11/10/2016 08:59
Việt Nam ta có 194 loài tre nứa, thuộc 26 họ với nhiều tên gọi khác nhau, mật độ đứng thứ 4 thế giới. Do vậy, rất nhiều vật dụng phục vụ đời sống thường nhật của con người được chế tác từ tre nứa, trong đó có các loại hình nhạc cụ.
Lồ ô là tên gọi một loài tre nứa ở núi rừng Tây Nguyên. Từ lồ ô, bà con DTTS tại chỗ đã chế tác ra nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Đàn klông pút là một trong số ấy. So với đàn tơ rưng thì klông pút có vẻ… “kém duyên” hơn tơ rưng một tí vì ít được đem ra biểu diễn và thưởng thức một cách phổ biến như lâu nay.
|
Ống lồ ô dùng để làm đàn klông pút thường to hơn ống đàn tơ rưng. Những ống lồ ô của đàn tơ rưng được cột liền nhau treo cao thành hình cánh võng để người chơi đứng thẳng lưng cầm dùi nhỏ gõ vào thân ống, còn đàn klông pút cũng cột ghép nhiều ống lồ ô nhưng neo trên một khung giàn cố định đặt thấp. Khi chơi, người chơi đứng lom khom, hai bàn tay khum kín các ngón lại và vỗ đều vào nhau trước các đầu ống lồ ô để hơi gió lọt vào ống tạo thành âm thanh, tùy theo độ dài ngắn của ống mà bổng trầm, trong đục.
Vì vậy, chơi đàn tơ rưng thì gọi là “gõ đàn”, còn chơi đàn klông pút thì gọi là “vỗ đàn”. Mà “vỗ đàn” cũng chưa chuẩn! Gõ, gảy… là có tác động trực tiếp vào dây hoặc thân đàn, đằng này chỉ vỗ khơi khơi bên ngoài đầu ống để đưa hơi gió vào ruột ống, chứ không hề đụng chạm gì vào đàn cả.
Vì vậy, vỗ đàn klông pút là cả một kỹ thuật và nghệ thuật. Người chơi phải khum hai bàn tay sao cho vừa khít kín để khi vỗ chụp vào nhau tí hơi gió ít ỏi không lọt ra ngoài mà phải lọt vào ruột ống để đủ lực phát ra âm thanh có sức vang động. Không dễ một chút nào!
Theo các nhà dân tộc học và văn hóa học, đàn klông pút chỉ có ở vùng bà con dân tộc Xê Đăng, và ở đó cũng chỉ có phụ nữ mới được phép chơi đàn klông pút, nam giới tiệt nhiên không.
Vào thập niên những năm 1980, người viết bài này có dịp ra vào các thôn Kon Sơtiu, Kon Rôn, Đăk Phía… thuộc xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà ngày nay, còn thấy và được thưởng thức những buổi chơi đàn klông pút của các bà, các chị Xê Đăng Tơ Đră ở vùng này. Tôi thấy những nhà có giàn đàn klông pút hầu như đều đặt bên cạnh xum (kho) lúa của gia đình.
Vào mỗi buổi chiều, sau một ngày nương rẫy trở về, trước khi mở xum lấy thóc đem giã gạo nấu bữa tối, các bà, các cô thường khom người bụm tay vỗ đàn klông-pút một đoạn âm thanh “bum bum bùm búm bum…” rồi mới mở cửa xum. Vỗ nhiều hay ít có lẽ tùy ngẫu hứng lúc ấy của mỗi người. Giữa buổi chiều tà nơi núi rừng trầm mặc hoang vu, nơi pơlei (làng) vắng vẻ đìu hiu, dòng âm thanh trầm đục như tràn vào người nghe một tâm trạng viễn vọng mơ hồ xa vời vợi…
|
Vào những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng cũng có nghe văng vẳng mơ hồ tiếng đàn klông pút. Lúc này, tiếng đàn quyện vào cái thâm u khuya khoắt nghe như lời vọng gửi điều gì về cho ai đó, nhưng cũng chỉ một thứ âm thanh lặng lẽ thầm thì, chứ không trong trẻo lảnh lót như tơ rưng. Hỏi ra mới biết chơi đàn klông pút lúc chiều là các bà, còn ban đêm thường là các cô.
