03/01/2024 06:12
Điểm nhấn đáng chú ý tại Lễ hội “Ngọc Hồi - Tam biên hội tụ” năm nay là gần 30 gian hàng của các đơn vị, địa phương và của các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh những món ăn truyền thống như cơm lam, gà nướng, thịt heo gác bếp, cá chua của các dân tộc Gié Triêng, Xơ Đăng, Mường, người dân còn được thưởng thức các món ăn, thức uống đặc trưng khác như bánh ít, bánh cốm, rượu nếp than rất hấp dẫn.
Đặc biệt, cùng với Lễ hội đường phố, Chương trình nghệ thuật chào đón năm mới 2024 được các nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh với gần 20 tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mùa Xuân, tinh thần đoàn kết cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, sự đổi mới và phát triển của đất nước, tỉnh Kon Tum và huyện Ngọc Hồi là một “điểm nhấn” của Lễ hội năm nay.
|
Bà Y Lan – Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi nhấn mạnh: Việc tổ chức Lễ hội “Ngọc Hồi – Tam biên hội tụ” lần thứ 2-2023 không chỉ thể hiện tinh thần, trách nhiệm trong bảo vệ, gìn giữ, phát huy những di sản văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện mà còn tạo không khí vui tươi, đoàn kết, giao lưu giữa các dân tộc trong dịp chào Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Mai Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần cho biết: Tham gia Lễ hội “Ngọc Hồi - Tam biên hội tụ” lần này, gian hàng của địa phương trưng bày, giới thiệu cho du khách gần xa nhiều sản phẩm độc đáo, phong phú như ớt chuông, cà phê bột, ổi, cam, hạt mắc ca, lá mì chua, măng chua, các loại thức uống truyền thống của cộng đồng các dân tộc, các sản phẩm đồ dùng sinh hoạt được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên tre, nứa. Ngoài ra, đoàn thị trấn còn tham gia thi đấu các môn dân tộc, đội nghệ nhân cồng chiêng tham gia Lễ hội đường phố.
Có mặt tại thị trấn Plei Kần những ngày cuối năm, đi một vòng trên đường Hai Bà Trưng, khu vực trước Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện Ngọc Hồi, chúng tôi nhận thấy người dân, du khách tỏ ra rất hào hứng đi dự lễ hội chào đón năm mới với niềm tin và hy vọng năm mới mọi điều sẽ tốt đẹp hơn.
Đến từ huyện Đăk Tô, chị Trần Thị Thanh Thảo bộc bạch: Tôi biết sự kiện này qua bạn bè ở Ngọc Hồi nên cùng với các thành viên trong gia đình lên đây xem và trải nghiệm các hoạt động của Lễ hội để hiểu thêm về văn hóa các dân tộc. Nhiều hoạt động diễn ra phong phú, đặc sắc, nhất là các sản phẩm nông sản sạch và các món ăn, thức uống độc đáo của dân tộc Mường, Gié - Triêng, Brâu như bánh ú, măng chua, lá mì chua, thịt trâu và thịt heo gác bếp.
|
Còn anh A Sơn đến từ xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi cho hay, Lễ hội năm nay nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn; trong đó, chương trình biểu diễn của các nghệ nhân tại Lễ hội đường phố và Chương trình nghệ thuật chào đón năm mới 2024 đã cuốn hút hàng ngàn lượt người đến xem.
Đặc biệt, Nghệ nhân ưu tú A Vẻ (làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) vinh dự được Báo Pháp luật Việt Nam tặng Kỷ niệm chương và phần thưởng 5 triệu đồng vì đã có nhiều cống hiến trong việc tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bà Y Lan khẳng định, các chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương với chủ đề “Ngọc Hồi - Tam biên hội tụ” sẽ được UBND huyện tổ chức thường niên nhân dịp Tết đến, Xuân về nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân sau khi kết thúc một năm lao động, làm việc cực nhọc, mở đầu một năm mới với hy vọng kết quả sẽ tốt đẹp hơn năm cũ. Đồng thời, tạo điều kiện cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện được giao lưu văn hóa, thể thao, học hỏi kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng các DTTS theo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà, tiên tiến, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Quang Định