Đăk Nhoong giữ nhịp cồng chiêng

11/03/2017 16:23

​Sau những vất vả, lo toan của cuộc sống mưu sinh; vào những dịp hè, lễ tết, người già, người trẻ xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) lại quây quần bên nhau, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau những âm sắc linh thiêng của tiếng cồng, tiếng chiêng. Cứ thế, tiếng cồng chiêng vẫn luôn được giữ nhịp cho dù trải qua không ít thăng trầm.

Chủ tịch UBND xã - A Nang khoe với chúng tôi rằng: Đến Đăk Nhoong vào dịp cuối năm, người ta mới cảm nhận rõ được sức sống của cồng chiêng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Lần lượt từng làng, từng làng tổ chức lễ hội mừng lúa mới rồi lễ đâm trâu và từ đây, bên ánh lửa bập bùng, tiếng cồng chiêng được cất lên vang xa khắp vùng. Đến vào dịp hè, người ta mới thấy được sự tiếp nối, trường tồn của văn hoá cồng chiêng bởi ở khắp các làng, những người già, người biết đánh cồng chiêng lại tích cực truyền dạy cho lớp con, cháu. Những đội cồng chiêng với đầy đủ các thế hệ từ ông già đến thanh niên, người đánh cồng, người đánh chiêng say sưa với những âm điệu truyền thống của dân tộc.

Thế nhưng, để có được niềm tự hào này, việc bảo tồn văn hoá cồng chiêng ở Đăk Nhoong cũng đã trải qua không ít thăng trầm.

Cũng theo anh A Nang, ngày xưa, trong mỗi nếp nhà, người dân đều lưu giữ một nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình; trong đó cồng chiêng còn là biểu tượng của sự giàu có ở mỗi gia đình, sự hùng mạnh của mỗi buôn làng và là biểu tượng văn hóa tâm linh đặc sắc của một vùng đất.

Bộ cồng chiêng của làng Đăk Ung. Ảnh: H.N

 

Tuy nhiên, có một thời gian, ở Đăk Nhoong diễn ra tình trạng “chảy máu” cồng chiêng, người dân đã bán đi những bộ chiêng quý, thích âm nhạc hiện đại, nhất là đám thanh niên ngày càng tỏ ra hờ hững, không quan tâm đến cồng chiêng nữa, thậm chí nhiều thanh niên còn cho đó là lạc hậu.

Cùng với đó, các lễ hội truyền thống cũng ít được tổ chức nên tiếng cồng chiêng cũng không có điều kiện để cất lên. Âm thanh của cồng chiêng vì thế cứ ít dần, vơi dần.

Trước thực tế này, cấp uỷ, chính quyền xã và những người tâm huyết với việc gìn giữ văn hoá truyền thống của cha ông rất lo lắng cho tương lai của nghệ thuật cồng chiêng, nếu không khơi dậy tình yêu trong lớp trẻ, không nỗ lực bảo tồn thì e rằng một thời gian nữa sẽ bị mai một.

Một trong những việc làm được xã quan tâm hàng đầu đó là phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình để cùng nhau giữ gìn, phát huy.

Ở Đăk Nhoong có 7 thôn, làng; xã đã vận động mỗi thôn làng tìm kiếm, mua lại cho đủ một bộ chiêng làm tài sản chung của cả làng. Dưới sự lãnh đạo của các già làng, người dân các làng đã tự nguyện đóng góp để mua lại những bộ chiêng quý. Người có điều kiện góp nhiều, người khó khăn góp ít, nhưng ai cũng rất trách nhiệm. Chiêng được già làng giữ gìn, chỉ khi nào trong làng có lễ hội hay nhà nào có việc riêng mới mang ra đánh.

Thế nhưng, bảo tồn văn hóa cồng chiêng không đơn thuần chỉ là phát triển về số lượng cồng chiêng, mà còn phải bắt đầu từ việc nuôi dưỡng để từ đó thấm sâu vào ý thức của người dân, nhất là trong giới trẻ về cái hay, cái đẹp của âm nhạc cồng chiêng nói riêng và văn hoá truyền thống của đồng bào Giẻ - Triêng nói chung. Muốn làm được điều này thì phải làm tốt công tác bảo tồn từ gốc, chú trọng tuyên truyền cho đồng bào, nhất là lực lượng thanh thiếu niên ý thức được giá trị và trách nhiệm trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Đồng thời, xã cũng tích cực vận động những người biết đánh cồng chiêng, múa xoang truyền đạt lại cho thế hệ trẻ. 

