Đám cưới của người Thái

04/03/2024 06:00

Đến định cư, lập nghiệp ở vùng biên giới, bà con người Thái xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai không chỉ chăm lo lao động sản xuất, phát triển cuộc sống, mà còn chung tay giữ gìn nét đẹp văn hóa đáng quý của dân tộc. Trong đó, đám cưới truyền thống được duy trì như lời nhắc nhở về nền tảng gắn kết hạnh phúc lứa đôi, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Con gái lớn đã là sinh viên đại học, song nhớ về đám cưới của mình, vợ chồng chị Lương Thị Hải (thôn 2, xã Ia Đal) vẫn không giấu được bồi hồi, xúc động. Ngày ấy, chị Hải, anh Trọng còn ở quê nhà (Lâm Phú, Lang Chánh, Thanh Hóa). Yêu nhau khi cả hai còn rất trẻ, sau thời gian tìm hiểu, họ quyết định về chung một nhà và được gia đình hai bên ủng hộ. Lễ cưới diễn ra theo nghi lễ truyền thống của dân tộc Thái.

Trước ngày cưới, nhà trai đến gặp thầy mo, xem ngày lành tháng tốt để rước dâu. Đúng ngày vui đã được chọn, đôi trẻ cùng hai họ đều diện trang phục thổ cẩm truyền thống với sắc màu tươi tắn, nổi bật. Khi nhà trai đến nhà gái đón dâu, sau nghi lễ ngắn gọn và trang trọng, nhà trai xin nhà gái đưa dâu về nhà mình.      

Phục dựng đám cưới của dân tộc Thái. Ảnh: T.N

 

Tại nhà trai, cô dâu được mẹ chồng dẫn vào nhà. Lúc này, thầy mo (trong vai trò chủ hôn) đã ngồi chờ, bên một mâm cúng được gia đình chuẩn bị sẵn. Trong mâm cúng, cùng với 1 con gà luộc, 1 chai rượu trắng, còn có 4 quả trứng luộc và 4 chén cơm. Quây quần bên mâm cúng là người lớn tuổi nhất trong họ nhà trai, cha mẹ chú rể cùng gia đình nhà gái đưa dâu sang và phù dâu, phù rể.

Trong nghi lễ cưới, thầy mo bóc một quả trứng, chia cho cô dâu chú rể mỗi người một nửa. Điều này mang ý nghĩa là kể từ giờ phút này, “hai người như một”, luôn hết lòng yêu thương và “đồng cam cộng khổ” với nhau trong cuộc sống, dù có sóng gió cũng cùng nhau đi đến hết cuộc đời. Theo dòng cảm xúc thiêng liêng, lắng đọng của nghi lễ, thầy mo tiếp tục cầm hai đùi gà lên, ra hiệu cho phù dâu phù rể cùng “tranh phần” xem ai nhanh tay hơn. Nếu phù rể nhanh tay hơn, cầm được đùi gà trước, thì ngầm đoán rằng, sau này, cô dâu chú rể sẽ sinh con trai. Phù dâu nhanh tay hơn thì có vẻ như vợ chồng trẻ sẽ sinh con gái đầu lòng. Màn “đoán duyên” này nhanh chóng khép lại trong tiếng cười vui vẻ, sảng khoái. Sau đó, cô dâu chú rể và phù dâu phù rể lần lượt bái lạy cha mẹ, họ hàng nhà trai. Cô dâu rót rượu mời cha mẹ, chính thức trở thành con của gia đình.

Sau nghi lễ, hai họ và quan khách cùng vui vẻ dự tiệc cưới. Quây quần trong các điệu xòe Thái tưng bừng, rộn rã... càng làm không khí đầm ấm, tươi vui.

Phong tục cưới lâu đời của người Thái tuy có phần gọn nhẹ, đơn giản, song mang ý nghĩa gần gũi, sâu sắc. Dù trong hoàn cảnh nào, các lễ cưới đều không thể thiếu con gà, quả trứng. Là vật hiện hữu quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, song nó tượng trưng cho ý nghĩa tinh thần là sự sinh sôi, nảy nở hòa quyện với sự sẻ chia, gắn bó.

Điệu xòe mừng đám cưới. Ảnh: TN

 

Theo thời gian, lễ cưới truyền thống của người Thái dần có sự thay đổi cho phù hợp với nếp sống mới. Trước đây, đám cưới truyền thống có khi diễn ra đến 3 ngày 3 đêm. Tuy vậy, ở quê hương mới nơi vùng biên giới huyện Ia H’Drai, hoạt động này chỉ còn được tổ chức trong 1 ngày. Ngày trước, theo phong tục lâu đời, nghi lễ đám cưới không thể thiếu sự góp mặt trang trọng của người làm mối, song sau này, nhân vật này không còn xuất hiện, bởi các đôi trẻ đều tự tìm hiểu, không cần dẫn dắt quen biết. Lễ vật trong đám cưới truyền thống của người Thái cũng không đòi hỏi cầu kỳ, bắt buộc phải có nồi đồng, vòng bạc, mà chỉ với trầu cau, chai rượu, con gà, quả trứng cũng đã đủ đầy để làm lễ giao duyên.

Xa quê đã lâu, song đến nay, người Thái ở vùng biên vẫn duy trì nhiều nét văn hóa truyền thống đáng quý, trong đó có đám cưới tại cộng đồng. Theo chị Lò Thị Duyệt (30 tuổi), lễ cưới theo phong tục luôn diễn ra thuận lợi tại các gia đình mà cô dâu, chú rể đều là người Thái. Tuy vậy, đối với trường hợp con trai hoặc con gái Thái lập gia đình với người dân tộc khác, thì tùy vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế, vẫn có thể giữ nét cơ bản trong lễ cưới truyền thống của mình. Trong đó, nhà trai người Thái vẫn chủ động tổ chức cưới theo phong tục truyền thống. Riêng con gái Thái lấy chồng người dân tộc khác, thì ở góc độ nhất định, có thể thống nhất để giữ một phần nếp cưới. Dù tổ chức theo hình thức nào, thì điều mà cô dâu người Thái luôn thể hiện sự khéo léo, chu toàn khi tự sắm sửa các đồ dùng, vật dụng thiết yếu như mang theo nồi xoong, thổ cẩm, chăn màn khi về nhà chồng. Ai cũng mong muốn cuộc sống lứa đôi êm ấm, hạnh phúc, vợ chồng cùng nhau xây dựng gia đình no đủ, tiến bộ.      

Thanh Như 

Chuyên mục khác