Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ

26/10/2018 13:04

​Đề án Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt tại Quyết định số 322/QĐ- UBND, ngày 19/4/2017. Kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện Đề án góp phần lưu giữ và phát huy giá trị của các nghề truyền thống có nguy cơ mai một như mục tiêu đã được xác định.

Đề án Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh đặt ra yêu cầu  bảo tồn và phát triển nghề truyền thống phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và phát triển nông nghiệp - nông thôn của địa phương; gắn kết bảo tồn, phát triển nghề truyền thống với hoạt động du lịch, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, góp phần tăng thu nhập.

Mục tiêu được xác định là bảo tồn 5 nghề truyền thống đang dần bị mai một (gồm rèn, chế tác nỏ, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm); khôi phục nghề dệt truyền thống của dân tộc rất ít người Rơ Măm có nguy cơ thất truyền; hỗ trợ phát triển 4 ngành nghề truyền thống đã có sản phẩm hàng hóa tham gia thị trường (gồm dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ dân tộc).

Tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện Đề án giai đoạn 2017- 2020 là hơn 5 tỷ đồng.

Quán triệt, triển khai Đề án, đến nay, một trong số nội dung chính đã được hoàn thành, là tập hợp băng hình về quy trình sản xuất 7 nghề truyền thống: rèn, gốm, dệt thổ cẩm, đan lát,làm rượu cần, chế tác nhạc cụ dân tộc, chế tác nỏ.

Phụ nữ làng Long Loi, thị trấn Đăk Hà được hỗ trợ khung dệt

 

Trong đó, nghề gốm được thực hiện bởi nghệ nhân Y Pư ở làng Kon Săm Lũ, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy); nghề rèn tại làng Văn Loa, xã Măng Bút (huyện Kon Plông); nghề dệt thổ cẩm tại làng Le, xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), nghề đan lát tại làng Chốt, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy); làm rượu cần tại làng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum);  chế tác nhạc cụ dân tộc do nghệ nhân ưu tú Brôl Vẻ ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) đảm nhận và chế tác nỏ được ghi nhận nhờ kinh nghiệm của nghệ nhân A Hải ở xã Đăk Psi (huyện Đăk Hà).

Gắn với yêu cầu hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương đã mở hai lớp dạy nghề cho đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo đó, lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Rơ Măm được tổ chức từ ngày 12/9 đến 24/10/2017 tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy thu hút  trên 20 học viên là phụ nữ từ 20 đến trên 60 tuổi tham gia. Lớp dạy nghề rèn được tổ chức trong tháng 10/2017, tại làng Văn Loa, xã Măng Bút, huyện Kon Plông cho hơn 20 học viên, hầu hết là thanh niên.

Song song với phối hợp mở 9 lớp tuyên truyền, giới thiệu về Đề án và nâng cao nhận thức, ý thức bảo tồn, phát huy giá trị của các nghề truyền thống tại các địa phương, Ban Dân tộc tỉnh đã  đầu tư hình thành Nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm các nghề truyền thống trên cơ sở cải tạo phòng làm việc cũ tại trụ sở cơ quan - số 163, đường Bà Triệu, thành phố KonTum.

Một số sản phẩm bước đầu được trưng bày, giới thiệu tại đây là trang phục thổ cẩm của đồng bào Rơ Măm, sản phẩm rèn truyền thống, gốm thủ công, đan lát mây tre, đàn ting ning, đàn t'rưng, nỏ…

Liên quan đến trọng tâm đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nét đẹp và quảng bá sản phẩm đặc trưng các nghề truyền thống của đồng bào các DTTS của tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã tích cực tham gia các sự kiện kinh tế - văn hóa quy mô khu vực và cả nước.

Trong đó, tham gia Hội chợ Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, từ ngày 11- 17/7/2018; tham gia Hội chợ quốc tế Thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây, từ ngày 3-8/8/2018, tại thành phố Đà Nẵng.

Trong phạm vi triển khai Đề án, 22 xã, thị trấn thuộc 9/10 huyện, thành phố còn được hỗ trợ 104 khung dệt, giúp các nghệ nhân đang duy trì nghề dệt thổ cẩm có thêm điều kiện vừa làm việc vừa truyền dạy cho thanh thiếu nhi ở khu dân cư làm quen với nghề truyền thống.

Tỉnh Kon Tum có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ: Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Jẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm, H’rê. Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống của đồng bào là quá trình lâu dài, cần tập trung nguồn lực tinh thần và vật chất.

Thực tế cho thấy, chỉ bằng cách đưa các sản phẩm truyền thống trở thành hàng hóa và ổn định đầu ra cho sản phẩm mới thực sự tạo động lực thúc đẩy hiệu quả của quá trình này.

Vì vậy, thời gian tới, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục tăng cường các giải pháp phù hợp như gắn bảo tồn và phát triển nghề truyền thống với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đi đôi với khôi phục sản xuất nghề truyền thống và tạo đầu ra cho sản phẩm; song song với tổ chức dạy nghề truyền thống là quan tâm hình thành chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này.

Bài, ảnh: Thanh Như

Chuyên mục khác