15/11/2023 13:01
Để gặp được anh A Thu, chúng tôi phải gọi điện trước nhiều ngày để “đặt lịch”. Bởi ngoài thời gian làm rẫy, anh còn sắp xếp thời gian đến các xã khác để truyền dạy cồng chiêng.
Anh A Thu sinh ra trong gia đình Xơ Đăng thuần nông, từ khi còn bé đã quen với tiếng chiêng, nhịp xoang mỗi khi làng có hội.
Thuở nhỏ, tiếng cồng chiêng như “hút hồn” A Thu. Càng xem cồng chiêng, A Thu càng bị tiếng chiêng hấp dẫn. A Thu thèm khát được mang trên mình chiếc chiêng, gõ ra âm thanh vang vọng giữa đại ngàn.
|
“Có lần chờ đến khuya, khi cả làng say giấc sau những ghè rượu thơm nồng, tôi rủ rê đám bạn nhỏ cùng lứa vào nhà rông chơi. Cả đám cùng nhau nâng niu những chiếc cồng, chiếc chiêng. Lựa cho mình chiếc chiêng nhỏ, tôi gõ nhẹ vào núm chiêng, thanh âm vang lên. Những bạn khác cũng bắt chước đánh theo, nhưng không một ai dám dứt khoát đánh mạnh bởi sợ người làng thức giấc sẽ trách phạt”- A Thu kể.
Đam mê cồng chiêng từ nhỏ, A Thu tự nhủ với bản thân mình, sau này lớn lên phải đánh được cồng chiêng. Khi đôi chân có thể băng rừng, vượt suối, đôi tay cầm cuốc lên rẫy, A Thu cùng đám bạn mạnh dạn đến nhà rông để xin già làng, người lớn dạy đánh cồng chiêng. Già làng, người lớn tuổi trong thôn thấy đám nhỏ đam mê cồng chiêng trong bụng mừng thầm, rồi tận tình chỉ dạy.
Năm lên 15, 16 tuổi, A Thu đã đánh chiêng thành thạo và được góp mặt vào đội chiêng của làng. Tre già măng mọc, những nghệ nhân kỳ cựu của đội chiêng dần già yếu, vị trí, vai trò của A Thu được đẩy lên cao hơn trong đội chiêng.
Khi đã có chỗ đứng trong đội chiêng của làng, A Thu không ngừng học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Cùng với đó, anh tiếp tục học thêm nhiều nhạc cụ dân tộc như đàn đá, k’lông put, ting ning.
Biết anh A Thu chơi được nhiều nhạc cụ, đánh cồng chiêng giỏi, nhiều phụ huynh trong thôn tin tưởng gửi con cháu cho A Thu chỉ dạy. Qua sự tận tình rèn giũa của thầy A Thu, chúng được tiếp xúc với cồng chiêng, được học kỹ thuật đánh và tạo thành một đội chiêng nhí trong thôn. Mỗi khi trường học có lễ hội, đội chiêng nhí của thôn Đăk Rô Gia tự tin biểu diễn cho cả trường cùng xem.
|
Tiếng lành đồn xa, không chỉ xã Đăk Trăm, nhiều xã khác biết đến tài năng cồng chiêng của anh A Thu. Năm 2017, chính quyền các cấp đẩy mạnh việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, mở các lớp truyền dạy cồng chiêng và mời anh A Thu đến dạy.
Anh A Thu chia sẻ: Được mời đến truyền dạy cồng chiêng cho bà con ở các địa phương khác tôi rất vui mừng. Vì có nhiều địa phương ít người biết đánh cồng chiêng nên qua việc truyền dạy, tôi có dịp giúp người dân, nhất là những em học sinh đam mê cồng chiêng. Đây là một tín hiệu vui, góp phần tạo nền móng để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Xơ Đăng nơi đây.
Những năm gần đây, các cấp, các ngành ở địa phương quan tâm mở lớp truyền dạy cồng chiêng ngày một nhiều hơn, anh A Thu cũng được mời đi dạy nhiều hơn. Anh tâm sự: Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, tôi đã tham gia trên 30 lớp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 500 học viên là người dân, học sinh tại các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông và Đăk Tô. Tham gia các lớp học, học viên sẽ được truyền dạy kỹ năng đánh một số bài chiêng truyền thống như “Mừng lúa mới”, “Giã gạo”, “Chào đón khách” để biểu diễn tại các lễ hội. Mỗi lớp học kéo dài trong 30 ngày, tùy theo đơn vị tổ chức, tôi sẽ được trả công từ 3-5 triệu đồng/lớp. Tham gia truyền dạy cồng chiêng, giúp tôi có thêm khoản tiền trang trải chi phí trong cuộc sống. Và quan trọng hơn, giúp tôi thỏa niềm đam mê và góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng.
Ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm cho biết: A Thu là một nghệ nhân trẻ rất tâm huyết với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều năm qua, A Thu luôn nhiệt tình, sẵn sàng tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng do địa phương tổ chức. Trong thời gian tới, xã tiếp tục mời A Thu truyền dạy cồng chiêng để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng ở địa phương.
Văn Tùng