29/01/2017 14:54
Từ học tiếng Anh…
Từ tháng 4 đến nay, cứ vào ngày thứ 2, thứ 5 hàng tuần, hôm nào cũng vậy, anh A Lái ở thôn 1, xã Đăk Pne cố gắng xong sớm việc rẫy, ăn cơm sớm để đúng 18h30 -20h có mặt tại lớp học tiếng Anh.
Từ nhà đến lớp học (trụ sở xã) mất 4-5 cây số, nhưng anh A Lái chẳng nề hà vì xa, vì đêm tối, vì cả ngày đi làm mệt nhọc… Vậy là, ngày tay cày, tay cuốc; tối về, anh lại tay vở, tay bút chăm chỉ với những cụm từ mới, những mẫu câu tiếng Anh mới.
Không bỏ sót buổi học nào, anh trở thành học viên tích cực ở lớp học tiếng Anh do cô Y Bê – giáo viên Trường PTDTBT THCS Đăk Pne đứng lớp. Hết học lớp đợt 1 (tháng 4, 5, 6) được tổ chức ở nhà rông, đến khi xã mở lớp đợt 2 (từ tháng 11 đến nay) học ngay tại trụ sở UBND xã, anh A Lái tiếp tục đăng ký học thêm.
Anh A Lái bảo rằng, mới đầu khi cán bộ thôn vận động đăng ký tham gia, nói thật cũng nản lắm. Nhưng rồi, cứ đi xem thử thế nào, một buổi, hai buổi… dần dần mê luôn khi nào chẳng hay.
“Giờ thì tôi đã giao tiếp được cơ bản, còn chào, mời, giới thiệu về phong tục tập quán người Ba Na, phong cảnh Đăk Pne, về gia đình mình… thì làu làu rồi. Vốn liếng tiếng Anh có được này, tôi nghĩ, tới đây, khi đề án phát triển du lịch sinh thái lòng hồ của xã thành hiện thực, sẽ giúp cho gia đình tôi có thêm thu nhập” - A Lái bộc bạch.
Có riêng gì anh A Lái, nhiều người dân, cán bộ xã Đăk Pne, ngày thì bận rộn mưu sinh, tối đến tranh thủ đến lớp học tiếng Anh giao tiếp.
Hôm chúng tôi đến, lớp học có khoảng 15 học viên và khi được cô giáo Y Bê gợi ý, tất cả cùng đồng thanh: hê lâu (hello – xin chào), hao a diu (how are you – Bạn có khỏe không?), goe a diu phờ rôm (where are you from – bạn từ đâu đến)… một cách hào hứng.
Cô Bê nói rằng, đối tượng học nhiều lứa tuổi, nhiều trình độ nên cô cũng phải có cách dạy đặc biệt. “Mỗi lớp đăng ký 20 người nhưng duy trì thường xuyên khoảng 15 người. Dạy giao tiếp là chủ yếu nên tôi thường mở máy tính cho bà con nghe người bản xứ nói, hướng dẫn giao tiếp theo cặp để giới thiệu về phong tục tập quán, các món ăn của người Ba Na, phong cảnh... Nói thì đơn giản là thế nhưng nói thật cũng có những điểm khó, từ cơ sở vật chất, ý thức học tập cho đến việc bà con trình độ không đồng đều nên khó tiếp thu” – cô Bê chia sẻ.
Cũng như ở xã như Đăk Pne, xã Tân Lập mở lớp dạy tiếng Anh ngay ở làng Kon Brắp Du – làng du lịch cộng đồng “có tiếng” lâu nay của huyện, của tỉnh. Dù số lượng học viên không đông bằng ở xã Đăk Pne, chỉ duy trì thường xuyên được khoảng 10 người nhưng bà con cũng hết sức hào hứng khi được hai cô giáo tiếng Anh ở các trường học trên địa bàn xã đứng lớp truyền dạy.
|
Già A Ring Đeng phấn khởi mà nói rằng: Ngôn ngữ là chìa khóa giao tiếp, có lớp học tiếng Anh cho bà con ngay ở làng để phát triển du lịch cộng đồng thì còn gì bằng. Mỗi năm, làng đón hàng chục đoàn khách người nước ngoài đến, chỉ riêng năm 2016 có tới 11 đoàn với gần 100 khách. Từ lớp học được tiếng Anh giao tiếp, già có thể trao đổi trực tiếp với khách một số câu thông dụng mà không phải chờ đến thông dịch viên.
… Đến học cồng chiêng, múa xoang
Nhưng, để Kon Rẫy có thể phát triển được du lịch thì không chỉ mỗi dạy tiếng Anh. Già A Ring Đeng bảo rằng, trước giờ, bà con chỉ sống với nhà rông, nhà sàn, cồng chiêng, múa xoang… mộc mạc như cỏ như cây trong sân, ngoài rẫy. Nhưng để những điều ấy trở thành nét đẹp thực sự thu hút khách du lịch thì phải giữ, phải chăm.
