22/09/2017 07:59
Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa tham dự buổi tọa đàm đã đưa ra các luận cứ khoa học chứng minh những ảnh hưởng to lớn của các sự kiện lịch sử diễn ra tại Nhà ngục Kon Tum, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đưa ra các giải pháp thực tiễn mang tính định hướng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nhà ngục Kon Tum trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu tham luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh đến vị trí, tầm ảnh hưởng của Nhà ngục Kon Tum.
Theo đó, ngày 9/2/1913, tỉnh Kon Tum được thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Nhà ngục Kon Tum được thực dân Pháp xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum để giam giữ những chiến sĩ yêu nước và cách mạng của Việt Nam chống lại chế độ cai trị thực dân của Pháp, nó có vị trí rất quan trọng trong bộ máy cai trị và hệ thống nhà tù của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, mà trực tiếp là ở Trung Kỳ và Tây Nguyên.
Từ năm 1929, Nhà ngục Kon Tum bắt đầu giam giữ tù chính trị. Tháng 9/1930, tại Nhà ngục Kon Tum đã ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của Kon Tum – Tây Nguyên, với tên gọi “chi bộ Binh”. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam độc đáo nhất được hình thành trong hàng ngũ của địch trong phong trào cách mạng những năm 1930-1931 ở nước ta. Sự ra đời của chi bộ Đảng tại Nhà ngục Kon Tum là sự kiện có tính bước ngoặt, xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đưa ra những luận cứ chứng minh sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân và ý chí cách mạng kiên cường của những người cộng sản.
Theo đó, trong giai đoạn 1930-1933, Nhà ngục Kon Tum được coi là nơi giam giữ tù chính trị nhiều nhất và là “lò giết người” nhiều nhất trong cả nước đối với tù chính trị phạm. Chỉ trong vòng 6 tháng đã có trên 210/295 tù chính trị bỏ mạng tại công trường Đăk Pao và tiếp sau đó, chỉ trong vòng 5 ngày, từ 12/12-16/12/1931 đã có 15 người chết và trên 20 người bị thương trong cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực tại Nhà ngục Kon Tum.
Tuy nhiên, sự độc ác, tàn bạo của kẻ thù không thể giết chết được ý chí, tinh thần của những người cộng sản. Sự hy sinh của họ đã thức tỉnh đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là tấm gương sáng cho những người cộng sản vẫn còn bị đày ải trong các nhà ngục, nhà tù của thực dân Pháp noi theo. Tinh thần cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực tại Nhà ngục Kon Tum vẫn vang vọng mãi với thời gian…
Về công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia Việt Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, Nhà ngục Kon Tum chứa đựng nhiều giá trị nhưng chúng ta chưa làm tỏa sáng được. Việc tôn tạo di tích chưa chú ý nhiều đến yếu tố bảo tồn di tích gốc (hiện chỉ còn sót lại một số hạng mục di tích gốc, không được nguyên vẹn, vị trí di tích đã bị xâm lấn hoặc hủy hoại…), hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan còn hạn chế…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng thẳng thắn chỉ rõ: việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Nhà ngục Kon Tum còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa thực sự tương xứng với sự hy sinh của những người đã khuất, chưa phát huy hết giá trị của di tích...
Khẳng định vai trò, ý nghĩa, giá trị lịch sử quan trọng của di tích Nhà ngục Kon Tum, đồng thời chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích sau gần 30 năm được công nhận và sau gần 20 năm được đầu tư xây dựng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đề xuất tỉnh Kon Tum cần xây dựng đề án tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích; xem xét, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nhà ngục Kon Tum đã được phê duyệt trước đây sao cho phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương hiện nay, xác định nội dung tầm nhìn, chiến lược phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững; thực hiện nghiêm túc quy trình phục dựng di tích…Trong các giải pháp phục hồi, trùng tu, tôn tạo, cần ưu tiên cho nhiệm vụ phục hồi, trùng tu trước để thấy lại diện mạo phần nào của các trại giam trước đây và tập trung đầu tư cho nhà trưng bày bổ sung di tích để du khách hiểu rõ diện mạo, nội dung lịch sử, tội ác của thực dân Pháp và ý chí, nghị lực, lòng quả cảm của các chiến sĩ cách mạng…
Trân trọng, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề nghị các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa tiếp tục nghiên cứu, phân tích sâu sắc về giá trị lịch sử của di tích, đề xuất các giải pháp thiết thực giúp tỉnh Kon Tum hoàn thiện Hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng Nhà ngục Kon Tum là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Hoàng Thúy