24/06/2023 06:19
Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: “Nhà rông là một trong những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các DTTS của tỉnh ta. Việc bảo tồn, phục dựng nhà rông văn hóa hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho các di sản, giá trị văn hóa gắn liền với nhà rông được gìn giữ, phát huy. Trong đó, đặc biệt là những giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghề truyền thống, tín ngưỡng dân gian, cồng chiêng, múa xoang...”.
Thời gian qua, để khôi phục, xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống, tỉnh ta lồng ghép nhiều nguồn lực, ban hành danh mục đầu tư theo cơ chế đặc thù đối với nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, làng (gồm nhà rông, nhà sàn truyền thống) và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tối đa 95% nguồn lực đối với xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn và tối đa 90% đối với các xã, thôn còn lại.
Hàng năm, căn cứ vào nguồn vốn được phân bổ, các địa phương cân đối thêm ngân sách địa phương, chủ động triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 409 làng có nhà rông với 434 nhà rông; trong đó có 182 nhà rông làm bằng vật liệu truyền thống, 252 nhà rông làm bằng vật liệu bán truyền thống, vật liệu hiện đại; hỗ trợ xây mới 2 nhà rông, sửa chữa 14 nhà rông. Nhiều địa phương triển khai thực hiện việc bảo tồn, phục hồi nhà rông truyền thống đạt hiệu quả cao, một số huyện đạt tỷ lệ 100% thôn/làng đồng bào DTTS có nhà rông là huyện Sa Thầy, Tu Mơ Rông và Kon Rẫy; trong đó, huyện Kon Rẫy đạt tỷ lệ 100% nhà rông làm hoàn toàn bằng nguyên vật liệu truyền thống.
|
Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn liền với “không gian văn hóa nhà rông” được đẩy mạnh, vừa góp phần phục hồi, gìn giữ các giá trị truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS tại chỗ, vừa làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Các hoạt động sinh hoạt văn hóa gắn liền với nhà rông được duy trì như tổ chức lễ hội truyền thống; sinh hoạt dân ca, dân vũ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân, phát huy vai trò của nhà rông trong đời sống cộng đồng.
Ngoài ra, công tác phát triển nguồn nguyên liệu xây dựng nhà rông được đẩy mạnh, đảm bảo nhà rông được xây dựng đúng với bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc và của từng làng. Đặc biệt, chú trọng việc sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có, tại chỗ như gỗ, tranh, tre, nứa, lá để xây dựng nhà rông đảm bảo theo kiến trúc truyền thống.
Đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc lựa chọn và khoanh vùng để phát triển nguồn nguyên vật liệu truyền thống xây dựng nhà rông gắn liền với công tác bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững đáp ứng nhu cầu cho việc sửa chữa nhà rông khi bị xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, có thể kể đến huyện Đăk Glei là địa phương tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ này, đã quy hoạch 4 vị trí phát triển vùng nguyên liệu cỏ tranh; 5 vị trí quy hoạch nguyên liệu mây, tre nứa.
Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc khôi phục, xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Trong đó, đặc biệt là vẫn còn tình trạng sử dụng vật liệu hiện đại để xây dựng nhà rông, một số ít nhà rông không giữ được kiến trúc, kết cấu truyền thống. Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ đồng bào chưa thật sự quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà rông; lực lượng nghệ nhân dân gian am hiểu về văn hóa nhà rông ngày càng ít, thiếu đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận.
Ông Phan Văn Hoàng cho biết: “Có thể nhận định, đến nay công tác bảo tồn, phục dựng, khôi phục nhà rông truyền thống của tỉnh đã đi đúng hướng và đạt nhiều kết quả tích cực. Thời gian tới, ngành VH,TT&DL sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch nâng cao hơn nữa hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nhà rông truyền thống các DTTS trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”.
Hoàng Thanh