Du xuân đầu năm

30/01/2017 14:10

Trong những ngày đầu năm mới, cùng với việc thăm hỏi người thân, bạn bè; người dân thành phố Kon Tum và khắp nơi còn nô nức đi chùa, rộn ràng dạo phố, chơi xuân.

Đi chùa đã trở thành nếp của nhiều gia đình gắn với việc xuất hành đầu xuân, cầu tài lộc, may mắn trong năm mới cho gia đình, người thân, mong mỏi sự suôn sẻ, thuận lợi. Mọi người tìm đến cửa chùa còn là để tìm những phút giây yên tĩnh, thanh thản trong tâm hồn, sống chậm lại để chiêm nghiệm cuộc sống, nói chung là hướng thiện.

Trong mấy ngày tết, đến một số chùa như: Trùng Khánh, Huệ Hương, Hồng Từ (thành phố Kon Tum); chùa Tháp Kỳ Quang (huyện Đăk Hà)... tôi thấy thay cho không gian trầm tĩnh, yên lặng của những ngày thường, các cửa chùa những ngày đầu năm đông đúc, nhộn nhịp người ra vào hơn.

Tuy đông nhưng lại rất trật tự, ai nấy đều niềm nở chào nhau bằng những ánh mắt, nụ cười thân thiện. Đến chùa, từ các bậc cao niên đến các bạn trẻ nam thanh nữ tú, trẻ em, ai cũng có một ước nguyện, mong muốn cho cả năm gửi gắm qua từng nén nhang, từng bó hoa tươi.

Mọi người từ tốn thắp nén nhanh thành tâm cầu nguyện để những điều không hay, không tốt đẹp của năm cũ sẽ qua đi và sự may mắn, công việc làm ăn thuận lợi, gia đình êm ấm, sức khỏe dồi dào… sẽ đến trong năm mới.

Hàng ngàn người đến chùa, mỗi người một tâm niệm khác nhau nhưng chung quy vẫn là tấm lòng thiện nguyện của con người chốn trần gian hướng về cửa Phật. 

Ông Trần Cao Lương (đường Trần Cao Vân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Năm nào, ngày mùng Một tết, cả nhà tôi cũng lên chùa. Bước vào cửa chùa, tôi thấy lòng thanh thản, nghe những điều Phật dạy để sống lạc quan hơn, khiêm tốn hơn. Đồng thời, qua việc lên chùa, tôi cũng muốn giáo dục con cháu mình về đạo hiếu, về lễ nghĩa, về đối nhân xử thế để sống tốt hơn.

Còn với bà Nguyễn Thị Thực (tổ 10, phường Quang Trung), đây là dịp để bà cũng như người thân của mình mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới. “Đi chùa là truyền thống từ xa xưa của ông bà nên năm mới đến lễ Phật là điều cần thiết. Người già mong muốn cho con cháu hòa thuận, ngày càng thành công trong công việc cũng như cuộc sống, người trẻ thì đến chùa cầu duyên, cầu tài… Tựu trung là hướng đến những điều tốt đẹp nhất” – Bà Thực bày tỏ.

Đi lễ đầu xuân còn là dịp để du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân. Với nhiều người, ngay những giờ phút giao thừa khởi đầu năm mới đã đi lễ chùa.

Người dân nô nức đi lễ chùa. Ảnh: Mai Trâm

 

Mấy ngày tết, tiết trời Kon Tum khá ấm áp, dễ chịu là điều kiện thuận lợi để người dân tổ chức các hoạt động vui xuân như dã ngoại, du xuân hay thong thả đi dạo phố, uống cà phê.

Không hối hả, vội vã như những ngày cuối năm, trong mấy ngày tết, người dân dường như sống chậm hơn, thư thái hơn. Các gia đình vừa chở con cháu đi chúc tết người thân, bạn bè, vừa ngắm phố phường. Năm nay, nhiều địa điểm công cộng của thành phố Kon Tum như bùng binh cầu Đăk Bla, bờ kè được trang trí đẹp hơn nên đây là nơi được nhiều bạn trẻ chọn để ngắm cảnh, chụp hình lưu niệm.

Từ ngày mùng 2 tết, những địa điểm du lịch nổi tiếng của Kon Tum như cầu treo Kon Klor, Nhà thờ Gỗ, Toà giám mục có khá đông người dân thành phố Kon Tum, từ các huyện và cả khách du lịch từ các tỉnh, thành khác đến thăm quan. Mọi người thong dong dạo bước, tíu tít chụp hình.

Rất nhiều bạn trẻ hồ hởi rủ nhau đi Măng Đen du xuân ngắm hoa nở. “Ngày thường chúng em rất khó có cơ hội gặp nhau vì mỗi đứa học mỗi nơi. Tết ai cũng về nhà nên chúng em tổ chức họp nhau lại, đi thăm chúc tết thầy, cô giáo cũ rồi đi chơi. Ngày mùng Một, mùng Hai thì phải dành cho gia đình, từ ngày mùng Ba trở đi chúng em mới có cơ hội đi chơi xa với bạn bè”. – Đặng Thị Thu Uyên (đường Tô Hiến Thành, thành phố Kon Tum) vui vẻ bày tỏ.

Những ngày tết, các quán cà phê, karaoke và khu vui chơi giải trí cũng khá đông khách. Các khu vui chơi dành cho trẻ em luôn tấp nập người ra người vào. Tranh thủ những ngày nghỉ ngơi, nhiều nhà không có điều kiện đưa con đi chơi xa dẫn các cháu tới đây vui chơi. 

Nhiều quán cà phê trên địa bàn thành phố  Kon Tum cũng mở cửa xuyên tết để phục vụ nhu cầu uống cà phê của người dân phố núi. Vẫn những quán quen thuộc, nhưng không gian được trang trí đẹp hơn, rực rõ hơn và ngập tràn sắc xuân với nào đèn nhấp nháy, hoa tươi, mai vàng, cúc vàng... Khách uống cà phê cũng không vội vã như những ngày trong năm, nhâm nhi ly cà phê sóng sánh mọi người vui vẻ hàn huyên truyện cũ, chia sẻ những dự định mới.

Chị Nguyễn Thị Phương (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Mấy ngày cuối năm tất bật dọn dẹp, sắm tết, đến tết sau khi đi thắp hương cho ông bà tổ tiên, lên chùa rồi anh em trong nhà rủ nhau đi la cà cà phê một chút cho thoải mái. Bình thường ai cũng mải mê làm ăn, lo cho gia đình riêng, đến tết được nghỉ ngơi mới có thời gian để mà chuyện trò, tâm sự. Vả lại đầu năm thong thả một chút cho cả năm nhàn nhã chứ việc gì phải vội vã.

Có thể, sau bao bộn bề trong cuộc sống, ngày tết, gạt bỏ hết mọi lo toan, người dân nô nức lên chùa cầu phước rồi thong thả du xuân là một nét đẹp văn hoá trong cách sống của người dân Kon Tum. Cái tinh tế của tục du xuân đầu năm chính là để để mỗi dịp tết đến xuân về, lòng người lại gợi lên những điều thiêng liêng, trong sáng.

Thuỳ Hương

 

Chuyên mục khác