Gắn du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới

03/04/2022 06:03

Không chỉ sở hữu nhiều điểm đến thiên nhiên thú vị và đẹp mắt, Kon Tum còn có lợi thế là vùng đất có bề dày văn hóa đã tạo nên những “mỏ vàng” quý giá để khai thác loại hình du lịch cộng đồng đang ngày càng được yêu thích và khuyến khích bởi sự kinh tế và nhân văn. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid -19, xu thế chung là du khách thường lựa chọn các điểm đến vùng nông thôn yên tĩnh, gần gũi thiên nhiên, giàu bản sắc văn hóa truyền thống… nên du lịch cộng đồng ngày càng phát triển và nếu khai thác tốt sẽ góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Xác định rõ lợi thế và tiềm năng phát triển loại hình du lịch cộng đồng của một tỉnh miền núi, thời gian qua, tỉnh ta đã có chủ trương và triển khai phát triển các làng du lịch cộng đồng. Qua thời gian, đã có những làng du lịch cộng đồng tên tuổi được định danh như: Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), làng Kon Brăp Du (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy)…

Ở các làng du lịch cộng đồng này, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành cộng với sự nỗ lực của bà con, những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, tập quán canh tác, điều kiện tự nhiên của cộng đồng làng được gìn giữ, phát huy. Nhiều làng đã thu hút lượng khách lớn, đặc biệt là các đoàn khách quốc tế đến tham quan, tham gia các sinh hoạt cộng đồng làng và lưu trú tại địa phương. Đó là, cảnh bà con gặt hái vụ mùa, lên rừng săn bắn; đi thuyền, đánh bắt cá dọc triền sông quanh làng; tận mắt chiêm ngưỡng những cô gái Ba Na, Xơ Đăng ngồi dệt những tấm thổ cẩm; được lênh đênh trên những chiếc thuyền độc mộc trên dòng Đăk Bla; được nối vòng xoang cùng với dân làng bên ánh lửa bập bùng, bên hương rượu cần say nồng trong tiếng cồng chiêng như gọi, như mời.

Đón khách đến thăm, người dân ở các làng du lịch cộng đồng không chỉ được thể hiện những nét đẹp văn hóa, nếp sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống, giới thiệu vẻ đẹp tự nhiên của thôn làng, mà còn có thêm thu nhập từ việc hướng dẫn tham quan, trải nghiệm các nét đẹp văn hóa dân tộc, bán các sản phẩm lưu niệm như hàng mỹ nghệ, sản phẩm dệt thổ cẩm… Có thêm nguồn thu nhờ phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống bà con dần ấm no hơn và kéo theo đó là thực hiện tốt hơn các tiêu chí được đánh giá là khó trong quá trình xây dựng nông thôn mới như: tỷ lệ hộ nghèo giảm (tiêu chí số 11), giảm dần các căn nhà tạm bợ (tiêu chí số 9), con cái được ăn học đàng hoàng (tiêu chí số 14), bà con biết gìn giữ vệ sinh môi trường (tiêu chí số 17), gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống để phục vụ lại cho phát triển du lịch (tiêu chí số 16)…

 
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh chung vui Lễ Et Đông với dân làng Kon Brắp Du. Ảnh: NP

 

Đời sống bà con làng du lịch cộng đồng Kon Brắp Du ngày càng cải thiện. Ảnh: NP

 

Lấy ví dụ cụ thể từ làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy. Còn nhớ trong lần về thăm làng, già A Ring Đeng phấn khởi kể rằng, thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát, bình quân mỗi năm làng đón cả trăm đoàn khách trong và ngoài nước, riêng khách nước ngoài có hàng chục đoàn. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, bà con có thêm nguồn thu từ việc kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm, hay tham gia hướng dẫn du lịch cho khách về tham quan tại địa phương… Có thêm nguồn thu từ chính nét đẹp văn hóa, nét đẹp cuộc sống ngày thường, bà con càng chăm chút gìn giữ: thành lập các đội cồng chiêng, xoang của làng và thường xuyên tổ chức tập luyện, biểu diễn; lưu giữ được 16 bộ cồng chiêng; các gia đình dần nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh nhà cửa, làng xóm, không thả rông gia súc, xây dựng làng xanh, sạch, đẹp. Bà con ngày càng quan tâm đến con cái, lo bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hơn, chăm chút các cháu được ăn học đàng hoàng hơn… Sự nỗ lực đó của bà con dân làng Kon Brắp Du và dân làng các thôn khác trong xã, cùng sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Tân Lập đã đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2018 và đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021.

Nói như vậy để thấy phát triển du lịch cộng đồng nếu triển khai hiệu quả, đúng hướng sẽ góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động của các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh chưa cao, số người dân ở các làng du lịch cộng đồng có thêm nguồn thu từ du lịch không nhiều. Nguyên nhân trước hết là trong hơn 2 năm gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19, hoạt động du lịch (đặc biệt là khách du lịch nước ngoài – vốn rất say mê với loại hình du lịch cộng đồng này) hầu như bị đóng băng. Hơn nữa, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, thiếu bài bản; sản phẩm du lịch còn đơn điệu; người dân ở các làng trực tiếp và gián tiếp tham gia các hoạt động phát triển, khai thác và quản lý du lịch cộng đồng còn thiếu các kiến thức, kỹ năng trong đón tiếp khách, phục vụ khách lưu trú, chưa tham gia nhiều vào các hoạt động dịch vụ du lịch... Các loại hình dịch vụ để phát triển du lịch cộng đồng còn nghèo nàn: Hạ tầng cơ sở (thiếu nước sạch và nhà vệ sinh), thiếu những “đầu bếp” là người của dân làng; thiếu những nơi để khách du lịch "tiêu tiền"…

Thực tế cho thấy phát triển du lịch cộng đồng chỉ thật sự bền vững khi người dân tích cực tham gia và được hưởng lợi. Bởi vậy, điều cần quan tâm chính là cùng với việc tăng cường hướng dẫn, tập huấn cho bà con dân làng tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch, nâng cao nhận thức của họ trong việc gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống, thì cần có sự hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, nước sạch… và cơ sở vật chất phụ trợ. Khi du lịch cộng đồng phát triển sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.          

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác