Cây đàn tình

23/07/2023 13:05

Dù là sáng sương phủ hay đêm trăng soi, dù là mưa gió âm u hay nắng vàng như mật, thì ở làng người Gia Rai vẫn dìu dặt tiếng đàn goong. Nhờ đàn goong mà nhiều đôi đã thành vợ, thành chồng. Phải chăng vì vậy mà đàn goong còn được biết đến như là cây đàn của tình yêu?

Tôi mê đàn goong lâu rồi!

Kể từ cái đêm mưa lạnh, bên bếp lửa ở nhà A Huynh, tôi ngồi gió mưa quất rào rạt trên tàng cây, và nghe chàng trai trẻ gảy đàn goong.

Đây là lần đầu tiên tôi được nghe âm thanh đầy lạ lẫm mà mê hoặc của  đàn goong.

Giống như một người đang rã rượi, đang mệt nhoài bởi công việc, bởi khói bụi và mùi xăng xe, chợt lạc vào một vùng non xanh mát, khiến tôi ngất ngây. 

A Huynh ngồi đó, mái tóc bồng bềnh, đôi mắt khép hờ, gương mặt mơ màng. Cây đàn goong chống vào bụng, đầu đàn hướng về phía trước. Hai ngón út đỡ thân đàn, ngón tay cái đánh bật từ trên xuống, ngón trỏ và ngón giữa khảy từ dưới lên.

Tiếng đàn trỗi lên, bay bổng, lan tỏa. Ảnh: HL

 

Tiếng đàn trỗi lên, bay bổng, lan tỏa, như đưa người nghe lang thang trên các triền núi, bãi sông, lăn dài trên những mái nhà sũng nước, lan xa trên những triền đồi, những rừng cao su.

Tiếng đàn trỗi lên, lúc rạo rực như tiếng hót của chim chơ rao, khi da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như buổi chiều dần tắt nắng, khi thủ thỉ như suối chảy về đây.

Kể từ đó, tôi mê đàn goong. Mỗi khi có dịp, tôi lại tìm về, nghe A Huynh gảy đàn goong.

Đàn goong, như cách gọi của người Gia Rai- hay ting ning, theo cách gọi của người Ba Na, Xơ Đăng- có từ bao giờ, không ai nhớ nữa. Chỉ biết rằng, cũng như cồng chiêng, đàn goong khá phổ biến trong đời sống.

Nhưng khác với cồng chiêng, được dùng cho lễ hội và sinh hoạt cộng đồng, đàn goong gắn bó với cuộc sống hàng ngày. 

Đàn theo chân người mỗi sớm lên rẫy, mỗi hoàng hôn trở về nhà. Đàn náo nức theo các chàng trai ngày lễ hội, tỉ tê khi chàng trai không gặp được người thương.

A Huynh nói, chỉ cần nghe qua tiếng đàn là biết được người chơi đang vui hay buồn. Bởi khi vui, tiếng đàn rộn rã, thánh thót; còn khi buồn, tiếng đàn vì thế cũng nỉ non, trầm lắng, u sầu.

Người Ba Na có một truyền thuyết về sự tích cây đàn ting ning- tức là đàn goong, theo cách gọi của người Gia Rai. Chuyện rằng, từ rất lâu rồi, trong buôn làng có đôi trai gái yêu nhau tha thiết.

Nhưng vì hai người có họ hàng gần nên không thể đến được với nhau để sống chung một bếp lửa.

Dù vậy, họ vẫn lén lút gặp nhau. Rồi một hôm, khi cả nhà đi vắng, đôi trai gái đã bàn với nhau tìm đến cái chết để được bên nhau. Họ rủ nhau vào rừng. Cô gái, với tình yêu mãnh liệt, đã tự tử trước. Chàng trai hoảng sợ, chạy về kêu cứu mọi người.

Khi mọi người đến, cô gái không còn sống nữa, chàng trai buồn bã quên ăn quên ngủ chỉ nghĩ về người yêu của mình.

Vào một buổi chiều chàng tìm đến bờ suối trong rừng ngủ lại. Đêm về, khi trăng lên cao, chàng thoảng nghe từ dưới suối có âm thanh rất lạ.

