08/01/2022 06:31
Trên địa bàn tỉnh có 7 DTTS tại chỗ sinh sống, gồm Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, H’rê, Brâu và Rơ Măm. Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Văn bản số 261-TB/TU ngày 14/10/2016 về triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành trong tỉnh đã quan tâm, đầu tư kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng, nhằm từng bước thực hiện hiệu quả việc sưu tầm, lưu giữ, trao truyền kinh nghiệm cũng như phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa của các nghề truyền thống các DTTS tại chỗ đang có nguy cơ bị mai một trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, xã huy động khoảng 200 nghệ nhân, người uy tín, già làng, trưởng thôn, phó thôn ở các thôn, làng DTTS tại chỗ tham gia khảo sát, phục dựng, ghi hình tư liệu nhằm bảo tồn 9 nghề truyền thống của bà con: Dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, làm rượu cần, chế tác nỏ, chế tác nhạc cụ, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, làm gốm.
|
Trong một chuyến công tác đến thôn Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà), chúng tôi gặp nghệ nhân dệt thổ cẩm Y Giáp. Dù ở tuổi 60, bà vẫn say mê nghề dệt truyền thống. Bà Y Giáp cho biết, 2 năm liên tiếp (2019-2020), Ban Dân tộc tỉnh và UBND huyện Đăk Hà đã quan tâm, hỗ trợ 2 khung dệt mới và 2 triệu đồng để bà mua chỉ màu, mở lớp dạy nghề dệt, may quần áo truyền thống của người Rơ Ngao (một nhánh dân tộc Ba Na) tại nhà cho 20 phụ nữ DTTS ở thị trấn. Đến nay, các chị em đã biết dệt vải, tự may trang phục dân tộc của mình.
Hay ở làng Pu Tá (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) có già làng A Jon với hơn 40 năm kinh nghiệm làm nghề rèn. Ông cho biết: Ở làng, có hơn 18 hộ biết nghề rèn, đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Xơ Đăng. Có được nhiều người giữ gìn nghề truyền thống dân tộc tại chỗ như vậy là nhờ chính quyền đã mở các lớp dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ tại địa phương. Những người như già A Jon được mời truyền nghề cho họ. Đến nay, những vật dụng sinh hoạt của bà con đều do nghệ nhân ở làng làm ra như cái cuốc, con dao ngắn, dao dài; gùi, rổ rá; quần áo truyền thống mặc vào dịp lễ hội.
Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, đơn vị đã phối hợp tổ chức phục dựng, ghi hình mô tả về quy trình sản xuất, chế tác lần lượt từng sản phẩm do các nghệ nhân, người uy tín, già làng thực hiện. Chẳng hạn như, phục dựng nghề dệt thổ cẩm tại làng Le, xã Mô Rai và nghề đan lát tại làng Chốt, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy); phục dựng nghề rèn tại làng Văn Loa, xã Măng Bút, huyện Kon Plông; nghề làm rượu cần ở làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum)…
|
Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị chức năng của tỉnh cũng đã sử dụng các thước phim ghi hình quy trình hoạt động của từng nghề truyền thống làm tư liệu trình chiếu, hướng dẫn, tuyên truyền cho gần 2.200 lượt già làng, người uy tín, trưởng thôn, phó thôn, hội viên các tổ chức đoàn thể cơ sở biết, khơi gợi sự tự hào, cùng tham gia gìn giữ, tuyên truyền cho con cháu văn hóa dân tộc.
Hàng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông các huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đăk Tô được hỗ trợ kinh phí thực hiện thiết kế hình ảnh các nghề truyền thống của bà con DTTS tại chỗ để tuyên truyền trực quan bằng các cụm pa nô tại trung tâm huyện. Các địa phương còn phát triển được 14 điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp trưng bày và bán sản phẩm nghề truyền thống, do bà con làm ra.
Thực hiện đề án trên, gần 6 năm qua, các cấp và ngành, đơn vị, cơ quan trong tỉnh đã hỗ trợ các thôn, làng vùng đồng bào DTTS 360 bộ khung dệt; tặng 15 bộ cồng chiêng; tổ chức cho 2.000 lượt nghệ nhân tham dự 23 lễ hội, hội thảo, hội nghị quảng bá, giới thiệu văn hóa, nghề truyền thống dân tộc trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tham gia 112 lớp truyền nghề truyền thống cho thanh thiếu niên, người dân tại chỗ.
Qua công tác triển khai bảo tồn, phát huy và phát triển các nghề truyền thống các DTTS tại chỗ trên địa bàn thời gian qua, số người dân, nghệ nhân biết nghề truyền thống của dân tộc mình đã tăng từ 2.220 người lên 12.170. Cụ thể, người biết dệt thổ cẩm từ 315 người tăng lên 1.046 người; đan lát từ 570 người tăng lên 1.747 người; nghề rèn từ 116 người tăng lên 408 người; nghề làm rượu cần từ 984 người tăng 8.464 người; chế tác nỏ từ 53 người tăng 266 người; chế tác nhạc cụ từ 124 người tăng lên 164 người; tạc tượng từ 39 người lên 46 người, đẽo thuyền độc mộc từ 19 người tăng lên 29 người.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Văn bản số 261-TB/TU, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành trong tỉnh đã tích cực tham gia, góp phần bảo tồn, khôi phục, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của các nghề truyền thống của bà con DTTS tại chỗ.
Mai Trâm