20/07/2021 13:17
Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện nay hầu hết các làng đồng bào Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng... đều đã phục dựng nhà rông cho làng. Đây là điều rất phấn khởi, tuy nhiên, có một số nhà rông được hiện đại hóa, xây bằng xi măng cốt sắt, mái lợp tôn, không đúng với nguyên thủy nhà rông truyền thống xưa. Bởi vậy, bên cạnh sự vui mừng, phấn khởi, không ít người vẫn có cảm giác tiếc nuối và man mác buồn.
Nói về văn hóa cồng chiêng, vấn đề bảo tồn và phát huy loại âm nhạc cổ truyền này gặp phải một số khó khăn như không gian dần thu hẹp, nhạc cụ ngày càng hiếm hoi, ý thức bảo tồn và phát huy của cộng đồng chưa cao, và đặc biệt là tình trạng khan hiếm lớp người kế thừa, trong đó có vấn đề đang vắng dần những nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi! Được biết, hiện nay ở một số làng đã và đang tự phát mở một số lớp truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ do các nghệ nhân cao tuổi phụ trách, chỉ với mục đích để tham gia các chương trình văn nghệ quần chúng mà thôi. Việc làm này có vẻ mang tính nhất thời, chưa có tính bền vững lâu dài. Hơn nữa, các “nghệ nhân nhí” ấy chỉ thuộc được một vài bài chủ yếu để trình diễn chứ chưa có ý thức đi sâu vào nghệ thuật và ý nghĩa giá trị lịch sử - văn hóa của cồng chiêng.
|
Ngày xưa, chàng trai Tây Nguyên nào cũng đánh cồng chiêng rất thông thạo, thường trình diễn vào các sinh hoạt lễ hội lớn trong cộng đồng. Hằng năm, dân làng tổ chức khá nhiều lễ hội, như ăn mừng lúa mới, sửa bến nước, khánh thành nhà rông, mừng chiến thắng (thường thấy trong các sử thi)... Đây chính là nơi, là dịp để văn hóa cồng chiêng thăng hoa.
Từ những lễ hội đó những hình thái văn nghệ dân gian khác cũng xuất hiện qua những bài hát đối đáp giao duyên giữa các chàng trai cô gái, là nơi ra đời những câu ca dao, câu đố, những thành ngữ, tục ngữ... Những lời nói vần điệu ấy đến nay cũng đã rất ít được lưu truyền, do vậy những câu tục ngữ, thành ngữ, những câu nói vần điệu... cũng đang dần hao khuyết trong truyền khẩu và trong trí nhớ mọi người. Có chăng chỉ có thể bắt gặp trong các bộ sưu tập hát kể sử thi.
Lại nói về sử thi Tây Nguyên, trước đây người ta vẫn tưởng chỉ vùng Nam Tây Nguyên (Đăk Nông, Đăk Lăk) mới có, như Dăm San, Xinh Nhã... nổi tiếng. Cũng bởi những bộ sử thi ấy may mắn được phát hiện và phổ biến đầu tiên. Thế nhưng từ năm 2000, các nhà khảo cứu đã ngỡ ngàng khi phát hiện ra ở tỉnh Kon Tum nơi cực Bắc Tây Nguyên mới chính là “cái nôi sử thi” với một khối lượng đồ sộ ngoài sức tưởng tượng. Chủ thể sở hữu văn hóa sử thi ấy là dân tộc Ba Na và Xơ Đăng.
Sử thi là di sản văn hóa phi vật thể đã truyền lại từ rất xa xưa. Sở dĩ nó tồn tại với thời gian lâu dài như thế bởi chứa đựng giá trị nhân văn rất cao, mang tính giáo dục cộng đồng, răn dạy đạo lý làm người, luôn hướng con người biết yêu quý cái tốt, căm ghét cái xấu... Một sử thi hay không chỉ ở nội dung cốt truyện, mà qua cách hát kể của nghệ nhân. Những nghệ nhân tài hoa còn tài tình, khéo léo sử dụng các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao, câu nói vần điệu và lời nói ví von để câu chuyện thêm phần hấp dẫn, khiến người nghe thích thú, say mê, từ đó sử thi trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Bản thân tôi thuở nhỏ cũng đã say mê nghe hát kể sử thi. Hiện nay, nghệ nhân hát kể được sử thi và nhớ, thuộc được nhiều bộ sử thi không còn nhiều, đa phần tuổi tác của họ không còn trẻ nữa. Rồi đây có còn ai là người tiếp tục kế thừa?
Vậy, giải pháp nào để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Tây Nguyên, trong đó có sử thi? Làm thế nào để sử thi trở lại với sinh hoạt của các buôn làng, trở lại vị trí gốc của nó trong đời sống cộng đồng? Vấn đề này đã được nhắc đi nói lại rất nhiều rồi, thoạt nghe tưởng dễ nhưng chẳng dễ chút nào.
Qua đây, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến của mình:
Thứ nhất, cần tu sửa lại nhà rông đúng như truyền thống của mỗi dân tộc để bà con thấy tự hào, có nơi họp hành, bàn bạc các công việc chung của làng, cũng là nơi sinh hoạt của các lễ hội, các hoạt động văn hóa cộng đồng.
Thứ hai, do các bộ cồng chiêng quý ngày càng trở nên khan hiếm và giá cả đắt đỏ, bà con khó có điều kiện mua sắm. Nên chăng khuyến khích lập xưởng chế tác cồng chiêng tại Tây Nguyên để có sự cân bằng giữa cung và cầu.
Thứ ba, tiếp tục duy trì và phát huy các lễ hội vui tươi, lành mạnh, giàu tính nhân văn, như lễ hội mừng năm mới, mừng lúa mới, sửa bến nước, mừng nhà rông mới, đua thuyền độc mộc... đều đặn hơn nữa để bảo lưu truyền thống văn hóa.
Thứ tư, các ngành chức năng quan tâm việc mở các lớp truyền dạy về chế tác nhạc cụ truyền thống, dạy hát kể sử thi và dạy đánh cồng chiêng cho lớp thanh thiếu niên người DTTS. Việc truyền dạy phải theo hướng lâu dài và bền vững. Sau khi đào tạo xong cần có cơ chế, chính sách bảo đảm cho họ có thu nhập thường xuyên hoặc việc làm thuộc ngành văn hóa.
Ngoài ra, cũng cần phát động phong trào toàn dân cùng tham gia sưu tầm, gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.
Tạo lập bộ chữ viết cho những DTTS chưa có chữ viết. Đối với dân tộc đã có chữ viết cần chỉnh lý, hoàn thiện lại cho nhất thống. Các hình thái văn hóa, văn học dân gian là những sáng tác truyền khẩu từ nhân dân và được lưu truyền lại trong dân gian, nếu không có văn tự để ghi chép lại e rằng sự thất thoát và mai một là điều khó tránh khỏi.
A Jar