Men theo suối tìm đến nơi có âm thanh phát ra, chàng nhìn thấy “kơ bong” (loại cây ống mọc) va vào nhau phát ra hai âm thanh có cao độ khác nhau. Lúc va vào thân cây tiếng kêu to “ting”, khi va vào mắt cây tiếng kêu nhỏ hơn “ning”.

Trở về nhà chàng lấy cây lồ ô và “kơxi Rơbo” (rễ cây rừng đập dập phơi khô) làm nên một cây đàn. Có cây đàn, mỗi khi nhớ người yêu, chàng ngồi dựa mình vào cửa nhà rông gảy đàn.

Đàn goong được các chàng trai Gia Rai dùng để bày tỏ tình cảm của mình với người yêu. Ảnh: H.L

 

Vào một hôm trăng sáng, chàng đang gảy đàn thì như thấy người yêu ở  cổng làng vẫy gọi. Quá mừng rỡ, chàng nhảy xuống sàn nhà mà không để ý cây lao dựng phía dưới và bị lao đâm vào người. Trước khi nhắm mắt, chàng vẫn nở nụ cười hạnh phúc.

Vậy là cuối cùng họ được trở về bên nhau như lời hẹn ước, cũng từ đó người ta đặt tên cho cây đàn mà chàng trai gảy là đàn ting ning để nhớ về mối tình của đôi trai gái.

Cả A Huynh và tôi đều không biết sự tích của người Ba Na có mối liên hệ nào với cây đàn goong của người Gia Rai hay không.

Nhưng rõ là bao nhiều đời nay, đàn goong cũng được các chàng trai Gia Rai dùng để bày tỏ tình cảm của mình với người yêu. Tiếng đàn goong đã gắn kết biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng.

Nâng cây đàn goong lên rồi khẽ khàng lau, A Huynh tận tình chỉ cho tôi rằng, đàn được làm từ một ống lồ ô thật già lấy ở rừng về, đã được hong khô trên gác bếp. Mà nhất định là phải hong bếp nhé, nếu phơi ngoài nắng sẽ dễ nứt, không làm đàn được.

Phía chân đàn, dưới mấu tre có mắc một đầu dây vào, phần đầu dây còn lại quấn vào những trục lên dây bằng gỗ, cắm xuyên qua ống ở phía đầu đàn để người chơi có thể lên dây theo ý muốn.

Trước đây, người Gia Rai dùng sợi tơ se vuốt sáp ong hay cật tre, nứa bện lại để làm dây cho đàn. Ngày nay, dây thường được tách ra từ sợi phanh xe đạp hay cáp của đây điện thoại. Cũng có người dùng dây đàn guitare.

Mỗi dây phát ra âm thanh cao thấp khác nhau, tùy theo độ dài ngắn của các dây, được xác định bởi vị trí của những trục lên dây trên đầu đàn.

Ở phía chân đàn được gắn nửa quả bầu khô rỗng ruột để thu âm thanh. Muốn có độ vang, hãy chọn quả bầu tròn và dày. Cũng có một số cây đàn được gắn thêm nửa quả bầu khô (đường kính nhỏ hơn quả bầu kia một chút) ở  đầu đàn (nơi có trục vặn dây) để làm hộp cộng hưởng, tạo thêm độ vang.

A Huynh cầm đàn gảy một bài. Âm thanh trong sáng phát ra từ cây đàn mộc mạc như kể về ngày làng có chuyện vui, khi rượu đã ngà ngà say, trai làng mang đàn goong ra gảy để trò chuyện với các cô gái, từ khi trăng mới nhô lên đến khi mệt mỏi về ngủ sau rặng núi.

Những cô gái Gia Rai bắp chân tròn trắng dưới đêm trăng “nghe tiếng đàn goong nhịp tim xôn xao/ nghe tiếng đàn goong nhịp chân nghiêng chao/ Tiếng đàn goong reo rắt, nói lời yêu nhau” (Tiếng đàn đing goong- nhạc sĩ Ngọc Tường).

Tiếng đàn đầy mãnh lực cứ cuốn tôi bay lên, bay lên!

HỒNG LAM

Chuyên mục khác