Sự độc đáo của giàn đàn, cách chơi đàn, và đặc biệt là âm sắc của tiếng đàn klông pút đã len lách đi vào dòng thơ ca kháng chiến Kon Tum thời đánh Mỹ với nhiều hình tượng đẹp và những cảm nhận phong phú. Nhà thơ Nguyễn Duy Nhiệm, nguyên đội trưởng Đội văn công trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã “phân tích” tiếng đàn qua bài thơ “Âm sắc hai cây đàn”: “Tiếng đàn tơ-rưng / Như suối reo / Chim hót / Gọi dân làng / Múa hát / Lễ đâm trâu / Và / Klông-pút / Mãi / Trầm tĩnh / Thẳm sâu / Như lời em / Gọi tình yêu / Lặng lẽ...”.
Cùng thời với bài thơ trên, nhà thơ Hồng Chinh Hiền, nguyên cán bộ Tuyên huấn H30 (Đông Đăk Glei), có bài thơ “Tiếng đàn klông-pút” cũng đã như một cách lý giải nghĩa lý dòng âm thanh tre nứa này: “Nghe tiếng ống bương giục/ Anh đến với em đây/ Xem em múa đôi tay/ Giàn ống này cha gọt/ Dựng bên cây mẹ trồng/ Khu vườn em bỗng rộn/ Tiếng trai của nhiều buôn/ Anh thương em, thương hơn/ Chỉ có klông-pút biết/ Em yêu anh, yêu thiệt/ Chỉ có klông-pút hay/ … / Tiếng đàn em thánh thót / Bước chân anh nôn nao / Tiếng đàn như ngọn mác / Xẻ ruột anh bay vào / Mai anh đi xa rồi / Nghe được đêm này nữa / Ôi, klông-pút, đàn ơi / Nói cho cùng lời hứa / Đàn hãy đi theo ta / Réo rắt trên đường xa / Nửa chừng đừng bỏ lạc/ Theo ai về ngả khác / … / Giữa phiên canh đợt gác / Tiếng đàn hãy đi theo / … / Ôi, tiếng đàn klông-pút…”.
Như đã nói ở trên, những đôi bàn tay phụ nữ Xê Đăng vô cùng khéo léo, thiện nghệ và điệu nghệ khi vỗ đàn klông pút cũng được ngợi ca trong một bài thơ khác của Nguyễn Duy Nhiệm: “Em gái Xê-đăng giết giặc, làm nương / Chẳng có thời gian quen chương vật lý / Đôi bàn tay em – bàn tay chiến sĩ / Lại gọi gió cười qua nứa hoá âm thanh / Đôi bàn tay em là của rừng xanh / Duyên dáng dịu dàng như cành lá biếc / Năm ngón tay em mang hình khuôn nhạc / Để âm thanh đẹp như tiếng nói em / Lần đầu tiên anh qua đất Tây Nguyên / Ngỡ ngàng quá – gặp âm thanh kỳ diệu / Và hôm nay, thời gian cho anh hiểu / Đôi bàn tay em: Nôi âm thanh quê hương / … / Diệu kỳ thay đôi bàn tay xinh xinh…”.
Trên nhiều sách vở, báo chí (mà đặc biệt là trên mặt Báo Kon Tum) có lẽ bạn đọc đã đọc và biết nhiều về đàn klông pút qua nhiều bài viết của các anh chị phóng viên, nhưng có lẽ ít người được thấy và nghe “tại chỗ” (tại làng) với đầy đủ yếu tố tự nhiên thô mộc vốn dĩ của nó. Ngày nay, nếu được nghe và thấy có lẽ cũng chỉ ở trên sân khấu biểu diễn. Phải “mục sở thị” tại chỗ nơi thôn làng mới cảm được hết cái “hồn vía” âm trầm, vi diệu của tiếng đàn klông pút.
T.V.S