06/07/2015 08:20
Dẫn khách đến một ngôi nhà mái ngói ở giữa làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo, anh U Rớp - cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội của xã giới thiệu: Hồi trước, chiêng Buar thiêng có 3 lá được 3 gia đình cất giữ, nhưng bây giờ chỉ còn 2 lá, còn lá kia bị kẻ trộm lấy mất trước năm 2000. Đây là nhà của già Y Jyang, cán bộ về hưu có 40 năm tuổi Đảng, già giữ một lá chiêng gọi là Y Kor".
May mắn cho chúng tôi, bà Y Jyang (70 tuổi) có nhà. Khi chúng tôi ngỏ lời, sau chút ngần ngừ, bà cũng lấy chiếc chiêng và dùi đánh giới thiệu với khách.
Chiếc chiêng có đường kính chừng 30cm, không có núm, cầm trên tay thấy khá nặng. Khi tôi vừa cầm đến dùi đánh chiêng, bà Y Jyang liền nói: Cho sờ thôi, không cho đánh đâu!
|
Tìm hiểu mới biết, vì nể nhà báo lắm bà mới mang chiêng ra giới thiệu, cho chụp ảnh. Bình thường, ngay cả con cái trong nhà cũng không dám tự lấy chiêng ra chứ đừng nói đánh chiêng. U Rớp rỉ tai tôi nói: Ngay cả chủ lá chiêng này cũng không dám tự tiện đánh một tiếng, bởi sẽ bị làng phạt rất nặng. Lúc nãy lấy chiêng ra cũng phải khấn xin chiêng đó.
Cách nhà bà Y Jyang khoảng 500m, vợ chồng U Dộr và Y Uâ (cả 2 cùng 56 tuổi) đang giữ lá chiêng có tên là Y Thiêng. Trưa hôm ấy đến nhà này, tôi cùng U Rớp phải đợi và thuyết phục rất lâu, vợ chồng họ mới đưa chiếc chiêng ra cho xem.
Khi lấy chiêng ra, vợ chồng U Dộr phải làm "thủ tục" xin chiêng. Nhìn bề ngoài, chiếc chiêng này cũng giống chiêng của bà Y Jyang nhưng mang tên khác. Bà Y Uâ kể, nhà có 5 anh em, bà là con út. Khi ba mẹ mất đi, chưa kịp giao chiêng quý cho ai mà Y Uâ đang ở với ba mẹ nên được giữ chiêng này từ năm 17 tuổi. Theo phong tục đồng bào Sơ Đră, chiêng này chỉ giao cho con trai, gái trong nhà, còn dâu và rể thì không được giữ nó, và bước giao chiêng cũng rất cầu kỳ, trong đó có vài điều bí ẩn khó hiểu.
Trò chuyện về bộ chiêng Buar, U Rớp nói: Cha tôi và già làng kể lại rằng, bộ chiêng thiêng Buar này người Sơ Đră xem là báu vật. Một bộ chiêng này vốn có 3 chiếc, ngày xưa phải mua từ 5-10 con trâu, nhưng không phải làng nào cũng may mắn có được. Đến bây giờ, khắp cộng đồng người Sơđră chỉ có làng Kon Rôn còn 2 chiếc mà thôi. Muốn đánh chiêng này, ngay cả chủ lá chiêng chỉ được đánh "lễ" trong lễ tỉa lúa mới, nghĩa là trước khi khai lễ, mang chiêng ra nhưng chỉ đánh vài tiếng rồi cất ngay. Chiêng Buar thường được đánh trong lễ hội Ting Pêng (lễ bắn trâu) - lễ hội lớn nhất của người Sơ Đră. Đây là lễ hội xuất phát từ quan niệm trả nợ thần linh, một khi gia đình hay làng “có của ăn, của để” là lúc phải thực hiện lời hứa trước thần linh nên dân làng thường chuẩn bị cả tháng trời, còn lễ chính thức kéo dài từ 2- 4 ngày. Lúc này mới mang chiêng Buar ra đánh.
Già U Thông (77 tuổi) ở làng Kon Rôn cho biết: Lễ hội Ting Pêng cúng trâu, dê, heo và gà, có khi làm đến mấy con trâu. Trước khi đánh chiêng khai lễ hội, dân làng phải lấy máu của tất cả các vật cúng Yàng rồi bôi lên bộ chiêng này, khấn vái chiêng hãy "ăn" đi, hãy mang lòng thành khẩn của dân làng "nói" với Yàng, phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, không đau ốm bệnh tật, mùa màng tốt tươi.
