốn góp sức để giữ gìn văn hóa truyền thống mà cha ông để lại”- bà Chúc cho hay.
|
Đội chiêng Mường thôn Hòa Bình hiện có 12 người, người lớn tuổi nhất 65 tuổi, nhỏ nhất 14 tuổi. Em Xa Bùi Hà Anh - thành viên nhỏ tuổi nhất đội chiêng Mường thôn Hòa Bình chia sẻ: “Từ nhỏ em đã được bà và mẹ truyền nhiệt huyết đam mê cồng chiêng, em mong rằng, thế hệ trẻ như em sẽ còn nhiều người theo học và biết đánh chiêng để phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Mường ở huyện Ngọc Hồi”.
Không chỉ sinh hoạt tại địa phương, đội chiêng Mường ở thôn Hòa Bình (xã Đăk Kan) còn tham gia giao lưu, diễn tấu cồng chiêng trong các chương trình nghệ thuật quần chúng cùng các thôn, làng khác trên địa bàn huyện. Trong Chương trình Liên hoan Đàn và hát dân ca các dân tộc huyện Ngọc Hồi lần thứ Nhất vào tháng 7 vừa qua, đội chiêng Mường của thôn đã tham gia và đạt giải Khuyến khích. Đây là niềm vui và cũng là động lực để đội chiêng thôn Hòa Bình tiếp tục nỗ lực gìn giữ và phát huy.
Ông Bùi Viết Sỹ - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Hồi cho biết, không chỉ tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, cộng đồng người Mường ở huyện Ngọc Hồi cũng giữ gìn rất tốt bản sắc văn hóa truyền thống. Để giúp người dân giữ gìn văn hóa cồng chiêng, chính quyền địa phương đã thường xuyên quan tâm, vận động, tuyên truyền bà con duy trì và bảo tồn. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ kinh phí mua chiêng và mở lớp dạy kỹ thuật đánh chiêng Mường để giúp bà con có thêm động lực duy trì bản sắc văn hóa dân tộc ở nơi đây.
Nay Săt