21/01/2018 21:38
Lễ hội đường phố được tỉnh Kon Tum tổ chức lần đầu tiên vào tháng 3/2016 tại thành phố Kon Tum, mặc dù chỉ diễn ra trong khoảng 2 giờ, nhưng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng. Qua hai năm rồi, nhưng mỗi lần nhắc về lễ hội này, nhiều du khách và ngay cả nhiều người dân ở thành phố Kon Tum vẫn cho là dịp may mắn được hòa mình vào những âm thanh núi rừng Tây Nguyên; được biết đến những nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc, từng vùng miền cùng với những trang phục đại diện cho từng đồng bào dân tộc…
Phải nói rằng lễ hội đường phố được tổ chức ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và ở Kon Tum nói riêng là một sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng khá cao. Không khí náo nhiệt, đông đúc của người tham gia biểu diễn cũng như của người xem làm sống dậy những nét văn hóa xa xưa. Những nhạc cụ, những điệu múa, tiết tấu cồng chiêng cùng những trang phục văn hóa đại diện cho từng dân tộc là điểm nhấn cho lễ hội.
Bà Nguyễn Thị Như Hoa ở phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, cho rằng, lần đầu tiên được chứng kiến lễ hội đường phố, bà thật sự cảm thấy rất may mắn vì như được hòa mình vào những âm thanh của núi rừng Tây Nguyên. Bà thích nhất là những cô bé, cậu bé mang mặt nạ, đi cà kheo rất giỏi hoặc diễn tấu cồng chiêng rất hay, độc đáo. Đáng quý là bên cạnh lớp nghệ nhân lớn tuổi giàu kinh nghiệm, có một lực lượng đông đảo thành viên là thanh niên hoặc các em nhỏ cũng hào hứng tham gia. Trang phục và dụng cụ họ mang theo đến lễ hội với tinh thần tự nguyện và đồng diễn một cách say sưa đầy nhiệt huyết. Có thể coi đó là một tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật truyền thống được bảo tồn và phát huy. Mong rằng năm 2018, tỉnh ta lại tổ chức lễ hội đường phố tương tự để người dân được thưởng thức.
|
Đến Kon Tum vào dịp tháng 3/2016, chị Từ Thị Yến ở Quảng Ngãi nhớ mãi giây phút bất ngờ và cảm thấy may mắn khi được thưởng thức không khí lễ hội đầu tiên và quá ấn tượng của Tây Nguyên. Những tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân giữa dòng người đông đúc hứng khởi tham gia và cổ vũ khiến lễ hội đường phố có sức sống, sức lan tỏa mãnh liệt. Từng đoàn, từng đoàn đã cống hiến cho khán giả một “bữa tiệc” nghệ thuật với những màn hát, múa, biểu diễn cồng chiêng…được thể hiện giàu cảm xúc trong những bộ trang phục truyền thống đặc trưng của từng dân tộc. Từ lễ hội đường phố ngày ấy, chị cũng có nhiều lần trở lại Kon Tum và rất mong được chứng kiến lễ hội lần thứ hai để trải nghiệm và được tìm hiểu sâu hơn đời sống văn hóa giàu bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Các sản phẩm du lịch của tỉnh hiện chưa phong phú, nên việc phát triển du lịch lễ hội thông qua “Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018” chính là cơ hội để thu hút khách du lịch cũng như các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh. Dù chỉ mới một lần tổ chức lễ hội đường phố, nhưng dường như du khách biết đến Kon Tum ngày càng nhiều hơn. Con số ấn tượng nhất là năm 2017, lượng khách du lịch đến Kon Tum khoảng 343.850 lượt, tăng 10,2% so với năm 2016 (trong đó khách quốc tế có 124.854 lượt) là một minh chứng thú vị.
Lễ hội đường phố ở Kon Tum lần thứ hai cũng sẽ là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên và các tỉnh bạn trong khu vực; tạo không khí tươi vui, thắm tình hữu nghị, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, thể hiện những ý tưởng sáng tạo, độc đáo của từng dân tộc. Người dân đang mong chờ lễ hội đường phố lần thứ hai để phố phường Kon Tum ngập tràn trong tiếng cồng tiếng chiêng, tiếng đàn T’rưng say đắm lòng người, những điệu xoang uyển chuyển của những cô gái Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng…Hy vọng, trong lễ hội lần này, Kon Tum sẽ tăng cường quảng bá những đặc sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, đưa không gian lễ hội gần gũi với công chúng hơn...
Dương Lê