Gặp lại nét Xuân làng

21/02/2024 06:33

Đón Xuân Giáp Thìn cũng là lần thứ ba hội báo xuân thường niên được Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với các sở, ngành tổ chức tại Bảo tàng tỉnh. Với chủ đề “Trải nghiệm văn hóa truyền thống”, thêm một lần nữa nhân dân các dân tộc trong tỉnh và du khách gần xa được dịp tìm hiểu, khám phá nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em qua những nét Xuân làng.

Diễn ra trong các ngày từ 16-19/2 (tức từ mùng 7 đến mùng 10 Tết Giáp Thìn) tại Bảo tàng tỉnh, hội báo xuân năm nay thu hút đông đảo người dân trong tỉnh và du khách đến tham quan, thưởng lãm, trải nghiệm.

Nổi bật trong sắc phục của người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), đội nghệ nhân làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) để lại ấn tượng đẹp bằng các tiết mục cồng chiêng-xoang truyền thống, mà điểm nhấn là điệu múa chiêu nhẹ nhàng, uyển chuyển đã làm thành “thương hiệu” của những người phụ nữ giỏi giang. Khác với hình ảnh thanh thoát từng thấy bên khung dệt, lần này, Nghệ nhân ưu tú Y Rưa đẹp, năng động và “quyền lực” hơn trong vai trò nghệ nhân đánh trống, dẫn đầu đội cồng chiêng-xoang của làng. Lần đầu tiên góp mặt tại hội báo xuân với số lượng khá đông (hơn 30 nam, nữ các lứa tuổi), đội nghệ nhân làng Rờ Kơi tự hào khi được giới thiệu với mọi người các nghệ nhân trẻ, nghệ nhân con, cháu trong cùng một gia đình bên cạnh các nghệ nhân cao niên, nghệ nhân đi trước.   

Giới thiệu T'rưng nước của người Gia Rai. Ảnh: TN

 

Giàn T’rưng nước của dân tộc Gia Rai đến từ làng Chốt (thị trấn Sa Thầy) thu hút sự chú ý của mọi người. Tác giả của “công trình” nhạc cụ độc đáo này là Nghệ nhân ưu tú A Huynh- chàng trai được xem là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc huyện Sa Thầy trong nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Bằng tình yêu lớn lao với văn hóa dân tộc, tài nghệ hiếm có và kinh nghiệm thực tiễn quý báu, chỉ trong thời gian ngắn, A Huynh đã cùng với 4 trai làng tâm huyết, dốc sức đi tìm kiếm nguyên vật liệu để phục dựng lại giàn đàn tơ rưng nước trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh; mà thực tế, trước đây, anh đã có dịp dựng lại trên rẫy, cũng như giới thiệu tại một lễ hội của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, tổ chức tại Đăk Lăk. Nét độc đáo của giàn T’rưng nước này chính là âm thanh không chỉ tạo ra từ những ống nứa, mà còn có cả tiếng trống hòa cùng.

Lần đầu tiên giới thiệu đàn T’rưng nước của người Gia Rai đến mọi người, các nghệ nhân trẻ làng Chốt rất vui sướng, tự hào. Không những thế, họ còn được quan tâm, yêu mến, khi trực tiếp tham gia giới thiệu cách chế tác nhạc cụ bằng tre nứa, cũng như hướng dẫn du khách trải nghiệm cùng nét đẹp âm nhạc truyền thống trong khuôn khổ hội báo Xuân.  

Múa sạp đón mừng Xuân mới. Ảnh: TN

 

Đến từ thôn 2 (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai), đội nghệ nhân dân tộc Thái trình diễn các màn múa xòe đặc trưng và trò chơi dân gian (tung còn, đập niêu), vốn rất quen thuộc ở làng, thu hút nhiều người cùng tham gia, trải nghiệm, làm cho không khí những ngày đầu xuân càng vui tươi, phấn khởi.

Góp phần đem đến sắc màu Hội Báo Xuân Giáp Thìn là các nghệ nhân phường rối Tế Tiêu (Mỹ Đức, Hà Nội) quen thuộc với các tiết mục rối cạn hấp dẫn; các sản phẩm đặc trưng của Hội Nông dân tỉnh, mà nòng cốt là nông dân phường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum).

“Đến hẹn lại lên”, Hội Báo Xuân Giáp Thìn để lại ấn tượng đẹp về những nét Xuân làng qua từng hoạt động đặc sắc. Người chia tay rồi, còn hẹn gặp năm sau.  

Thanh Như

Chuyên mục khác