Để tiếng cồng chiêng mãi vang giữa đại ngàn

13/01/2024 14:01

Khám phá văn hóa cồng chiêng tại huyện Đăk Tô, một trong những địa phương có trên 55% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, tôi được “mục sở thị” những hoạt động của bà con trong việc truyền lửa, giữ gìn văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình, được đắm chìm trong làn điệu cồng chiêng trầm bổng với những cảm nhận sâu sắc, khó phai.

Thời gian gần đây, thôn Kon Tu Dốp 2 (xã Pô Kô) trở nên rộn ràng, nhộn nhịp đến lạ. Sáng Chủ nhật hằng tuần, mọi người lại tập trung về nhà rông của thôn, cùng nhau đánh những bài chiêng, múa những điệu xoang truyền thống của người Xơ Đăng. Từ lớp người già, những người trung niên cho đến lũ trẻ, không phân biệt tuổi tác, ai cũng có thể tham gia học đánh cồng chiêng. Trong không khí rộn ràng, tươi vui, mọi người đều hết sức nhiệt tình tập luyện, ai cũng mong muốn mình có thể đánh được những bài chiêng hay, ngân vang và trầm bổng.

Từ lời tâm sự của ông A Dân - thành viên đội cồng chiêng thôn Kon Tu Dốp 2, tôi biết được, vài năm trở lại đây, bộ cồng chiêng cũ của thôn đã hỏng nhiều, không thể chỉnh được nữa. Cũng từ đó, thôn thiếu vắng tiếng cồng chiêng. Vào các dịp lễ hội hay ngày trọng đại, thôn phải đi mượn cồng chiêng từ nơi khác về.

Cồng chiêng gắn liền với đời sống bà con đồng bào DTTS tại Tây Nguyên đại ngàn. Ảnh: TT 

 

Trước tình cảnh đó, vào tháng 6/2023 vừa qua, bà con thôn Kon Tu Dốp 2 đã góp được 17 triệu đồng, rồi cử những người có uy tín, am hiểu về chiêng đến xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) đặt mua một bộ cồng chiêng mới. Sau hơn 1 tháng chờ đợi, bộ cồng chiêng mới đã về đến thôn trong niềm vui sướng, hạnh phúc của bà con. Cũng từ đó mọi người trong thôn nỗ lực tập đánh cồng chiêng.

Từ tháng 7 đến nay, dù mới chỉ vỏn vẹn vài tháng tập luyện, nhưng khả năng đánh chiêng của bà con thôn Kon Tu Dốp 2 ngày một nâng cao, phong trào cồng chiêng vì thế cũng phát triển mạnh. Thôn đã thành lập được đội cồng chiêng và múa xoang riêng, với gần 30 người đăng ký tham gia. Vào Chủ nhật hằng tuần, sau khi công việc đồng áng, ruộng rẫy đã xong, Đội cồng chiêng thôn Kon Tu Dốp 2 lại tập trung, hướng dẫn bà con và lớp trẻ trong thôn luyện tập các bài cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình.

Tùng cheng… Tùng cheng… Tùng cheng… Nhịp cồng chiêng trầm bổng cứ thế vang vọng núi rừng. Không gian tĩnh mịch càng làm cho tiếng cồng chiêng thêm ngân dài, ngân xa tựa như một bản hòa ca của đại ngàn. Lẳng lặng quan sát, tôi có thể cảm thấy niềm hạnh phúc, sự say mê thể hiện rõ trên từng nét mặt của các thành viên trong đội cồng chiêng thôn khi thể hiện các bài cồng chiêng.

Sau khi kết thúc bài cồng chiêng, ông A Vinh (một thành viên của đội cồng chiêng thôn Kon Tu Dốp 2) vui vẻ chia sẻ với tôi: Nhà báo thấy bài cồng chiêng vừa rồi thế nào. Đây là bài “Chào khách” chúng tôi đã từng đánh vào dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc dịp vừa rồi. Ngoài “Chào khách”, bà con Xơ Đăng chúng tôi còn có nhiều bài chiêng khác như “Mừng lúa mới”, “Mừng nhà rông”, “Lên rẫy”. Đa phần các bài cồng chiêng gắn liền với đời sống hàng ngày của bà con, vì vậy nghe rất gần gũi. Trải qua nhiều thế hệ, nhịp cồng chiêng luôn truyền nhiệt huyết, sức sống mạnh mẽ vào tâm hồn mỗi người dân nơi đây.

