Đăk Hà: Rộn ràng mùa truyền dạy cồng chiêng

19/07/2017 07:02

​Cồng chiêng là loại nhạc cụ độc đáo, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do đó, trong những năm gần đây, huyện Đăk Hà ngày càng chú trọng đến việc truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ; qua đó, đã góp phần vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Những ngày hè này, tối tối đến thôn Pa Cheng (xã Đăk Long) mọi người sẽ bị hút hồn, lạc vào âm điệu rộn ràng của tiếng cồng, tiếng chiêng. Trước khoảng sân nhà của nghệ nhân A Ling, dưới sự chỉ bảo của 2 nghệ nhân A Thăk và A Ling, những cô bé, cậu bé tuổi từ 9 – 14 say sưa cất lên từng nhịp chiêng, di chuyển từng bước chân nối vòng xoang. 11 cậu bé trong đội chiêng chăm chú theo dõi từng động tác cầm dùi đến gõ nhịp của 2 nghệ nhân rồi học đánh theo. Những tiếng chiêng tuy còn ngắt quãng, vụng về nhưng các em đều cho thấy niềm đam mê và sự nghiêm túc trong học tập.

Nghệ nhân A Thăk cho biết: Vào dịp hè, bọn trẻ có nhiều thời gian rảnh nên cứ tối tối từ 19 – 21h, tôi và ông Ling lại thay nhau chỉ bảo cho chúng cách đánh chiêng, múa xoang, còn bình thường thì chỉ có thứ Bảy, Chủ nhật mới tập hợp được bọn trẻ để truyền dạy. Trước đây, xã chưa vận động. hai anh em tôi vẫn tranh thủ dạy cho thanh thiếu niên trong làng, năm nay có chủ trương này nên cũng có thêm động lực để khích lệ chúng tôi và lũ trẻ học tập.

Nghệ nhân A Hôih làng Đăk Tiêng Klảh đang truyền dạy cồng chiêng cho các em. Ảnh:T.H

 

Nghiêng nghiêng mái đầu, chăm chú nhìn theo từng động tác của nghệ nhân A Thăk, cậu bé A Luyến (10 tuổi) cho biết lúc nào em cũng phải dỏng tai lắng nghe vì chỉ mất tập trung một chút thôi là không thể hòa nhịp theo cả giàn chiêng. Em mê tiếng cồng, tiếng chiêng từ nhỏ, mỗi lần thấy người lớn đánh cồng chiêng là trong lòng em lại rạo rực, nôn nao. Tuy nhiên, lúc trước còn nhỏ quá, chưa mang nổi cái chiêng nên chỉ đi xem mọi người đánh thôi, năm nay đủ lớn để học rồi, em thích lắm.

Không chỉ ở Đăk Long, vào những tối cuối tuần tại các xã Ngọc Réo, Đăk La, Đăk Hring, âm thanh của cồng chiêng cũng vang vọng ở nhiều thôn làng. Dưới mái nhà rông hay có khi chỉ là trước khoảng sân nhà của già làng, các nghệ nhân, những mái đầu bạc tận tuỵ chỉ bảo từ cách cầm dùi, nâng chiêng, đến cách di chuyển động tác cơ thể cho các em. Những nghệ nhân đang dốc hết tâm huyết trao truyền những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng và cả đam mê về cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ. Dù chưa có những bài chiêng hoàn chỉnh, những vòng xoang trọn vẹn nhưng tất cả làm cho người xem thấy hào hứng, cuốn hút.

Chứng kiến những buổi tập của các em, chúng tôi cảm nhận được mạch nguồn văn hoá truyền thống đang ào ạt chảy từ thế hệ già sang thế hệ trẻ, một sự tiếp nối nhịp nhàng, tất yếu để cho tiếng cồng, tiếng chiêng được nối dài mãi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đánh được cồng chiêng, nên để đào tạo được một đội chiêng nhí, các nghệ nhân phải chọn lọc rất kỹ càng, qua nhiều vòng thấy em nào có khả năng mới truyền dạy.

A Xá (làng Đăk Tiêng Klảh, xã Đăk La) chia sẻ: Ngày trước thấy các ông, các bác đánh chiêng em cũng học lỏm, nhưng không có bài nào ra bài nào. Cứ tưởng chỉ cần cầm dùi lên gõ vào chiêng là được, giờ càng học càng thấy khó, nhưng lại càng thấy hay, thấy mê. Người học phải có khả năng thẩm âm để nhận ra từng âm điệu của mỗi người mới đánh được chiêng, bởi mỗi bài chiêng là sự hoà quyện, nhịp nhàng của cả một tập thể.

Với đồng bào các dân tộc thiểu số, chỉ cần nghe văng vẳng đâu đó tiếng vọng ngân của chiêng cồng giữa núi rừng, họ sẽ biết ngay là nơi ấy, làng ấy đang diễn ra sự kiện gì, biết con người ấy đang có tâm trạng gì... Vì vậy, việc quan tâm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo và tiêu biểu này là điều cần thiết.

Thế nên, trong hè năm nay Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Đăk Hà phối hợp với 7 địa phương tổ chức 9 lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang cho các em học sinh từ 9 – 14 tuổi, mỗi lớp từ 25 – 30 em. Những người đứng lớp đều là những nghệ nhân ưu tú đã được công nhận. Trong thời gian 3 tháng, từ tháng 6 đến đầu tháng 9, các em sẽ học đánh thành thạo 3 bài chiêng cơ bản được sử dụng trong các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động này vừa tạo sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi trong dịp hè, vừa là cách cổ vũ, khích lệ thế hệ trẻ cũng như cộng động các thôn, làng tích cực bảo vệ văn hoá cồng chiêng của dân tộc mình.

Thời gian 3 tháng hè, các em chưa thể nắm bắt hết được những kỹ năng, kỹ thuật của cồng chiêng, múa xoang. Tuy nhiên, việc mở lớp truyền dạy này có ý nghĩa quan trọng hơn là giúp cho thanh thiếu niên trên địa bàn huyện yêu thích và hình thành ý thức học hỏi để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác