04/05/2017 08:59
Đại đức Thích Nhuận Bảo- trụ trì chùa Khánh Lâm, cũng là người đã phát khởi tâm nguyện việc dựng lập chùa này cho chúng tôi biết, tên chùa Khánh Lâm là ghép từ tên chùa Tổ đình Trung Khánh, nơi thầy xuất thân và tên chùa Phước Lâm (thành phố Kon Tum), nơi thầy trụ trì nhiều năm qua.
|
Chùa Khánh Lâm được xây dựng trong diện tích quy hoạch được giao 10 ha, trên một ngọn đồi nguyên sinh, cao trên 1.200m so với mực nước biển. Sau hơn 5 năm xây dựng, làm theo kiểu cuốn chiếu, đến nay, phần lớn các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành. Từ chân đồi, theo lối cổng tam quan phía trước, bước qua hơn 200 bậc đá, trong tiếng gió vi vu giữa đại ngàn mênh mông, ngước nhìn lên cao, ngôi chùa bề thế, tôn nghiêm ẩn hiện dưới những tán cây rừng xum xuê, một vẻ đẹp yên bình, thanh khiết làm say đắm lòng người. Nổi bật giữa không gian xanh là gian Chánh điện được cấu trúc ba tầng mái, hút ánh nhìn của du khách bởi sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc đình chùa cổ truyền với kiến trúc nhà Rông, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Đặt dọc hai bên sân tiền Chánh điện, trước hai dãy nhà Tây Lan và Đông Lan là tượng 18 vị La Hán, với đủ sắc thái khác nhau, trang nghiêm và uy nghi. Phía trước Chánh điện, cùng với Lầu chuông, Lầu trống là tượng Quan thế âm Bồ tát cao 17m và hồ sen đối xứng, tạo nên một cảnh quan hài hòa, hấp dẫn…
Đại đức Thích Nhuận Bảo cho biết thêm, chùa Khánh Lâm được xây dựng, trước hết nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, từ tâm đức và sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, phật tử, đạo hữu bốn phương. Hiện vẫn còn một số hạng mục đang trong quá trình xây dựng như nhà Tổ, nhà Tăng, Thư phòng…Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng ngày nào cũng có du khách đến vãn cảnh chùa và thành tâm lễ Phật, vào ngày lễ, ngày nghỉ thì lượng du khách về chùa càng đông. Điều đặc biệt có ý nghĩa là sau ngày động thổ xây dựng chùa, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng chính quyền huyện Kon Plông quyết định lấy ngày 14/02 (Âm lịch) hàng năm làm lễ hội văn hóa “Uống nước nhớ nguồn”. Đại lễ Uống nước nhớ nguồn, theo tôn chỉ của Phật giáo là lấy hiếu đạo làm đầu và lòng tri ân, báo ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ khi phát công xây dựng đến nay, nhà chùa đã 6 lần tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm anh hùng, liệt sỹ, đồng bào tử nạn và cầu cho quốc thái, dân an. Những dịp này, nhà chùa cùng lúc đón hàng ngàn du khách. Mới đây nhất, tại Đại lễ uống nước nhớ nguồn lần thứ 6 và trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa cho đại đức Thích Nhuận Bảo, nhà chùa đã đón gần 10 ngàn du khách, phật tử các nơi về dự lễ…
Trong những năm gần đây, du lịch văn hóa tâm linh đang ngày càng phát triển, đây là loại hình du lịch đặc biệt có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Vì thế, cách xa khu dân cư, có địa thế tuyệt đẹp, hòa quyện cùng thiên nhiên, đường vào chùa uốn lượn giữa chập trùng đồi núi, suối, hồ… đã tạo thành điểm nhấn quan trọng trong tổng thể Khu du lịch sinh thái Măng Đen.
Măng Đen, nơi có rừng nguyên sinh cùng nhiều hồ, thác nước, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đến với Măng Đen, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên cùng thác Pa Sỹ, một tuyệt tác giữa thiên nhiên hùng vĩ; chiêm ngưỡng khu vườn tượng, với hàng trăm tác phẩm bằng gỗ độc đáo, đặc trưng của nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian trong văn hóa của đồng bào các dân tộc Kon Tum; được thả hồn vào cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình của khu du lịch sinh thái Hoàng Vũ, với tâm điểm là lòng hồ Toong Đam, 1 trong 7 hồ lớn có tên trong truyền thuyết “bảy hồ ba thác” của người Mơ Nâm; được giải thoát khỏi những lo âu, phiền muộn, những vất vả, lo toan của cuộc sống thường ngày để tận hưởng không khí trong lành, những giây phút an lạc trong tâm hồn…khi đến với chùa Khánh Lâm - nơi thiền định giữa rừng thiêng.
Hoàng Thúy