24/10/2017 13:06
Gạo cội dạy tiếng Ba Na
Cô Y Lưu - giáo viên dạy tiếng Ba Na tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, xã Đăk Rơ War, thành phố Kon Tum được xem là gạo cội trong nghề khi có đến 17 năm giảng dạy, bảo tồn tiếng Ba Na.
Là người Ba Na, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, năm 1999, cô Lưu được đi tập huấn và dạy thực nghiệm tiếng Ba Na cho cán bộ, công chức. Từ việc giảng dạy, cô Lưu dần được làm báo cáo viên cho những giáo viên dạy tiếng Ba Na khác.
|
Tâm huyết với nghề, không chỉ tập trung soạn giáo án cho mỗi bài dạy, cô Lưu còn dành thời gian đi sưu tầm các vật dụng: gùi, cái nơm, khung se chỉ… đưa đến lớp làm hình minh họa. Có những vật dụng không thể tự tay làm, cô nhờ chồng, nhờ già làng làm giúp để học sinh hiểu và nhớ nghĩa lâu hơn.
Với cô Lưu, dạy ngôn ngữ cũng chính là dạy văn hóa. Chính vì vậy, trong quá trình dạy, để học sinh hiểu sâu, biết hơn về văn hóa dân tộc, cô đã sưu tầm, dạy cho các em những mẩu chuyện dân gian, những bài hát dân ca, giao duyên.
Truyền đạt dễ hiểu, cô Lưu còn được mời dạy trong các lớp cho cán bộ, công chức, viên chức. Cô luôn cố gắng khuyến khích, tìm cách tạo hứng thú cho người học.
Nhờ cách truyền cảm hứng đầy lôi cuốn, những học viên dần biết đọc, biết viết, giao tiếp bằng tiếng Ba Na. “Công tác trong vùng DTTS, nhờ học tiếng Ba Na tôi đã dễ dàng giao tiếp, tuyên truyền cho người dân. Điều thú vị, nhờ bộ môn này tôi mới khám phá, hiểu được nhiều nét văn hóa đặc trưng của người DTTS nơi đây” - anh Trần Mai Thành Nhơn, công tác tại Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh chia sẻ.
Không chỉ dạy ở các lớp học, mỗi khi vào làng, cô Lưu sẵn sàng chỉ cách viết cho những người già. “Thế hệ trước rất nhiều người không biết cách viết tiếng Ba Na, khi được mình chỉ cách viết họ tên, viết tên làng… họ phấn khởi lắm” – cô Lưu nói.
Với cô Lưu, được dạy tiếng Ba Na là một may mắn, bởi lẽ, không chỉ truyền dạy ngôn ngữ cho mọi người, cô còn giúp các em học sinh cũng như mọi người bảo tồn được tiếng nói, chữ viết và thể hiện bản sắc văn hóa riêng biệt của dân tộc mình.
Truyền tình yêu tiếng Ja Rai
Cô Y Tuyệt, giáo viên dạy tiếng Ja Rai, Trường tiểu học Kim Đồng, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum luôn tự hào khi được truyền dạy tiếng dân tộc Ja Rai cho các em học sinh.
4 năm trong nghề, với cô, mỗi tiết dạy là thời gian để cô truyền tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh, giúp các em hiểu, thấy được trách nhiệm trong việc giữ gìn cái hay, cái đẹp, giữ bản sắc ngôn ngữ dân tộc.
Cô Tuyệt nói rằng, dân tộc Ja Rai may mắn khi còn lưu truyền được chữ viết cho đến ngày nay. Khi tiếng Ja Rai - tiếng mẹ đẻ của mình được đưa vào giảng dạy, cô thực sự rất vui và hạnh phúc.
Tuy nhiên, ngày đầu về trường, được phân công dạy tiếng Ja Rai, cô rất lo lắng. “Dù khá hiểu về tiếng mẹ đẻ nhưng giữa nói và dạy là hai việc khác nhau nên thực sự rất lo. Sau này, khi tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, học hỏi thêm từ các thầy, cô giáo đi trước, tự tin hơn về kiến thức, tôi chỉ muốn dốc hết những gì mình có được để truyền tải đến cho các em”- cô Tuyệt chia sẻ.
|
Không như những bộ môn khác giáo viên có nhiều tài liệu, sách hướng dẫn, với bộ môn tiếng Ba Na, Ja Rai, ngoài sách giáo khoa, hầu như rất ít tài liệu tham khảo. Bởi vậy, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn.
“Sách còn nhiều sai sót nên chúng tôi phải vừa dạy, vừa chỉnh sửa. Có nhiều từ không hiểu, tôi hỏi cha mẹ, tìm vào làng hỏi những người già, thậm chí gọi điện trao đổi với những đồng nghiệp ở Gia Lai… để hiểu rõ nghĩa” – cô Tuyệt nói.
Hình ảnh, tư liệu ít cũng là rào cản khiến học sinh khó hiểu. Nhận biết được khó khăn, cô Tuyệt luôn tìm cách dẫn lối một cách cô đọng nhất, dễ hiểu nhất. “Nhiều lúc dạy mãi học sinh không nhớ, mình cũng nản. Nhưng không bỏ cuộc, mình cố gắng giúp các em hào hứng học ngôn ngữ mẹ đẻ” – cô Tuyệt chia sẻ.
Với quan điểm: giáo viên nhiệt tình, học sinh sẽ tích cực, cô Tuyệt luôn trau dồi kiến thức để truyền tình yêu tiếng Ja Rai cho học trò. Tâm huyết với từng bài dạy, cô luôn sáng tạo, đổi mới, lấy các ví dụ sinh động, tổ chức các trò chơi, đố câu đố bằng tiếng Ja Rai, tạo hứng thú cho học sinh. Mỗi ngày đến lớp cô luôn lôi cuốn học sinh khám phá, chinh phục cái khó trong từng chữ, từng cách phát âm.
Bảo tồn, phát huy chữ viết, tiếng nói các dân tộc thiểu số là một trong những việc cần thiết. Hằng ngày, cô Tuyệt, cô Lưu vẫn luôn nỗ lực chèo lái những chuyến đò ngôn ngữ để mỗi người nắm bắt, hiểu và biết cách trân quý tiếng Ba Na, Ja Rai.
Những nỗ lực này thật đáng trân trọng bởi đã tiếp thêm nguồn năng lượng sống để phát huy, giữ gìn bản sắc của dân tộc Ba Na, Ja Rai nói riêng và dân tộc thiểu số ở mảnh đất Kon Tum nói chung.
Bình An