Bảo tồn di tích - Cần “cú hích” đủ lực

14/12/2021 13:01

Công tác bảo tồn, quản lý di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, thắng cảnh tại tỉnh ta những năm qua đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội, nhưng cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập nên chưa thể phát huy đúng giá trị vốn có.

Xuống cấp và bị xâm hại

Là một trong 2 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (cùng với di tích lịch sử Đường mòn Hồ Chí Minh- xã Mô Rai, huyện Sa Thầy), nhiều năm qua, di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) là “nạn nhân” của vấn nạn xâm hại di tích.

Trong chuyến thăm gần đây, dù đã cố gắng, nhưng chúng tôi không thể hình dung ra diện mạo di tích. Khu căn cứ E42 bị người dân lấn chiếm để trồng mì; một phần sân bay L19 bị “hô biến” thành nghĩa trang; sân bay Phượng Hoàng thành sân phơi nông sản, cỏ mọc um tùm, mặt sân bong tróc.

Dù được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt từ năm 2017, nhưng không có tường rào để khoanh vùng, bảo vệ mà chỉ cắm biển cấm xâm phạm. Có thể đây là nguyên nhân chủ yếu khiến khu di tích bị xâm hại.

Khu di tích lịch sử cấp tỉnh chiến thắng Kon Braih nằm trên một ngọn đồi thấp ở địa phận thôn 5, xã Đăk Ruồng lại bị xâm hại theo cách khác.

Di tích lịch sử chiến thắng Kon Brai (huyện Kon Rẫy) từng bị xâm hại bởi nạn khai thác đất san lấp. Ảnh: HL

 

Dù tại đây, chính quyền địa phương đã đầu tư làm đường, xây tường rào, nhưng ngay dưới chân đồi, một số hộ dân khoét sâu vào đồi để xây dựng nhà ở, quán ăn: khai thác đất phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng, khiến di tích có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, nhiều năm dài, đình Trung Lương (được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2007) bị một số hộ dân lấn chiếm đất xây 4 ki ốt buôn bán đồ ăn, thức uống. Các ki ốt chắn ngay trước mặt tiền đường Phan Đình Phùng của đình. Chính quyền địa phương đã rất vất vả mới xử lý được.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, thắng cảnh đã được các cấp xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 4 di tích cấp quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh.

Điều đáng lo ngại là hầu hết các di tích chưa được cắm mốc giới bảo vệ theo quy định; một số di tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được đầu tư các hạng mục để nhận diện di tích, hoặc chưa có biển báo, chỉ dẫn…

Theo đánh giá của UBND tỉnh, các di tích đều trong tình trạng xuống cấp hoặc bị xâm hại, kể cả các di tích được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (Ngục Đăk Glei, Khu căn cứ Tỉnh ủy, Khu chứng tích Kon H’ring), hay từ nguồn xã hội hóa (như đình Trung Lương cột, kèo, bàn thờ tại chính điện và nhà thờ mẫu bị mối mọt, ngói lợp hư hỏng…).

Cần “cú hích” đủ lực

Những năm qua, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh đã rất nỗ lực bố trí ngân sách địa phương cho việc tu sửa, chống xuống cấp cho các di tích. Riêng giai đoạn 2016-2020, đã đầu tư hơn 9,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và xã hội hóa.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, tu sửa, nâng cấp di tích được xếp hạng hiện nay chỉ là “muối bỏ bể” so với nhu cầu, bởi ngân sách địa phương hạn hẹp, trong khi xã hội hóa cũng rất hạn chế, hầu như chỉ thực hiện được ở các di tích lịch sử văn hóa (chùa, đình).

Trước thực tế trên, cần có một “cú hích” đủ lực, cả về chính sách và nguồn lực tài chính cho việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích.

Khu nhà giam tù nhân tại Khu di tích lịch sử quốc gia Ngục Đăk Glei sau khi được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: HL

 

Theo đó, về mặt chính sách, cần có một hệ thống chương trình, giải pháp thống nhất vể bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trước hết, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý về di tích ở các cấp để nâng cao trình độ chuyên môn. Bố trí nguồn nhân lực chuyên nghiệp; hạn chế dần chế độ kiêm nhiệm, thay đổi, luân chuyển công tác thường xuyên.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một bộ phận nhân dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích, từ đó khắc phục tình trạng lấn chiếm đất đai, xâm hại di tích. Khắc phục sự trông chờ vào Nhà nước ở một số địa phương trong việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích.

Quan tâm chế độ, chính sách trợ cấp đối với cán bộ làm công tác bảo tồn di sản; cá nhân quản lý di tích không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; những người đang bảo vệ, gìn giữ các di tích ở vùng sâu, vùng xa.

Về nguồn lực tài chính, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc hỗ trợ đầu tư tu bổ, phục hồi các di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Ngân sách tỉnh và huyện đảm bảo cân đối, phân bổ hợp lý cho công tác bảo quản, tu bổ di tích. Thực hiện tốt phương châm xã hội hóa để huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, góp phần vào việc đầu tư và bảo vệ di tích.

Một tin vui là mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1074/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó, bên cạnh hàng loạt giải pháp, đáng chú ý là tỉnh sẽ huy động 175,3 tỷ đồng để đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được xếp hạng trong 5 năm tới.

Đây sẽ là “cú hích” đủ lực để phát huy mạnh mẽ giá trị các di tích; xây dựng các di tích thành điểm du lịch văn hóa, “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu thu hút 2,5 triệu lượt khách tham quan, du lịch vào năm 2025.

Hồng Lam

Chuyên mục khác