Để thị trường du lịch homestay phát triển bền vững

15/10/2019 06:01

Những năm gần đây, trên địa bàn Kon Tum bắt đầu xuất hiện loại hình du lịch homestay. Loại hình du lịch này bước đầu thu hút đông đảo các bạn trẻ, khách du lịch tìm đến trải nghiệm. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ du lịch trải nghiệm này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để có cơ hội phát triển bền vững.

Homestay là một loại hình lưu trú tại nhà dân bản địa khi đi du lịch. Homestay được hiểu đơn giản hơn đó là “du lịch xanh”, thích hợp với những ai thích đi du lịch và trải nghiệm văn hóa ở những vùng đất mới.

Với Kon Tum, có lợi thế về phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ, đời sống thường nhật bình dị với những nét phong tục tập quán, văn hóa bản địa của đồng bào các DTTS trên địa bàn còn giữ bản sắc nguyên sơ, tạo nên sức hút đối với đông đảo khách du lịch đam mê khám phá văn hóa bản địa - nơi mà họ đặt chân tới. So với các loại hình du lịch khác, thì du lịch homestay dù còn mới mẻ, nhưng đang đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân, góp phần giảm nghèo và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Chị Đặng Thị Thúy Kiều (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) cho biết, sau thời gian hợp tác cùng các công ty lữ hành, chị nhận thấy nhu cầu du lịch trải nghiệm văn hóa của du khách ngày càng lớn, nên đã đầu tư xây dựng quán cà phê kết hợp homestay Làng Hồ ngay trong sân vườn với những chòi nhỏ mang dáng dấp của nhà sàn. Tại homestay này, ngoài ăn, ở, du khách còn có thể trải nghiệm việc làm tranh gạo cùng chủ nhà, cùng trải nghiệm, khám phá làng du lịch Kon K’tu và sông Đăk Bla…

Homestay Nhà Suối ở phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum là một địa chỉ được cộng đồng du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ ưa chuộng. Ban đầu, homestay này được một nhóm bạn trẻ Kon Tum xây dựng làm nơi gặp gỡ của những người có cùng đam mê du lịch. Lâu dần, “tiếng lành đồn xa” được mọi người giới thiệu về những nét thú vị khi đến đây, thế là khách du lịch từ các tỉnh thành tìm đến Nhà Suối vừa để lưu trú, vừa để hòa mình với không gian thiên nhiên.

Chị Lê Trang, chủ homestay Nhà Suối cho hay: Nhóm của mình yêu thích du lịch và đã đi du lịch nhiều nơi. Trong quá trình du lịch, khám phá, chúng mình cảm thấy rất yêu thích mảnh đất Kon Tum này nên xây dựng một nơi mà mọi người có thể tụ tập, vui chơi mỗi cuối tuần…

Một góc homestay Làng Hồ. Ảnh: Internet   

 

Anh Đinh Su Giang ở Măng Đen cho biết: Trên địa bàn huyện Kon Plông có Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring. Tuy mới bước đầu đưa vào hoạt động nhưng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng này đã thu hút nhiều du khách đến đây. Ai nấy đều trầm trồ khen ngợi khi thấy một làng du lịch của đồng bào dân tộc Tây Nguyên ẩn hiện dưới những cánh rừng thông vi vu trong gió. Nơi đây, thực hiện tốt quy chế hoạt động điểm du lịch cộng đồng và tổ chức tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt ý thức bảo vệ vệ sinh môi trường đường làng, hộ gia đình, cá nhân theo đúng tiêu chí của làng văn hóa du lịch cộng đồng, đồng thời vận động nhân dân cải tạo nhà ở để đón khách du lịch lưu trú.

“Hệ thống lễ hội của người dân tộc Xơ Đăng ở đây diễn ra quanh năm, trong đó phải kể đến lễ gieo mạ, lễ hội máng nước, lễ ăn lúa mới, lễ đóng cửa kho lúa, lễ hội mừng nhà rông... Giờ đây, dân làng đang dần quen với du lịch homestay, ý thức được làm du lịch cộng đồng là nguồn thu nhập chính. Việc người dân cùng tham gia làm du lịch, giới thiệu các địa điểm sẽ giúp du khách thoải mái hơn, được chia sẻ, trải nghiệm nơi hoang vu của núi rừng…” - anh Đinh Su Giang say sưa giới thiệu với chúng tôi về những trải nghiệm khi đến với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring.

Có thể nói, mô hình du lịch homestay đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho dịch vụ lưu trú tại điểm đến du lịch. Với những tour du lịch như thế này, du khách không cần thuê hướng dẫn viên bởi chủ các cơ sở homestay sẵn lòng đưa du khách tìm hiểu về đời sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào DTTS Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Giẻ Triêng… và trải nghiệm những món ăn mang đậm phong vị của người địa phương.

Tuy nhiên, các cơ sở homestay còn phải cạnh tranh với các khách sạn, nhà nghỉ cũng đang mọc lên nhiều tại Kon Tum. Trong khi nguồn cung nhiều nhưng du khách thì có hạn, vì vậy, để tồn tại, buộc các chủ homestay đôi khi phải “đại hạ giá”. Có cơ sở chưa đạt yêu cầu vẫn treo biển “Homestay”…

Anh Trần Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Ở đây yên tĩnh, mộc mạc và mình có thể tự làm mọi thứ mình thích và khám phá những cảnh đẹp, nét văn hóa đặc sắc của người đồng bào nơi đây là điều thú vị đối với bất kỳ du khách nào. Còn gì hơn khi khách được cùng ăn, cùng ở, giao lưu, trải nghiệm cuộc sống với người dân địa phương, được khám phá thiên nhiên hoang sơ. Nhưng khách quan mà nói, những homestay nơi đây thực chất mới chỉ là các cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú giá rẻ. Các ứng dụng di động chưa được đầu tư nhằm cải thiện chất lượng thông tin và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cho khách du lịch…

Khi màn đêm buông xuống tại homestay Nhà Suối . Ảnh: Tất Thành   

 

Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Kon Tum cho biết: Việc xuất hiện loại hình lưu trú công cộng homestay không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh mà còn giúp giải quyết việc làm, tạo được sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do còn mới nên loại hình du lịch này vẫn chưa đạt được tính chuyên nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ quan tâm hơn nữa về du lịch cộng đồng để có những hỗ trợ và đầu tư hợp lý.

Trên thực tế, các homestay tại Kon Tum mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các làng văn hóa du lịch còn đơn điệu, cơ sở vật chất để phục vụ du khách còn chưa được đầu tư bài bản và còn thiếu đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Du lịch cộng đồng ở Kon Tum hiện mới chỉ ở bước lưu trú qua đêm, thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn nghệ. Bên cạnh đó, các sản phẩm quà lưu niệm chủ yếu là các nông sản, dược liệu mới chỉ qua sơ chế của địa phương. Chính vì vậy, muốn du lịch cộng đồng nói riêng, ngành du lịch nói chung phát triển bền vững, cần có những đầu tư bài bản, dài hơi, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.  

Tính đến nay, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh có 142 khách sạn, nhà nghỉ với khoảng 2.000 phòng. Trong đó, có 1 khách sạn đạt hạng tiêu chuẩn 3 sao, 8 khách sạn đạt hạng tiêu chuẩn 2 sao, 54 khách sạn đạt hạng tiêu chuẩn 1 sao và 79 nhà nghỉ du lịch.    

Dương Lê

Chuyên mục khác