20/07/2017 07:00
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.916 bộ cồng chiêng và 26 nghệ nhân ưu tú đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng. Từ năm 2007-2015, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã triển khai nghiên cứu, điều tra và thống kê được 776 bộ cồng chiêng của các dân tộc Xê Đăng, Ja Rai, Ba Na, Rơ Măm trên địa bàn các huyện như Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Ngoài ra, bằng nguồn vốn sự nghiệp hàng năm, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 75 bộ cồng chiêng của 6 dân tộc thiểu số tại chỗ, phục vụ công tác bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 510 nhà rông trên tổng số 622 làng đồng bào dân tộc thiểu số; có 427 đội nghệ nhân cồng chiêng/622 làng đồng bào dân tộc thiểu số; 243 thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số có cồng chiêng.
|
Ngành cũng đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng được 25 nghi lễ, lễ hội truyền thống của 6 thành phần dân tộc thiểu số tại chỗ, tất cả đều có đánh cồng chiêng, múa xoang trong dịp diễn ra lễ hội; mở 87 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang với gần 1.200 học viên là thanh thiếu nhi tham gia.
Theo ông Phan Văn Hoàng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, tính từ năm 2012 đến nay, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức đưa hơn 20 đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số tại chỗ trong tỉnh tham gia trình diễn văn hóa truyền thống, phổ biến tri thức văn hóa của các dân tộc tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam để quảng bá, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về những nét văn hóa đặc trưng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh. Đặc biệt, các đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum đã tổ chức phục dựng nguyên bản trên 20 lễ hội dân gian tiêu biểu tại Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên tổ chức các hoạt động trong “Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch” với quy mô cấp tỉnh trong những năm gần đây cũng đã góp phần quảng bá các giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa cồng chiêng đến bạn bè trong và ngoài nước; tác động một cách tích cực đến ý thức tự giác của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng.
Tuy nhiên, ông Hoàng trăn trở: Trước sự tác động của nền kinh tế thị trường, môi trường diễn xướng truyền thống bị thu hẹp, một số giá trị bản sắc văn hóa truyền thống cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện nay Kon Tum có nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số không có cồng chiêng. Theo số liệu thống kê đến tháng 2/2016, toàn tỉnh còn 379/622 thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ không có cồng chiêng tập thể để tổ chức sinh hoạt. Nhiều giá trị truyền thống của cồng chiêng đang trong quá trình biến đổi như cồng chiêng không còn được coi là của cải, không còn giữ được vai trò là “vật thiêng”, là nhạc khí dân gian chủ đạo trong đời sống tinh thần của người dân. Đáng lo ngại hơn đó là sự thờ ơ của lớp trẻ, nhiều người không thích hoặc không biết đánh cồng chiêng. Cồng chiêng chỉ còn là một loại nhạc khí dân gian, khó tập, khó sử dụng lại đòi hỏi phải có nhiều người tham gia, đồng thời lại “lạc hậu” so với nhiều loại nhạc cụ mới, hiện đại theo lối sinh hoạt văn hóa mới; do vậy, cồng chiêng dần dần bị quên lãng, dần dần bị mai một là một thực tế đang diễn ra ở không ít làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ với chúng tôi ở một góc độ khác, bà Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã nhìn nhận: Công tác bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chưa được triển khai một cách đồng bộ, mới chỉ tập trung thực hiện ở các nội dung đơn lẻ. Công tác nghiên cứu, điều tra, sưu tầm cơ bản, tuy đã được triển khai nhưng chưa đồng bộ, nhiều giá trị có nguy cơ mai một nhưng vẫn chưa được nghiên cứu căn bản, mới chỉ dừng lại ở bước sưu tầm, ghi chép một số tư liệu thô. Các thông tin, dữ liệu sưu tầm chưa được “tư liệu hóa” phù hợp dẫn đến phổ biến lưu truyền chưa rộng rãi. Vì đa thành phần dân tộc nên cồng chiêng ở Kon Tum cũng rất đa dạng về chủng loại. Mỗi dân tộc, mỗi nhánh có một loại tiêu biểu riêng, trong 1.916 bộ cồng chiêng ở Kon Tum gồm tới gần 30 loại khác nhau, đó mới chỉ tính những loại cồng chiêng cổ, tiêu biểu của các tộc người. Cụ thể như: Chiêng Tha (dân tộc B’Râu); chiêng Pom, chiêng Pát (dân tộc Ja Rai - A ráp); chiêng Tơnơl (dân tộc Ba Na); chiêng Nỉ (Jẻ -Triêng, nhánh Triêng); chiêng Xteng (dân tộc Xê Đăng, nhánh Steng); chiêng Xum (Jẻ - Triêng, nhánh Jẻ)... Chính vì vậy, công tác nghiên cứu, sưu tầm các bộ chiêng cũng gặp khó khăn và hạn chế nhất định như: kiến thức chuyên môn về âm nhạc, về nghệ thuật trình diễn...
