07/04/2024 06:30
Trong chuyến công tác tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, chúng tôi tình cờ bắt gặp buổi tập luyện của đội cồng chiêng thôn Klâu Klah. Dưới mái nhà rông, khoảng 15 người đàn ông Gia Rai đang say mê đánh từng nhịp chiêng trầm bổng. Điều đặc biệt, hòa chung sắc màu trang phục truyền thống là màu áo cựu chiến binh.
Thấy tôi tò mò, ông Trần Văn Thương - Chủ tịch Hội CCB xã Ia Chim giải đáp: Trong đội cồng chiêng này có 10 thành viên là hội viên CCB. Họ đều là những thành viên chủ chốt trong đội cồng chiêng của làng đấy.
|
Chúng tôi tiếp tục quan sát sự nhiệt tình, say mê tập luyện của các thành viên trong đội cồng chiêng. Nhịp chiêng từ nhẹ nhàng, chậm rãi đến dồn dập, sôi động cuốn hút mọi người.
Bài chiêng vừa dứt, ông Thương tiếp tục chia sẻ, toàn xã có 11 thôn, trong đó có 9 thôn đồng bào DTTS; các thôn đồng bào DTTS đều có đội cồng chiêng riêng. Nhiều năm qua, Hội luôn phối hợp với các ban ngành tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức, tích cực tham gia các hoạt động, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình; trong đó, tuyên truyền hội viên CCB tích cực tham gia và duy trì hoạt động các đội cồng chiêng, múa xoang.
“Vì thế, trong đội cồng chiêng ở các thôn đều có sự tham gia của hội viên CCB. Ở một số đội chiêng, có hội viên CCB còn là thành viên gạo cội, lâu năm, trực tiếp chỉnh, sửa chiêng và truyền dạy lại cho người trẻ”- ông Thương chia sẻ thêm.
Để chứng minh, ông Thương giới thiệu ông A Mưp - Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn Klâu Klah với chúng tôi. Ông A Mưp năm nay đã 60 tuổi, ông gắn bó với đội cồng chiêng của thôn đến nay đã hơn 40 năm.
|
Qua đôi lời chào hỏi, ông A Mưp giới thiệu cho chúng tôi về bộ cồng chiêng mà thôn đang sử dụng. Cầm chiếc dùi trên tay, ông A Mưp chậm rãi gõ từng nhịp, thị phạm từng động tác đánh chiêng. Dường như âm sắc, tiết tấu của từng chiếc chiêng ông đều nắm vững trong tay; nhịp chiêng như thể dòng chảy hòa quyện trong máu của ông.
Ông A Mưp chia sẻ: Tôi biết đánh cồng chiêng từ năm 14 tuổi vì được ông và bố truyền dạy. Thế hệ chúng tôi ai cũng biết đánh cồng chiêng cả, tuy nhiên thế hệ trẻ bây giờ lại không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống của mình. Tôi cùng các anh em trong đội chiêng luôn cố gắng truyền dạy lại cồng chiêng cho những người trẻ; luôn tìm cách khơi gợi sự thích thú ở các cháu với cồng chiêng.
Không chỉ có ở xã Ia Chim, bằng những cách khác nhau, các cấp hội CCB trong tỉnh có các hoạt động tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Ông Hoàng Đình Nguyên - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội CCB tỉnh luôn chỉ đạo cơ sở hội phối hợp với các ban ngành tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống dân tộc, nhất là ở các vùng đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của tổ chức hội và hội viên CCB trong việc tham gia bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và những nét đẹp văn hóa truyền thống tại địa phương nói riêng.
“Bên cạnh đó, các cấp hội cũng chủ động tuyên truyền, vận động hội viên CCB tích cực tham gia vào các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như là tham gia vào các đội cồng chiêng, múa xoang, truyền dạy các nghề truyền thống. Cùng với đó, Hội CCB tỉnh cũng tổ chức một số hoạt động văn hóa văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên như là chương trình Liên hoan “Tiếng hát CCB” sẽ diễn ra trong thời gian đến, với nhiều tiết mục có chiều sâu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên” - ông Hoàng Đình Nguyên chia sẻ thêm.
Y Đô