Ông A Vinh cho biết, tùy vào mỗi bài cồng chiêng, mà nhịp điệu, tiết tấu sẽ được thể hiện khác nhau. Có những bài dồn dập, sôi động, hùng tráng cùng với sự ngẫu hứng cao độ; lại có những bài nhẹ nhàng, chậm rãi cuốn hút người nghe từ lúc nào cũng không hay.

Lớp trẻ trong làng tham gia học đánh cồng chiêng. Ảnh: TT 

 

Để tìm hiểu rõ hơn về văn hóa cồng chiêng ở vùng đất này, tôi tiếp tục tìm đến thôn Đăk Rơ Gia (xã Đăk Trăm) gặp gỡ nghệ nhân A Thu – một người cũng rất am hiểu về văn hóa cồng chiêng. Sau đôi lời chào hỏi, nghệ nhân A Thu đưa tôi đi xem những bộ cồng chiêng được treo trong nhà.

Vừa đi, nghệ nhân A Thu vừa xởi lởi trò chuyện. Ông cho biết, từ xa xưa, tiếng cồng, tiếng chiêng đã hiện diện ở khắp mọi mặt trong đời sống của đồng bào DTTS nói chung và người Xơ Đăng nói riêng. Tiếng cồng chiêng gắn liền với mỗi người kể từ khi sinh ra, trưởng thành và cả khi mất đi. Nhờ tiếng cồng, tiếng chiêng xua đuổi chim, con thú để bảo vệ mùa màng. Nhờ đó, bà con được no cái bụng, được sinh sống, phát triển trên mảnh đất này. Trong các lễ hội, cồng chiêng là vật thiêng, là công cụ giao tiếp giữa con người và Giàng, chỗ dựa tinh thần để bà con gửi gắm đến Giàng mong ước một cuộc sống sung túc, khỏe mạnh và ấm no.

Để bảo tồn sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa cồng chiêng trên địa bàn, những năm qua, huyện Đăk Tô đã thực hiện nhiều chủ trương, hành động cụ thể. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có 54 bộ cồng chiêng;  18/36 thôn đồng bào DTTS có bộ cồng chiêng tập thể, 15 thôn chưa có cồng chiêng tập thể nhưng có cồng chiêng của hộ gia đình, chỉ còn lại 3 thôn chưa có cồng chiêng (thôn Đăk Tông, xã Ngọk Tụ; thôn Đăk Mông, xã Đăk Trăm; thôn Măng Rương, xã Văn Lem).

Trong năm 2021, 2022, UBND huyện Đăk Tô đã cấp 12 bộ cồng chiêng cho các thôn đồng bào DTTS chưa có cồng chiêng trên địa bàn huyện. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các đơn vị liên quan mở 01 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang cho 35 học viên tại thôn Đăk Lung; mở 3 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 60 học viên tại xã Đăk Trăm (thôn Tê Pên và thôn Tê Pheo).

Ông Sa Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Trong năm 2023, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ 3 bộ cồng chiêng, trống cho các thôn đồng bào DTTS không có cồng chiêng tại các xã Đăk Trăm, Ngọk Tụ và Diên Bình. Địa phương tổ chức 1 lớp truyền dạy về kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng; 1 lớp kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, xoang và các bài chiêng truyền thống cho các thôn đồng bào  DTTS nhằm thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng một cách hiệu quả và đồng bộ.

Tin tưởng rằng với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, của đồng bào các DTTS, tiếng cồng, tiếng chiêng - thanh âm đại ngàn sẽ ngân vang mãi./.

Tất Thành

Chuyên mục khác