03/09/2023 13:28
Đặt chân đến làng Vi Rơ Ngheo, chúng tôi ấn tượng bởi những cánh rừng già trải dài, phủ xanh khắp nhiều triền đồi vẫn được giữ nguyên. Để làm được điều này, Trưởng thôn A Thôn tâm sự: Người Xơ Đăng nơi đây đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của rừng trong đời sống từ lâu. Họ không còn phá rừng, thay vào đó là trồng rừng, giữ rừng, bảo vệ rừng như bảo vệ chính cuộc sống của họ. Tận dụng lợi thế được thiên nhiên ưu đãi với đồi lan rộng hơn 5 ha, người dân làng Vi Rơ Ngheo vừa bảo vệ, phát triển lan rừng. Nhờ vậy, đến nay đã có 100% hộ dân trong làng đều trồng lan trước nhà tạo cảnh quan xanh cho ngôi làng.
Nơi đây không chỉ quyến rũ du khách với nhiều dấu ấn văn hóa dân tộc Xơ Đăng đặc sắc, những trải nghiệm cuộc sống hoang sơ nơi núi rừng mà làng Vi Rơ Ngheo còn tạo thiện cảm bởi môi trường xanh, sạch, ít đồ nhựa, túi ni lông.
|
Tại làng du lịch theo quan sát của chúng tôi, đa số đồ dùng phục vụ cho du khách đều làm bằng vật liệu thiên nhiên (tre, nứa, lá rừng), không hề thấy “bóng dáng” đồ nhựa. Theo những người làm du lịch nơi đây, đồng bào Xơ Đăng trước đây sống dựa vào thiên nhiên, tận dụng mọi nguyên liệu tự nhiên để làm ra nhà cửa, bàn, ghế, giường ngủ. Khi kinh tế phát triển, đồ nhựa mới có, mới dùng.
Anh A Phương - Chủ homestay Hoa Lan cho biết: “Khách du lịch khi đến với làng Vi Rơ Ngheo sẽ được trải nghiệm các dịch vụ thân thiện với môi trường, thiên nhiên. Vì thế, thời gian qua, homestay đã chú trọng đầu tư nhà ở, khuôn viên, các công trình phụ trợ, các điểm check in đều bằng các vật liệu của thiên nhiên để du khách trải nghiệm, cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn về thiên nhiên, môi trường”.
Từ khi bắt đầu làm du lịch, bà con trong làng có ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, để tạo thiện cảm với du khách ngay từ đầu, đồng thời, giữ gìn cho làng nét hoang sơ, trong lành vốn là thế mạnh để phát triển du lịch nơi đây.
Để bảo đảm ngôi làng xanh, sạch, đẹp, mỗi ngày, các chị em phụ nữ ở làng đã phân công nhau thu gom rác tại các điểm xả rác thải tập trung, các tuyến đường chính và tuyến nội bộ trong khu dân cư rồi vận chuyển về hố rác của làng, 100% lượng rác thải thu gom đều được xử lý. Ngoài ra, chị em phụ nữ ở làng còn chủ động xây dựng và thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường như sử dụng túi, giỏ bằng mây tre, dùng lá cây rừng gói đồ ăn, giỏ đựng rác bằng tre, nứa.
“Với mong muốn phát triển làng theo hướng du lịch xanh, các chị em phụ nữ đã làm những giỏ đựng rác bằng tre đặt trước cổng nhà và địa điểm tham quan. Tính đến nay, đã có hơn 44 giỏ đựng rác bằng tre được bố trí trong làng”- chị Y Muôn - người dân trong làng cho hay.
|
Anh Nguyễn Công Khanh-du khách đến từ Gia Lai cho biết, khi đặt chân tới làng Vi Rơ Ngheo, anh khá ấn tượng với cách bảo vệ môi trường của đồng bào Xơ Đăng nơi đây. Người dân ở đây vẫn còn những nhà sàn truyền thống, đồ dùng từ thiên nhiên. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với giỏ đựng rác làm từ tre, rất thân thiện với môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông, nhà sàn truyền thống của làng để đón tiếp các du khách, xã đã kêu gọi cộng đồng làng Vi Rơ Ngheo chung tay thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống và tích cực trồng cây xanh. Người dân trong làng cũng đã chỉnh trang vườn nhà theo hướng xanh, sạch, đẹp, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng.
“Với mong muốn phát triển du lịch xanh, thời gian tới, xã Đăk Tăng sẽ tổ chức buổi tập huấn, tham quan những nơi đang phát triển mô hình du lịch xanh để các hộ dân trong làng Vi Rơ Ngheo học tập, áp dụng tại gia đình, địa phương. Người dân làng Vi Rơ Ngheo luôn ý thức giữ gìn môi trường, phát triển du lịch xanh, bền vững, hài hòa với môi trường thiên nhiên. Tuyên truyền cho du khách để họ nhận thức được rằng, khi đến một điểm tham quan không phải chỉ lưu lại những dấu chân mà còn góp phần làm cho môi trường, cảnh quan ở nơi đó sạch, xanh và đẹp hơn” - ông Nguyễn Văn Bay cho biết thêm.
Nay Săt