Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

28/07/2023 13:23

Những năm qua, cùng với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của địa phương, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Gia Rai là một điển hình.

Ở xã Ya Xiêr, dân tộc Gia Rai chiếm 70% dân số và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Nhiều năm qua, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xã Ya Xiêr đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con đồng bào bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Gia Rai như: Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng; bảo tồn các ngành nghề truyền thống dân tộc; khôi phục, phục dựng các lễ hội truyền thống.

Anh Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho biết: Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xã đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ, điển hình là Hội thi cồng chiêng-múa xoang lần thứ nhất năm 2022. Qua Hội thi giúp người dân hiểu được những giá trị văn hóa của dân tộc mình để chung tay gìn giữ, phát huy, tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân tộc, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa. Đến nay, toàn xã có 150 người duy trì và phát triển các nghề truyền thống. Trong đó, người biết dệt thổ cẩm là 34, làm rượu cần 80 người; đan lát 23 người.

Bà Y Díc dệt tấm thổ cẩm để kịp giao cho khách. Ảnh: NS

 

Bên cạnh đó, toàn xã có 4/7 làng có nhà rông truyền thống; 6/7 làng có đội cồng chiêng-múa xoang; nhiều lễ hội được gìn giữ và phát huy, nhiều bài dân ca, giao duyên được lưu giữ.

Điều đáng mừng, toàn xã có 2 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân ưu tú Y Díc (86 tuổi, làng O) được mọi người biết đến là người có bàn tay khéo léo, sáng tạo ra những hoa văn tinh tế để làm nên “sức sống” cho thổ cẩm Gia Rai. Đồng thời, bà Díc còn là người truyền lửa đam mê thổ cẩm cho thế hệ trẻ.

“Từ nhỏ, tôi đã bị thổ cẩm cuốn hút nên tôi hay theo mẹ đi vào rừng tìm các nguyên liệu để làm thổ cẩm. Đến nay, ở xã chỉ có tôi còn sử dụng cách làm thổ cẩm truyền thống. Mỗi tháng làm từ 3-4 chiếc áo thổ cẩm, tôi bán cho những người dân ở trong xã và được họ yêu thích vì chất liệu hoàn toàn tự nhiên. Bên cạnh đó, những lúc rảnh rỗi, tôi thường truyền dạy cho lớp trẻ biết dệt và đam mê nghề dệt truyền thống”- nghệ nhân Y Díc chia sẻ.

Còn nghệ nhân A Phiếu (61 tuổi, làng Rắc) cũng đam mê đan lát từ nhỏ, nên khi 15 tuổi, ông đã biết đan gùi, rổ, rá,…để bán cho người dân trong làng. Ông Y Phiếu vui vẻ nói: “Đan gùi không dễ, nó có nhiều loại gùi. Gùi của phụ nữ, gùi dành cho đàn ông, gùi được làm riêng cho các cháu nhỏ. Đơn giản nhất là gùi thưa, để gùi củi, măng, rau, bầu bí, gùi nước. Mất nhiều công sức và đòi hỏi tay nghề cao hơn là đan các loại gùi dày để đựng lúa, đựng mì, đựng bắp, hoặc nhiều loại đồ đạc thông dụng. Đặc biệt, phải đạt đến trình độ cao nhất, mới có thể làm nên những chiếc gùi hai lớp, có nắp đậy. Nếu không yêu không thích, không chịu khó chịu khổ, không làm được”.

Nghệ nhân Y Phiếu luôn tỉ mỉ từng sản phẩm đan lát của mình. Ảnh: N.S

 

Để giữ lấy cái nghề, hàng ngày ông A Phiếu vẫn tận tình hướng dẫn, chỉ dạy cho con, cháu ở trong nhà và những người yêu nghề, muốn học nghề ở trong làng.

Thông qua việc tuyên truyền của chính quyền xã, người Gia Rai nơi đây ngày càng ý thức hơn về việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

“Thời gian tới, để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xã Ya Xiêr tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là cồng chiêng, thổ cẩm, đan lát của dân tộc Gia Rai. Đồng thời, sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; phát triển các đội cồng chiêng-múa xoang thanh thiếu niên tại các làng, trường học trên địa bàn xã”- ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho biết thêm.     

Nay Săt

Chuyên mục khác