Gắn nghề, sản phẩm truyền thống với du lịch

09/04/2022 06:12

Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất thường có những nghề, sản phẩm truyền thống. Các sản phẩm từ nghề truyền thống của một dân tộc thường mang dấu ấn văn hóa và hồn cốt riêng của dân tộc trên vùng đất đó. Việc khôi phục và phát triển các nghề, sản phẩm truyền thống để giới thiệu sản phẩm, văn hóa của vùng đất, dân tộc là việc làm cần thiết trong phát triển du lịch.

Thực tế cho thấy, du khách đến một vùng đất là để được tìm hiểu, khám phá những danh thắng, con người, sản phẩm và văn hóa của dân tộc, của vùng đất đó. Ví như cùng là sản phẩm thổ cẩm, nhưng thổ cẩm của dân tộc Ba Na luôn có những nét khác biệt so với dân tộc Giẻ Triêng, Xơ Đăng… được thể hiện trên từng sợi thổ cẩm, cách điệu trên từng hoa văn trang trí, mang tâm tư, tình cảm và hồn cốt riêng. Thật buồn, nếu như đến một vùng đất, ta không thấy được đâu là dấu ấn, đâu là nét đặc sắc văn hóa mang hồn cốt riêng của vùng đất, con người nơi đó.

Các nghệ nhân ở xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy đan gùi. Ảnh: VN

 

Đáng mừng là trong quá trình hội nhập và phát triển, nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn giữ gìn và phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống… Và trong quá trình tác nghiệp, nắm bắt thông tin tuyên truyền việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tôi gặp nhiều ông, nhiều bà, nhiều mẹ, nhiều chị người DTTS trên địa bàn tỉnh luôn có ý thức giữ gìn, phát triển nghề và  sản phẩm truyền thống để sử dụng và phục vụ cộng đồng. Mặc dù ngày công lao động để làm ra sản phẩm đó tính ra thấp, du lịch lại chưa phát triển mạnh nên việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Thật cảm động, khi trao đổi về việc giữ gìn và phát triển nghề tạc tượng, ông A Hyếu ở làng O, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy giãi bày: Tôi tạc tượng cho người dân trong làng để thực hiện nghi thức trong các lễ Pơ thi (bỏ mả) không phải vì tiền. Bởi tôi chưa khi nào lấy tiền công đẽo cho ai bao giờ và cũng không phải vì người dân biếu tí thịt sau lễ mà là vì nghĩa tình, vì thỏa niềm đam mê và lưu lại ý niệm giữa người sống với người chết, với tổ tiên. Tuy nhiên, các bức tượng ông tạc bao giờ cũng có hồn, thu hút sự chú ý của du khách khi đến tham quan. 

Nghệ nhân Y Rưa, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy giữ gìn nghề dệt thổ cẩm bằng bông vải. Ảnh: VN

 

Tương tự, trong một lần tác nghiệp, tôi gặp bà Y Rưa, làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy trồng bông, xe sợi và dệt thổ cẩm. Miệt mài xe sợi, dệt vải như vậy, nhưng bà Y Rưa cho hay việc dệt thổ cẩm đối với bà không phải vì kinh tế mà vì giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Nếu không giữ gìn và phát triển nghề thổ cẩm, bà sợ mai này không ai còn biết đến nghề dệt thổ cẩm, không ai còn biết đến giá trị văn hóa được ẩn tàng trong sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Chính vì vậy, bà dệt với niềm đam mê và với tất cả niềm tự hào về nghề, sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.  

Còn nhiều những tấm lòng của người dân ý thức việc giữ gìn, phát huy nghề và sản phẩm truyền thống mà trong khuôn khổ của bài báo này tôi không thể nói hết. Và trước yêu cầu đặt ra, tại Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 24/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “Về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhấn mạnh, số người biết và duy trì sản xuất nghề truyền thống ngày càng tăng; giá trị một số sản phẩm nghề truyền thống được nâng lên. Đã hình thành một số điểm trưng bày, bán sản phẩm nghề truyền thống tại các điểm du lịch và các điểm phục vụ các hoạt động văn hóa – dịch vụ, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương và tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tỉnh cũng nhận định, đa số nghệ nhân, người biết làm nghề truyền thống tuổi đã cao, người có tay nghề giỏi ngày càng ít, việc truyền nghề cho các thế hệ kế cận còn hạn chế. Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm nghề truyền thống tham gia vào các hoạt động du lịch chưa hiệu quả. Việc đầu tư, phát triển nguồn nguyên liệu, vật liệu phục vụ việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức.

Theo đó, tỉnh xác định mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS tại chỗ, gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.  

Từ thực trạng đó, 9 nghề truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát triển là: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc và làm nỏ. Tỉnh cũng đặt ra vấn đề xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, ký gửi sản phẩm nghề truyền thống, gắn với các điểm tham quan du lịch tại thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông và một số nơi có điều kiện; phát triển một số sản phẩm nghề truyền thống đạt tiểu chuẩn OCOP và từng bước có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng từ 1-2 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống, gắn với hình ảnh, văn hóa – du lịch đặc trưng của tỉnh.

Khi có cơ chế, chính sách và với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, việc phát triển nghề, sản phẩm truyền thống gắn với các loại hình du lịch trong thời gian đến ở tỉnh sẽ có bước phát triển mới, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.  

Văn Nhiên

Chuyên mục khác