Cơ hội cho du lịch “cất cánh”

29/11/2023 13:16

Ngoài mục đích tạo dựng không gian kết nối văn hóa, giới thiệu, quảng bá đến công chúng về văn hóa, không gian cồng chiêng, nét văn hóa nương rẫy truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch (VH, TT&DL) các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum năm 2023 do Bộ VH, TT&DL và Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo tổ chức còn là cơ hội quý cho du lịch Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng “cất cánh”.

Tây Nguyên là một trong sáu vùng kinh tế lớn của cả nước, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Từ xa xưa, đây là vùng đất sinh sống của nhiều tộc người, và mỗi tộc người có những sắc thái văn hóa riêng, được hình thành trên những tương đồng văn hóa của vùng thống nhất trong đa dạng, tạo nên một sắc thái văn hóa mang đậm màu sắc Tây Nguyên, cấu thành nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc.

Sắc màu thổ cẩm. Ảnh: Quang Vinh

 

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tỉnh trong vùng, cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên đã luôn đoàn kết, nỗ lực gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, ngày 15/11/2005, UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” có ý nghĩa to lớn đối với cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa vừa đa dạng phong phú, vừa độc đáo và giàu bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.

Ngoài giá trị của cồng chiêng, Tây Nguyên còn được mệnh danh là vùng đất sản sinh ra khá nhiều sử thi, được đồng bào Tây Nguyên lưu giữ trong trí nhớ và được diễn xướng trong các sinh hoạt cộng đồng; các lễ hội truyền thống đặc sắc của từng tộc người, nhóm người địa phương, ở từng làng.

Bản sắc văn hóa có sức hút mạnh đối với du khách. Ảnh: Hồng Lam

 

Nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum có sự hội tụ của nhiều nét văn hóa đặc trưng, những cảnh sắc, lễ hội độc đáo cùng người dân thân thiện, mến khách. Kon Tum hiện đang được ví như “mỏ vàng” để phát triển các loại hình du lịch, do sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng còn nguyên vẻ hoang sơ; nhiều sông, núi, hồ, thác, nhiều rừng già nguyên sinh với độ che phủ lớn nhất cả nước, hơn 60%; là vùng đất còn lưu giữ sự đa dạng, đặc sắc của văn hóa 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ, gồm Ba Na, Xơ  Đăng, Gia Rai, Gié- Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê, và nhiều dân tộc từ các tỉnh miền Bắc  di cư vào, như Tày, Nùng, Thái, Mường, Thổ, Sán Dìu, Sán Chay, Hmông, Dao; các địa danh, di tích nổi tiếng như Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei, Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn và phát huy, như: Lễ cưới truyền thống của người Ba Na; Lễ cưới truyền thống của dân tộc Xơ Đăng - nhóm Mơ Nâm; Lễ làm chuồng trâu của người Xơ Đăng - nhóm Mơ Nâm; Lễ bỏ mả của người Rơ Măm; Lễ mừng lúa mới của người Rơ Măm; Lễ cưới truyền thống của người Rơ Măm. 9 nghề thủ công truyền thống của 7 DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, gồm dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm nỏ cũng đã và đang được khôi phục.

Cồng chiêng đại ngàn. Ảnh: Quang Vinh

 

Với tiềm năng, thế mạnh ấy, việc được Bộ VH, TT&DL lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội  VH, TT&DL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I đem lại cơ hội rất lớn để Kon Tum có sự đột phá trong giới thiệu, quảng bá về đất và người Kon Tum để du khách gần xa biết đến.

Trên thực tế, hiện nay, Kon Tum cũng đã hình thành các địa điểm, sản phẩm, dịch vụ du lịch; có sự kết nối giữa các điểm đến. Trong số 10 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum, mỗi địa phương đều có những điểm đến khá lý thú và hấp dẫn.

Nét độc đáo của du lịch ở Kon Tum là bà con đồng bào các DTTS nơi đây còn gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc với những mái nhà rông cao vút, những nhà sàn bằng ván gỗ vắt ngang lưng chừng núi, hay những lễ hội được tổ chức hàng năm, theo mùa vụ như bắc máng nước, ăn cơm mới, mừng nhà rông mới; và những nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần, tạc tượng. Đặc biệt là cồng chiêng cùng những điệu múa xoang uyển chuyển của những chàng trai, cô gái Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Gié-Triêng… dưới ánh lửa bập bùng bên mái nhà rông trong các lễ hội mừng nhà rông mới, lễ hội cầu an… được bà con gìn giữ.

Bên ché rượu cần, du khách được khám phá văn hóa ẩm thực độc đáo, với các món ăn rất đặc sắc như gỏi lá, nổi bật với hương vị đặc trưng của hơn 30 loại lá khác nhau với đủ vị ngọt, bùi, chua, cay, đắng; gà nướng cơm lam chấm với muối ớt, tiêu rừng thơm ngon đến nỗi ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ở Kon Tum cũng ngày càng được cải thiện, tiện nghi, hiện đại hơn. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày tăng về số lượng và chất lượng.

Theo kế hoạch, Ngày hội VH, TT&DL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I diễn ra tại tỉnh Kon Tum sẽ có nhiều hoạt động đáng chú ý, như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; thi đấu thể thao truyền thống…, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Vui ngày hội ở làng. Ảnh: SC

 

Quyết tâm đưa du lịch Kon Tum “cất cánh” là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Kon Tum đã và đang nỗ lực. Với định hướng phát triển du lịch bền vững, hướng đến du lịch xanh, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, hy vọng Kon Tum sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch Tây Nguyên sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên. Đây cũng là nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước đề ra tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045.

Và một trong những nội dung quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết này đó là: “Việc phát triển Tây Nguyên phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ  tài nguyên, môi trường. Trong đó, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội làm nền tảng cho việc giữ vững quốc phòng-an ninh, ổn định chính trị, xã hội”.                                                             

Sông Côn

Chuyên mục khác