|
Mặt khác, tính kế thừa trong truyền dạy các giá trị của cồng chiêng vẫn còn hạn chế. Số lượng nghệ nhân lớn tuổi ngày một ít đi, thế hệ trẻ lại chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng đầy đủ ở lĩnh vực này, do vậy dần dần cách diễn tấu các bài cồng chiêng cổ và nghệ thuật chỉnh chiêng cũng mai một theo.
Hiện nay, số lượng nghệ nhân chỉnh chiêng ở Kon Tum còn rất ít, có những huyện còn lưu giữ được rất nhiều cồng chiêng, nhưng lại không có nghệ nhân chỉnh chiêng, đây là một khó khăn lớn đối với công tác bảo tồn.
Các chương trình, đề án về bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng mặc dù đã được phê duyệt nhưng chưa có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện. Nguồn kinh phí còn hạn hẹp cho công tác sưu tầm, dịch thuật, biên tập các làn điệu dân ca, truyện cổ... đã tác động đến tiến độ triển khai thực hiện tất cả các mặt công tác, hiệu quả mang lại còn thiếu bề dày chất lượng.
Công tác quảng bá các giá trị của cồng chiêng gắn với phát triển kinh tế chưa phát huy hiệu quả, các hoạt động du lịch được tổ chức chỉ đưa một vài lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số vào nhưng tính bảo tồn, quảng bá chưa cao.
Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 là phải hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn các huyện chưa kiểm kê; 80% làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh có cồng chiêng; 100% cán bộ văn hoá xã được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo tồn cồng chiêng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hoá tại địa phương; 10/10 huyện tổ chức các lớp truyền dạy về cách đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng cho thanh niên người dân tộc thiểu số tại địa phương...
Để thực hiện các mục tiêu trên, theo bà Phạm Thị Trung, trong thời gian tới, ngành sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; nghiên cứu và đánh giá toàn diện các thành tố của Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến môi trường diễn xướng; điều tra, nghiên cứu, biên tập và tư liệu hóa những bài chiêng, đặc biệt là những bài chiêng cổ, kỹ thuật chỉnh chiêng.
Trong công tác giữ gìn và phục hồi, ngành tiếp tục triển khai các chính sách tác động đến việc bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng; trong đó, chú trọng phục dựng các lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh và nhu cầu thẩm mỹ trong đời sống âm nhạc dân gian.; tổ chức truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng, kỹ thuật chỉnh chiêng và các bài chiêng truyền thống cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ; quan tâm triển khai việc đưa giáo dục di sản Không gian văn hóa cồng chiêng vào trong trường học một cách phù hợp. Nganh triển khai chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với các nghệ nhân cồng chiêng; khuyến khích các gia đình, cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hoá cồng chiêng; tiến hành hỗ trợ kinh phí để mua và cấp cồng chiêng cho các thôn, làng không có cồng chiêng
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục phát triển các hoạt động quảng bá và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng gắn với việc phát triển hoạt động du lịch như tổ chức Liên hoan cồng chiêng tại tỉnh, Liên hoan nghệ thuật dân gian gắn với Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Kon Tum; tổ chức cho các đội nghệ nhân dân gian của các dân tộc tham gia trình diễn nghệ thuật dân gian và giao lưu văn hóa vùng miền; tăng cường quảng bá, giới thiệu, trưng bày văn hoá cồng chiêng của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Kon Tum tại Bảo tàng tỉnh, tại các sự kiện văn hóa diễn ra ở các tỉnh trong khu vực, trong nước và tại các nước trên thế giới.
Quang Định