"Có khi mỗi năm tổ chức một lần, nhưng có khi đến 4-5 năm mới có lễ Ting Pêng, người làng mới thấy được bộ chiêng Buar" - già U Thông nói. "Nếu ai tự tiện mang chiêng ra đánh thì sao?" - tôi băn khoăn. Già U Thông nói chắc nịch: Người Sơ Đră nói không được là không được, vậy thôi. Còn xưa nay từ trẻ đến già, chưa ai dám phạm đến điều thiêng liêng này, nếu có thì phạt theo phong tục vào hàng nặng nhất.
Già U Thông kể tiếp: Trước đây, chỗ cất chiêng chỉ có đàn ông được bước vào, còn đàn bà thì cấm tuyệt đối. Việc truyền chiêng cũng chỉ truyền cho con trai thôi, con gái và người ngoài, kể cả trong dòng tộc cũng không được đâu. Bây giờ phong tục thay đổi rồi, khác xưa ở chỗ chiêng cũng truyền được cho con gái. Người cha trong nhà không phải muốn truyền cho đứa con nào trong nhà cũng được, chỉ có Yàng chọn ai thì người được giữ...
Quan niệm của người Sơ Đră cho rằng, chiêng Buar có "linh hồn", thay mặt cho dân tộc mình, cho làng mình bày tỏ ước nguyện với Yàng. Vì vậy chọn ai giữ chiêng thì phải tuân thủ theo phong tục. Theo đó, cách mà đồng bào Sơ Đră thường sử dụng là đi vào rừng tìm cây lá thuốc (giống như cây nghệ, cũng là một cây thiêng theo quan niệm của người Sơ Đră), đào lấy củ to bằng ngón tay cái mang về và dùng dao (cũng là dao thiêng) chẻ đôi củ thuốc ra. Ngày chọn người giữ chiêng, người cha kêu các con trai lại ngồi giữa sàn nhà, rồi mang củ thuốc ra đi đến trước mặt từng đứa con trai khấn vái. Sau đó người cha thả củ thuốc xuống bàn tay hay sàn chiếu (như cách xin keo của người Kinh), nếu 2 miếng của củ thuốc một sấp, một ngửa rơi vào đứa con trai nào và được cả 3 lần liên tục thì người đó được chọn giữ chiêng Buar.
Ngoài ra còn có cách chọn người giữ chiêng khác là đo sải tay. Già U Thông bảo: Những đứa con trai trong gia đình phải đo sải tay trên nhánh cây danh (cây thiêng) từ mút đầu hai ngón tay giữa. Đo xong thì lấy sợi dây buộc ở đầu mút của 2 ngón tay trên cây này. Sau đó, đo 3 lần, nếu ai hụt hoặc dài hơn sợi dây buộc ở hai đầu mút ban đầu thì bị loại, còn ai đo đúng như thế thì được giữ chiêng.
U Thông kể, cũng đo tại chỗ, không ai dám kéo ra hay sụt vào sợi dây buộc ở hai đầu mút, nhưng có nhiều người đo lại 2-3 lần vẫn không trùng như cũ. Hay như cách chọn người giữ chiêng bằng gang tay cũng thế. Người cha dùng gang tay của mình gang từ mút vai bên phải (hoặc trái) sang đầu mút ngón tay giữa cánh tay trái (hoặc phải) bên kia 3 lần. Nếu cả 3 lần gang đều trùng nhau, không dư ra dù nửa lóng tay thì được chọn, còn lại dư ra dù một tí cũng bị loại. Điều lạ là, cũng một người gang tay, nhưng sau 3 lần như thế lại không trùng nhau giống như cách đo sải tay vậy. Đồng bào Sơ Đră quan niệm đó là do Yàng chọn, không cãi lại được.
Đó chính là những nét độc đáo của bộ chiêng Buar của đồng bào Sơ Đră ở Ngọc Réo đang lưu giữ. Bộ chiêng Buar được đồng bào nơi đây xem như báu vật của dân tộc, của làng, được cất giữ cẩn thận để lưu truyền nét văn hoá độc đáo cho thế hệ sau.
Hà Nam