Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, nghệ thuật dân gian truyền thống

03/09/2023 06:16

Kon Tum được biết đến là mảnh đất hội tụ đa sắc màu, gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nhất là các loại hình lễ hội, âm nhạc dân gian. Đây vừa là niềm tự hào và là động lực để các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn và gìn giữ.

Với tập quán cư trú theo làng và có lối sống gắn liền với tự nhiên, cộng đồng các DTTS trên địa bàn đã sáng tạo ra nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần “mang đậm nét núi rừng, nương rẫy” và được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó, các loại hình lễ hội và nghệ thuật trình diễn dân gian của cộng đồng các DTTS rất phong phú, đa dạng và mang nhiều giá trị nghệ thuật cần được bảo tồn và phát huy.

Đối với lễ hội có nhiều nghi lễ, lễ hội phong phú, độc đáo như: Hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan đến vòng đời con người (Lễ thổi tai, lễ trưởng thành, lễ cưới, tang ma, bỏ mả); hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan “vòng đời cây lúa” trong sản xuất nông nghiệp; hệ thống nghi lễ, lễ hội liên quan đến cộng đồng (Lễ lập làng mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ mừng nhà mới, lễ dời làng, lễ cầu mưa, lễ cầu an).

Về nghệ thuật dân gian truyền thống tập trung chủ yếu ở các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc bao gồm các làn điệu dân ca, múa xoang, các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Các hình thức lễ hội và nghệ thuật dân gian gắn bó mật thiết và tạo môi trường cho nhau cùng phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc.

Đoàn nghệ nhân dân tộc Thái đen ở huyện Ia H’Drai biểu diễn điệu múa xòe khăn truyền thống. Ảnh: HT

 

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội, nghệ thuật dân gian truyền thống gắn với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng DTTS và miền núi.

Theo đó, hoạt động tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh, xem như “xương sống” để triển khai hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ khác. Việc tuyên truyền được lồng ghép thông qua các lớp tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, qua việc phục dựng các lễ hội truyền thống của các DTTS; thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa trong tỉnh và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa do các bộ, ngành tổ chức; thông qua việc xây dựng các Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian trong đồng bào DTTS; thông qua các buổi tuyên truyền lưu động, trình diễn văn hóa, văn nghệ phục vụ cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao khả năng thực hành văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân và quảng bá, giới thiệu đất và người Kon Tum đến bạn bè và du khách.

Nhiều chính sách trong khảo sát, kiểm kê và lập danh mục loại hình các lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS được đẩy mạnh.

Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu ban hành các kế hoạch về kiểm kê và lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa nhiều lễ hội, loại hình nghệ thuật dân gian vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; đồng thời xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân trực tiếp thực hành, trao truyền; đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho công chức văn hóa và các chủ thể văn hoá (nghệ nhân, người có uy tín) trong công tác quản lý, gìn giữ và phát huy các giá trị lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS tại các địa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phục dựng và phát huy giá trị lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc các DTTS gắn với phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2021- 2022, đã tổ chức phục dựng 3 lễ hội truyền thống các DTTS trên địa là: Lễ mở kho lúa của dân tộc Rơ Măm tại làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy); Lễ cưới truyền thống của dân tộc Giẻ- Triêng tại thôn Nông Nội (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) và Lễ ăn than (Cha K’chiah) của dân tộc Giẻ- Triêng tại thôn Đăk Ga (xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei). Kết thúc công tác phục dựng các lễ hội truyền thống, cộng đồng tiếp tục duy trì tổ chức định kỳ hàng năm.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo đưa một số loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc vào hoạt động giảng dạy và ngoại khóa tại các nhà trường. Nội dung về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung, loại hình lễ hội, dân ca, dân vũ, dân nhạc được đưa vào nội dung giảng dạy “Tài liệu Giáo dục địa phương” theo từng cấp học. Đồng thời, triển khai lồng ghép Kế hoạch “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2030” vào Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Khắc phục những khó khăn về các điều kiện con người, nguồn lực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, tranh thủ, lồng ghép mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình lễ hội, dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào các DTTS. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền và nâng cao vai trò quản lý của các cấp, phát huy sự chủ động sáng tạo của các chủ thể văn hóa”.                         

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác