21/05/2023 06:00
Đến Trường TH-THCS Đăk Rơ Wa, tôi bị thu hút bởi mô hình thư viện nhà rông thu nhỏ nằm giữa sân trường, rợp mát bóng cây xanh. Thầy Phạm Đình Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh trong trường đa số là người Ba Na, thường rụt rè, nhút nhát. Trước đây thư viện nằm trên lầu 2, gần khu hiệu bộ nhà trường nên các em rất ít khi lên đọc sách. Hiểu được tâm lý các em, nhà trường quyết định xây dựng thư viện dưới sân trường, đồng thời có thiết kế giống nhà rông truyền thống đồng bào Ba Na để gần gũi, quen thuộc, thu hút các em đến đọc sách, truyện, giúp lan toả văn hoá đọc trong nhà trường.
|
Tận dụng những vật liệu có sẵn tại địa phương như tre, nứa, lá tranh… cùng những vật liệu cũ, nhà trường đã vận động phụ huynh cùng nhau dựng nên một mái nhà rông thu nhỏ nằm giữa sân trường. Từ ngày có thư viện nhà rông, cứ đến giờ ra chơi, các em học sinh rủ nhau ngồi dưới mái nhà rông, lựa chọn những quyển sách, truyện yêu thích để đọc.
Em Y Thuis - lớp 8C cho biết: Nhà rông là hình ảnh vốn đã quen thuộc với em và các bạn, ngồi dưới mái nhà rông đọc sách chúng em thấy rất gần gũi, hơn nữa ở đây có bóng cây, ghế đá nên đọc sách rất hiệu quả. Nhà trường thường xuyên thay đổi, bổ sung nhiều loại sách để chúng em thoả thích chọn lựa, đọc xong chúng em để ngay ngắn lại chỗ cũ giúp những bạn khác được đọc tiếp.
Ngoài việc xây dựng thư viện nhà rông, Trường TH-THCS Đăk Rơ Wa còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương, trong đó chú trọng đến việc giáo dục các em giữ gìn và phát huy nghề truyền thống.
Thầy Phạm Đình Kiên cho biết: Ở xã Đăk Rơ Wa hiện nay có nhiều điểm du lịch cộng đồng như Kon K’tu, Kon Jơ Dri, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến việc khôi phục, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc như cồng chiêng, múa xoang, đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu ghè, không gian giọt nước, những lễ hội truyền thống, các món ăn của đồng bào DTTS. Chính vì thế, nhà trường rất chú trọng tổ chức các buổi cho học sinh được trải nghiệm thực tế, được tìm hiểu, tự tay làm các sản phẩm truyền thống của dân tộc Ba Na nhằm định hướng nghề để các em có thể dùng sức trẻ phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Cuối tháng Tư vừa qua, tôi được tham dự hoạt động trải nghiệm “Nghề truyền thống” tại trường. Tại đây, nhà trường đã mời các nghệ nhân trong làng trực tiếp về trường hướng dẫn cho các em làm các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu ghè.
Em Y Yến - lớp 6C chia sẻ: Nghề đan lát có một số sản phẩm chính như gùi, nia, rổ, rá, nơm. Xưa nay, người Ba Na thường sử dụng các sản phẩm này trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Giờ đây, các em muốn học và tiếp tục giữ gìn nghề đan lát để các sản phẩm này được quảng bá đến khách du lịch, giúp nâng cao giá trị các sản phẩm được làm từ cây tre, cây nứa.
|
Là nghệ nhân dệt được nhà trường mời đến giảng dạy cho học sinh, bà Y Mứt - làng Kon K’tu chia sẻ: Ngày trước, nhiều người mê dệt lắm nhưng bây giờ thì ít rồi, họ thích đồ may sẵn bán ngoài chợ hơn. Những năm gần đây, được chính quyền địa phương quan tâm, nghề dệt ngày càng phát triển mạnh mẽ bởi những sản phẩm dệt bán tại các điểm du lịch được du khách thích thú và mua ủng hộ rất nhiều. Được trường mời đến giới thiệu và dạy cho các cháu học sinh, tôi rất vui mừng và hy vọng lớp trẻ sẽ yêu và phát triển nghề dệt thổ cẩm trong tương lai.
Thầy Phạm Đình Kiên cho biết: Ngoài việc tổ chức các hoạt động cho các em trải nghiệm làm nghề truyền thống, nhà trường còn tổ chức các buổi tham quan thực tế tại các điểm du lịch giúp các em cơ hội được giao tiếp với những người dân tộc Ba Na đang trực tiếp làm du lịch, để các em hiểu và nắm được giá trị bản sắc văn hoá dân tộc mình trong đời sống ngày nay. Qua đó giúp các em có những định hướng riêng sau khi ra trường, có thể trong đó sẽ có một số em muốn gắn giá trị bản sắc văn hoá dân tộc mình để phát triển du lịch, xây dựng hướng đi vững chắc cho bản thân trong tương lai.
Văn Tùng