24/04/2017 08:59
Bình thường khoảng 17h30, lớp cồng chiêng do anh A Thu (41 tuổi) truyền dạy mới bắt đầu nhưng hôm ấy, khi nghe chúng tôi đến, các em cũng phấn khởi có mặt để biểu diễn cho khách xem.
Trong ngôi nhà cấp 4, đội cồng chiêng nhí nhanh chóng tập hợp đội hình, nhịp nhàng theo hướng dẫn của “thầy” A Thu đánh vang bài “Chào mừng quý vị đại biểu”. Trong tiếng cồng chiêng ngân vang, chúng tôi thấy được sự hào hứng, lửa đam mê trong ánh mắt của từng em nhỏ.
“Các em mới học 2 tháng thôi nhưng cũng thành thạo lắm rồi! Thật sự cái bụng mình nó vui vô cùng” – anh Thu phấn khởi khoe.
10 thôn, làng ở Đăk Trăm đa số đều là người Xê Đăng, ấy thế nhưng, đến nay, ngoài đội cồng chiêng “cây cao bóng cả”, trong xã không còn đội cồng chiêng nào kế cận.
“Những cây cao bóng cả trong làng rồi cũng già yếu, lớp trung niên lại chẳng có mấy ai mặn mà với việc đánh cồng chiêng nên mình lo văn hóa cồng chiêng rồi sẽ mai một. Thấy vậy, mình đã chủ động mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho các em nhỏ trong làng. Mình phải tập để các em kế cận cha ông đồng thời hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình” - anh A Thu nói ý định của mình.
Ý nghĩ thôi thúc hành động, trong các buổi họp thôn, anh trình bày ý định đến toàn thể bà con, mong muốn mọi ngừơi động viên, tạo điều kiện cho các em tham gia học đánh cồng chiêng. Là thôn trưởng, người có uy tín trong làng nên ý tưởng của anh Thu được nhiều người ủng hộ.
|
“Chính bản thân tôi nhận thấy việc truyền dạy cồng chiêng là điều cần thiết nên tôi cũng tự nguyện đứng ra cùng A Thu hỗ trợ tập luyện cồng chiêng cho các cháu” – ông A Xiếc, thôn Đăk Rô Gia nói.
Sau khi được thông báo ngày giờ tập luyện, ngày hôm sau, các em nhỏ tập trung tại nhà anh Thu để bắt đầu học. Không có cồng chiêng để truyền dạy nên anh Thu phải mượn bộ cồng chiêng của làng để tập cho các em. Ngoài khoảng sân trước nhà, anh dành một khoảng không gian trong nhà bếp để có chỗ cho các em tập luyện nếu trời mưa bất thường.
Các em nhỏ như một tờ giấy trắng, chưa hiểu gì về nhịp điệu cũng không thuộc các bài hát cổ của người Xê Đăng nên việc tập luyện vô cùng khó khăn và gian nan. Thấy vậy, anh A Thu và ông A Xiếc phải tập cho các em học thuộc các bài hát để hiểu về giai điệu rồi nhờ đội cồng chiêng kì cựu trong làng đến kèm cho từng em đánh.
Thoạt đầu khá nhiều em theo học nhưng vì học cồng chiêng quá khó nên số lượng cứ rơi rớt dần. “Nhiều lúc dạy mãi không được thực sự rất bực nhưng mình vẫn nhẹ nhàng hướng dẫn chứ không dám la mắng gì đâu. Vậy nhưng nhiều em thấy khó quá nên không học, chỉ còn 13 em bám trụ thôi” – anh A Thu nói.
Anh A Thu và ông A Xiếc tiếp tục dạy cho 13 em đánh cồng chiêng. Không còn học bữa đực bữa cái, trước sự tận tâm, nhiệt tình của 2 người thầy, các em nhỏ đã cố gắng đi học chuyên cần. Cứ đúng giờ, các em lại có mặt để tập luyện.
Từ việc còn mới toanh về nhịp về phách, 2 tháng trôi qua, với sự nỗ lực cố gắng của anh Thu, ông Xiếc cũng như sự kiên trì học hỏi của các em nhỏ, đến nay các em đã hiểu được về nhịp phách, tự đánh được những bài chiêng đơn giản.
“Lúc đầu học khó lắm nhưng khi đánh được thì em thấy hứng thú lắm. Bây giờ em thấy âm thanh, giai điệu cồng chiêng hay lắm. Em rất tự hào và sẽ cố gắng học thật tốt để lưu giữ tiếng cồng chiêng. Hi vọng đội cồng chiêng của chúng em sẽ đánh thật hay và được đi lưu diễn như đội cồng chiêng kì cựu trong làng” – em A Minh, học sinh lớp 8 chia sẻ.
Không kể vào mùa hay bận bịu, cứ đến chiều, từ 17h30 đến 19h hàng ngày, anh Thu đều sắp xếp công việc để truyền dạy cồng chiêng cho các em. Anh Thu nói rằng, mỗi một lần dạy cũng là một lần để anh hiểu hơn về giá trị cồng chiêng, là một lần để anh trau dồi, luyện thêm việc đánh cồng chiêng cho bản thân. Và khi truyền được lửa, thấy các em nhỏ say mê học, anh Thu lại khấp khởi trong lòng.
Vậy là giờ đây, bà con Xê Đăng ở xã Đăk Trăm không còn phải lo cảnh lễ hội mừng lúa mới thiếu đi tiếng cồng chiêng, ngày hội làng thiếu đi âm thanh vang vọng của núi rừng. Anh Thu cho biết, hiện tại đội cồng chiêng nhí chỉ mới học và biết đánh thành thạo được 2 bài: Mừng lúa mới và Chào mừng quý vị đại biểu. Trong thời gian đến, đội cồng chiêng “măng non” của anh sẽ cố gắng tập luyện, đánh các bài nhạc cổ của dân tộc Xê Đăng để giữ lại những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Quyết tâm để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang, thế nhưng, trong niềm vui, anh mắt anh Thu vẫn có chút đượm buồn. Nhấp ngụm nước trà, anh trầm ngâm bảo: Khi đánh cồng chiêng phải mặc trang phục truyền thống nhưng mình không có tiền để mua trang phục cho các em nên đành phải để các em mặc đồ thường. Điều đó làm mình trăn trở và khá buồn.
Rời Đăk Rô Gia, tiếng cồng chiêng như vẫn còn vang vọng. Hi vọng, trong nay mai, đội cồng chiêng sẽ được quan tâm, tạo điều kiện để tiếp tục duy trì và phát triển, để tiếng cồng chiêng mãi vang vọng trên những nóc nhà Đăk Rô Gia.
Bình An