Vậy là, người thì học tiếng Anh, người thì tham gia học các lớp cồng chiêng, múa xoang. Già A Ring Đeng trực tiếp đi vận động thanh thiếu niên trong làng thành lập đội cồng chiêng, múa xoang do chính già đứng ra truyền dạy. Không chỉ vui trong cộng đồng làng, đội cồng chiêng, xoang của làng dưới dự dẫn dắt của già còn biểu diễn khi có các đoàn khách đến thăm đã để lại ấn tượng đẹp bởi sự công phu, tỉ mỉ.
Còn ở làng Kon Ktủh, thôn 11, xã Đăk Ruồng, ngay trong năm 2016 đã mở được 2 lớp dạy cồng chiêng, múa xoang. Già A Blếch kể rằng, ngày trước, làng có rất nhiều người biết đánh cồng, chiêng nhưng nay hầu hết đã lớn tuổi, nhiều người lần lượt về với tổ tiên.
Không để bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một, tháng 6/2016, khi nghe cô Y Thúy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (có 1 điểm trường ở làng Kon Ktủh) nhờ dạy cồng chiêng, già Blếch liền nhiệt tình hưởng ứng.
Vậy là, các buổi chiều, buổi tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, tại nhà rông làng Kon Ktủh lại rộn ràng, náo nhiệt. Già A Blếch tận tình truyền nhiệt huyết, chỉ dạy các em nam đánh từng nhịp chiêng, nhịp cồng. Cô Y Liễu, làng Kon Ktủh truyền lửa truyền thống cho các em nữ qua từng điệu xoang.
Không chỉ truyền dạy cho các em học sinh, để giữ gìn văn hóa truyền thống và để tiếng cồng, tiếng chiêng trở thành điểm nhấn thu hút du khách từ nhiều nơi đến với Đăk Ruồng, già A Blếch cùng với những nghệ nhân khác truyền dạy cồng chiêng cho đàn ông trong làng.
Như anh A Đê, dù đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà nhưng vẫn tranh thủ để học đánh cồng, chiêng. Anh bảo rằng, sẽ chăm chỉ học đánh cồng chiêng vừa để bảo tồn văn hóa dân tộc vừa giúp cho làng có thêm thu nhập từ các buổi biểu diễn phục vụ du khách nữa.
“Đón đầu” để phát triển
Ông Huỳnh Minh Chương – Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho rằng: Có hai lý do để du lịch Kon Rẫy “hút khách”, đặc biệt là khách nước ngoài. Đó chính là độ che phủ rừng cao và lưu giữ được sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa các dân tộc tại chỗ. Thực tế là hàng năm, trên địa bàn huyện đã đón hàng chục đoàn khách nước ngoài đến các làng du lịch cộng đồng.
Nhưng, biến tiềm năng thành cơ hội lại là chuyện khác. Vì cho đến hiện nay, xúc tiến đầu tư du lịch để phát triển du lịch ở huyện Kon Rẫy vẫn còn khá mới mẻ. Ông Chương nói: Bởi vậy, từ lợi thế, tiềm năng của huyện, chúng tôi xác định, để có thể phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đề án thì chúng tôi đã ban hành từ cuối năm 2015, nhưng mọi chuyện không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Việc dễ, việc cần, chúng tôi bắt tay vào thực hiện trước.
Cũng theo ông Chương, để du lịch phát triển bền vững trước hết phải có sự tham gia, sự vào cuộc của người dân và chính họ phải được hưởng lợi. Dạy tiếng Anh, dạy cồng chiêng, múa xoang cho bà con không ngoài mục đích “đón đầu” phát triển du lịch là vậy-
“Tất nhiên, vì mới triển khai nên việc mở các lớp học vẫn còn những khó khăn nhất định. Nhưng, chúng tôi tin rằng, rồi đây mọi việc sẽ suôn sẻ hơn và bà con cũng có chút “vốn liếng” tiếng Anh làm hành trang cần thiết để chủ động tiếp cận với du khách; có thêm thu nhập từ những đội hình cồng chiêng, xoang phục vụ du khách một cách bài bản” - ông Chương bày tỏ.
Chia tay những người dân Kon Rẫy hồn hậu, mến khách, trên đường về, những nếp nhà sàn vẫn nguyên vẹn, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ trải dài miên man trên những triền đồi, dọc theo những con đường… báo hiệu một mùa xuân mới đang về.
Và, chúng tôi hiểu rằng, với những gì mà thiên nhiên ban tặng, cộng với việc bà con được học nói, được học cách tôn vinh văn hóa và được trở thành chủ thể trong phát triển du lịch…, Kon Rẫy sẽ có thêm nhiều cơ hội để trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Kon Tum.
Liễu Hạnh – Hoài Tiến