Dân ca và tình yêu cuộc sống

10/09/2020 13:07

Cùng với dân vũ, dân ca đã góp phần làm nên nét đẹp, sự độc đáo trong kho tàng văn nghệ dân gian của đồng bào các DTTS nói chung, đồng bào các DTTS vùng Bắc Tây Nguyên nói riêng.

Cũng như cồng chiêng - xoang và nhạc cụ dân tộc, dân ca là loại hình văn nghệ gần gũi, quen thuộc với đồng bào các DTTS từ lâu đời ở địa bàn tỉnh Kon Tum. Từ đồng bào Ba Na sống đã nhiều năm bên con nước Đăk Bla, đồng bào Gia Rai quần cư gần sông Pô Kô đến các nhóm của cộng đồng dân tộc Xơ Đăng, Giẻ Triêng chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, biên giới; mỗi cộng đồng làng đều có những khúc dân ca của riêng mình. Đó chính là tiếng lòng được cất lên trong cuộc sống hằng ngày bình dị gắn với sinh hoạt và lao động gần gũi, thể hiện tình cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên; gửi gắm tình cảm, ước nguyện vào những điều tốt đẹp, may mắn trong lời ca, điệu nhạc.

Người Triêng (một nhánh của dân tộc Giẻ - Triêng) xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi bao đời nay vẫn lưu truyền khúc dân ca đẹp về nghề dệt vải thủ công, nghề dệt làm nên những tấm thổ cẩm mang đậm sắc màu dân tộc. Khúc dân ca “Tanbrai” quen thuộc của các bà, các mẹ, các chị ngày trước đã được Y Loan say sưa tập tành và ngân nga từ khi là một bé gái đến lúc thành thạo biểu diễn như một nghệ nhân giàu kinh nghiệm. Lời khúc dân ca được dịch:  Là con gái phải biết tách bông dệt vải, phải biết khung cửi. Chị ơi, chị ơi. Chị dệt váy, chị dệt cho đẹp, để dành cho chúng ta . Chị dệt tấm dồ mấy gang, chị dệt cho đẹp cho thẳng. Chị ơi, chị ơi. Chị dệt tấm dồ phải dệt 9 thước, mọi người kiếm tiền 3 năm rồi mua. Chị ơi, chị ơi. Mẹ sinh con mẹ phải mang nặng lâu ngày …

Nghệ nhân làng Rờ Kơi hát dân ca. Ảnh: T.N

 

Dân ca là tiếng nói bình dân được cất lên bằng giai điệu, nên dễ hát, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Đồng bào Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng vùng Bắc Tây Nguyên từ lâu vẫn lưu truyền những bài dân ca quen thuộc, như đuổi chim, ru em, giữ rẫy, rủ nhau đi xúc cá, rủ nhau đi hái rau rừng, nhất là những khúc dân ca phong phú, nhiều sắc màu cảm xúc về tình yêu đôi lứa…

Dân ca, nguyên gốc được hát một mình (hát đơn), bởi chủ yếu do các nghệ nhân nam giới chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc tự sáng tạo, ứng tác, hát cùng với nhạc đệm của họ. Song hấp dẫn, ấn tượng và có sức lan tỏa trong sinh hoạt hàng ngày cũng như lễ hội của cư dân địa phương vẫn là “hát đôi”, tức là hát giao duyên, hát đối đáp, hay song ca giữa nam và nữ.

Một đoạn trong khúc dân ca “ting ning tỏ tình” của người Ba Na do hai nghệ nhân trẻ Y HLăk và A Tah ở làng Kon Klốc, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà song ca, dịch nghĩa là:  Mẹ ơi, cho con đi cùng anh ấy/Con muốn cùng anh ấy đuổi con khỉ/ Mẹ ơi cho con đi với anh ấy/Con muốn cùng anh ấy đi săn bắn, bảo vệ nương rẫy, hoa màu của gia đình khỏi bị heo rừng phá...

Để giữ gìn và phát huy giá trị của dân ca trong đời sống, thời gian qua, gắn với lễ hội của thôn, làng và các sự kiện, hoạt động văn hóa do các cấp ngành tổ chức, nét đẹp này đã được quan tâm giới thiệu, phổ biến. Liên hoan dân ca, liên hoan đàn và hát dân ca tầm cỡ khu vực và quy mô cả nước được tổ chức tại tỉnh Kon Tum càng góp phần bồi đắp thêm mỡ màu cho dân ca thêm xanh tươi nơi mảnh đất Bắc Tây Nguyên giàu truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em tại chỗ.

Tuy vậy, về lâu dài và căn cơ, dân ca vẫn cần được sự quan tâm sưu tầm, tập hợp đầy đủ, lưu giữ và trao truyền một cách có hệ thống, trong kho tàng văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Bắc Tây Nguyên. Đó không chỉ là mong muốn của riêng các nghệ nhân dân gian nặng lòng với lời ca khúc nhạc mà những người đi trước đã để lại cho con cháu.

Thanh Như

Chuyên mục khác