Với tâm huyết của những già làng, mấy năm gần đây, văn hoá cồng chiêng của đồng bào Giẻ - Triêng dần được khôi phục và phong trào bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Già làng A Gu (làng Đăk Ung) kể: “Bây giờ nhạc hiện đại nhiều, tiếng chiêng không còn vang lên nhiều như xưa. Nhưng cồng chiêng là báu vật ông cha để lại, nếu mình không cố gắng truyền cho con cháu thì sau này những người già chết đi còn ai đánh chiêng nữa. Nghĩ thế nên mình dạy thôi. Bọn trẻ cũng ngại học lắm, chúng bảo học đánh cồng chiêng có no được cái bụng đâu, thời gian đó để đi làm rẫy, đi kiếm tiền mua giàn nhạc về mở ở nhà cho vui. Mình phải kiên trì thuyết phục, động viên, nhắc nhở, ban đầu thì tìm lấy vài người có năng khiếu rồi dần dà những người khác cũng bị lôi cuốn theo. Khi đã thấu cảm được âm thanh của cồng chiêng, những người trẻ mới quyết tâm tìm tòi, học hỏi và gìn giữ. Giờ thì, nhiều thanh niên, học sinh đã có đam mê và tự giác học tập rồi”.

Với già A Ngáp (làng Đăk Nhoong) thì để "truyền lửa" cho thanh niên trong làng giữ gìn và phát triển văn hóa cồng chiêng, người già không chỉ có khả năng nghe được "tiếng nói" của cồng chiêng,  mà còn phải có kỹ năng truyền đạt tình yêu, cách thức đánh cồng chiêng cho thanh niên. Những người già bằng kinh nghiệm và bằng tất cả tâm huyết cứ cầm tay chỉ từng nhịp, từng nhịp một, nhẫn nại, tỉ mẩn rồi bọn trẻ cũng biết đánh cồng, đánh chiêng thôi.

Cùng với cồng chiêng, nghệ thuật múa xoang cũng được bảo tồn. Bây giờ ở xã Đăk Nhoong mỗi làng đều có một đội cồng chiêng, múa xoang chính thức bao gồm những người thành thạo giữ vai trò nòng cốt khi tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hoá truyền thống. Ngoài ra, trong các làng còn có những đội dự bị, những đội cồng chiêng, múa xoang nhỏ để kế cận.

Những lúc rảnh rỗi, anh A Nang cũng dạy con trai đánh chiêng. Ảnh: H.N

 

Hiện nay, người dân Đăk Nhoong còn giữ gìn một số lễ hội truyền thồng như lễ hội mừng lúa mới được tổ chức vào tháng 11 – 12 sau mùa lúa rẫy, lễ hội đâm trâu. Đây là điều kiện để người dân bảo tồn văn hoá cồng chiêng bởi trong các lễ hội, cồng chiêng là linh hồn, là yếu tố cốt yếu không thể thiếu. Cồng chiêng là cầu nối để người dân gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, lòng thành kính tới thần linh, cồng chiêng còn là loại nhạc cụ để người dân giao lưu, kết nối vòng xoang. “Khi tiếng cồng chiêng vang lên, chúng tôi rất vui mừng ước mong mùa màng bội thu, dân làng no ấm, yên bình. Thanh âm của nó bay cao chừng nào thì không khí thôn làng vui tươi chừng đó; bên ánh lửa lập bùng, cả làng lại nắm chặt tay trong vũ điệu xoang thắt chặt tình đoàn kết. Rồi sau khi mem rượu cần chuếnh choáng, những người già lại say sưa bày cho những người trẻ cách đánh chiêng. Cứ thế, người đi trước dẫn đường, người đi sau “tiếp lửa” tạo nên sức sống cho cồng chiêng dân tộc”– Chủ tịch UBND xã A Nang chia sẻ thêm.  Có thể nói, giữ nhịp cồng chiêng, giữ cho âm thanh của tiếng chiêng vang xa khắp núi đồi là một thành công lớn ở Đăk Nhoong. Và như cách nói của Chủ tịch xã A Nang thì khi giữ được những giai điệu cồng chiêng tức là giữ được cái hồn, cái cốt của văn hoá dân tộc rồi.

Hương Nga 

Chuyên mục khác