Để cồng chiêng ngân mãi

27/01/2023 13:31

Khi tiết trời dần se lạnh, những cơn gió hanh hao thi nhau mơn trớn, lay động những bụi hoa cúc quỳ vàng rực rỡ, ấy cũng là dấu hiệu của một mùa Xuân mới đã đến với mọi người, mọi nhà. Ở thôn Tê Rông, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô), trong thời điểm chộn rộn, háo hức ấy, dưới mái nhà rông của làng, hàng chục bạn trẻ vẫn say sưa tập luyện. Tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, ngân vang.

Màn đêm dần buông, rừng núi Tê Rông đang yên ả, lắng đọng bỗng rộn vang tiếng cồng chiêng. Đêm nay, lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ của làng được tổ chức ở nhà rông có khá đông người tham gia, khoảng 30 người, từ trẻ em tầm 9, 10 tuổi đến các thanh niên. Mọi người chăm chú lắng nghe, quan sát từng động tác của người hướng dẫn. Truyền dạy cách đánh, cũng như cách phối hợp hoà âm cồng, chiêng là già làng, nghệ nhân và những người có kinh nghiệm của làng. 

Nhấp vài ngụm nước khi giải lao, ông A De, một trong những người lớn tuổi trong làng tham gia truyền dạy cồng chiêng chia sẻ với chúng tôi: Cồng chiêng là nhạc cụ cổ truyền có tính cộng đồng. Từ bao đời nay, tiếng cồng, tiếng chiêng không thể thiếu trong đời sống của người Xơ Đăng. Nó gần như gắn liền với tất cả sự kiện của cả một đời người. Tiếng chiêng hòa lẫn trong tiếng khóc chào đời của em bé. Tiếng chiêng vui tươi, náo nhiệt trong ngày cưới. Tiếng chiêng buồn thương báo hiệu có người vừa mất.

Ông A De điều chỉnh từng động tác đánh chiêng cho lớp trẻ. Ảnh: TT

 

Ở thôn Tê Rông, những lớp học cồng chiêng truyền dạy cho thế hệ trẻ luôn được duy trì. Tham gia truyền dạy là sự phối hợp của cả một tập thể, bao gồm già làng, ban công tác Mặt trận thôn, đội trưởng, đội phó đội cồng chiêng của thôn. Mỗi tuần khoảng 3 - 4 buổi, ban ngày mọi người lên rẫy làm lụng, tối đến lại tập trung dưới nếp nhà rông để dạy dỗ, hướng dẫn lớp trẻ.

Em A Nớt (thôn Tê Rông) chia sẻ: Được già làng và bố mẹ động viên đi học lớp cồng chiêng, con đã đăng ký tham gia. Trong thời gian học tập, con ngày càng cảm thấy thích cồng chiêng hơn. Con yêu từng điệu múa, từng nhịp cồng, nhịp chiêng, yêu cả những ánh lửa bập bùng dưới nếp nhà rông trong mỗi buổi tập. Con sẽ cố gắng học thật chăm chỉ để góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Theo ông A De, cồng chiêng là tiếng nói tâm hồn người Xơ Đăng. Cồng chiêng có thể diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống lao động và sinh hoạt của cộng đồng. Chính vì gắn bó mật thiết như vậy, người Xơ Đăng tiếp thu và học tập cồng chiêng rất nhanh. Đối với những người có khiếu, chỉ cần khoảng 2 tháng tiếp cận là có thể nắm rõ những kỹ thuật cơ bản, có thể thực hành được cách đánh chiêng, cách phân nhịp điệu để tạo ra những âm thanh trầm bổng, phù hợp. Cứ thế, luyện đến khi tay đã dẻo, tai đã tinh, lúc đó có thể học các bài chiêng truyền thống như mừng lá lúa, mừng lúa mới, bắc máng nước.

Song song với các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, thôn Tê Rông còn tổ chức dạy múa xoang. “Hàng tuần vào các buổi tối thứ 2, thứ 3, thứ 4, các cô trong đội múa xoang của thôn sẽ đến nhà rông dạy cho chúng em. Ban đầu em cảm thấy múa xoang rất khó, bởi các động tác đều yêu cầu phải thật dẻo, kỹ thuật cao. Đến nay, sau khoảng 3 tháng học tập, hầu như cả lớp đã nắm được những động tác cơ bản, nhớ được nhiều bài múa”- Y Sang (thôn Tê Rông) vui vẻ trò chuyện.

Thế hệ trẻ kế thừa văn hóa truyền thống cồng chiêng, xoang. Ảnh: TT

 

Nhờ sự chăm chút lan tỏa văn hóa cồng chiêng đến thế hệ trẻ trong thôn làng, nên đội cồng chiêng thôn Tê Rông luôn có sự kế thừa và duy trì đều đặn. Đội đã đạt nhiều thành tích nổi bật tại các chương trình biểu diễn cồng chiêng của địa phương. Gần đây nhất, tháng 10/2022, đội cồng chiêng thôn Tê Rông đạt giải Ba tại Hội thi Cồng chiêng, xoang các DTTS lần thứ I của huyện Đăk Tô.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ thôn Tê Rông, mà còn nhiều thôn làng khác trên địa bàn huyện Đăk Tô cũng duy trì tốt việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa cồng chiêng. Bên cạnh đó, UBND huyện Đăk Tô cũng hết sức quan tâm, triển khai nhiều nội dung, chương trình, hoạt động nhằm phát huy và kế thừa văn hóa cồng chiêng tại các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Ông Sa Phương- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô thông tin, hiện nay trong 38 thôn, làng đồng bào DTTS trên toàn huyện có 54 bộ cồng chiêng; trong đó có 15 bộ cồng chiêng tập thể và 39 bộ cồng chiêng của các cá nhân. Toàn huyện có 30 đội cồng chiêng quần chúng và 5 nghệ nhân ưu tú.

Trong những năm qua, UBND huyện Đăk Tô đã phối hợp với các ngành liên quan trao 12 bộ cồng chiêng cho các xã Tân Cảnh, Kon Đào, Đăk Rơ Nga, Văn Lem, Đăk Trăm; chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với UBND các xã và các nghệ nhân mở 8 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, xoang, thu hút gần 150 học viên tham gia. Nhiều học viên đã trở thành những hạt nhân nòng cốt, hình thành những đội cồng chiêng hoạt động tích cực ở các thôn, làng.

Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của cộng đồng, bên ngọn lửa bập bùng của nhà rông, những âm điệu cồng chiêng vẫn rộn rã, ngân vang, thôi thúc mọi người cùng đoàn kết chung tay xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc./.

Tất Thành

Chuyên mục khác